Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đã nêu rõ “Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tất yêu khách quan đối với các nước có nền kinh tế như nước ta hiện nay. Mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng là quá trình làm thay đổi cơ cấu kinh tế. Đặc biệt giai đoạn hiện nay công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước hết và quan trọng nhất là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. phát triển công nghiệp, dịch vụ phái gắn chặt chẽ và hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Chính trong quá trình này, việc xác lập cơ cấu kinh tế hợp lý diễn ra từng bước gắn với các giai đoạn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và mỗi bước tiến của cơ sở vật chất kỹ thuật. Đó là sự thay đổi cơ cấu kinh tế từ tình trạng lạc hậu, mất cân đối, hiệu quả kém sang một cơ cấu kinh tế hợp lý, ngày càng hiện đại và có hiệu quả
cao, gắn với từng bước trưởng thành của cơ sở vật chất kỹ thuật do công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra.
Phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là: “Chuyển dịch cơ cấu phải gắn với nâng cao hiệu quả, chất lượng, khả năng cạnh tranh… Muốn chuyển dịch được cơ cấu phải lưu ý bốn điều kiện: Thứ nhất, công tác quy hoạch phải gắn với thị trường trong và ngoài nước. Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng giúp dân “chuyển dịch” (việc này đòi hỏi cả trung ương, địa phương và nhân dân cùng làm, chỉ trông chờ vốn trung ương sẽ không đủ). Thứ ba, đẩy mạnh lai tạo giống cây, giống con, phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất. Cuối cùng là nguồn vốn. Không chỉ bốn “nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà chế biến) mà phải thêm cả nhà “băng” cùng kết hợp lại mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh được”.
Quan điểm chi phối chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá:
Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ có thể đúng hướng khi các yêu cầu sau đây được quán triệt đầy đủ và đồng bộ:
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải đảm bảo cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải đảm bảo khai thác thế mạnh và sức mạnh tổng hợp của các ngành, các lĩnh vực kinh tế, các thành phần kinh tế và các vùng lãnh thổ, trong đó cần ưu tiên tập trung phát triển các ngành trọng điểm và mũi nhọn, các thành phần kinh tế và các vùng trọng điểm, các khu công nghệ kỹ thuật cao. Như vậy sẽ tạo sự tăng trưởng và phát triển nhanh ở các ngành, các thành phần kinh tế, các vùng trọng điểm nhằm tạo lợi thế cho kinh tế đất nước tăng trưởng và phát triển nhanh.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải kết hợp tối ưu các loại quy mô kỹ thuật, công nghệ và chuyên môn hoá hợp lý trong toàn bộ nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực, thành phần
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải thực hiện quan điểm “kinh tế mở” trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước, đảm bảo an ninh quốc gia và sự bền vững của môi trường.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải xuất phát từ khả năng của nền kinh tế Việt Nam. Khả năng đó bao gồm khả năng trong nội bộ nền kinh tế và khả năng phát triển các quan hệ hợp tác đa phương, đa hình thức. Những khả năng này phải được tính toán cụ thể đối với từng ngành, từng thành phần kinh tế, từng vùng lãnh thổ, qua việc xác định chỉ tiêu về nguồn lực hiện có như vốn, lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật. Đây là điều kiện quyết định, thể hiện khả năng thanh toán của nền kinh tế, là mức cầu mà nền kinh tế có thể chuyển dịch tới.