Giáo dục đại học ở Hoa Kỳ có đặc điểm là, vận hành theo nguyên tắc tự trị rộng lớn của các trường đại học. Hiến pháp Mỹ quy định, trách nhiệm quản lý giáo dục không thuộc về Chính phủ liên bang mà thuộc về mỗi bang. Chính quyền bang cũng chỉ quản lý giáo dục bậc cao một phần, bằng việc đầu tư một khoản kinh phí và cử một người đại diện tham gia Hội đồng quản trị của các trường đại học công. Các trường này gần như có toàn quyền quyết định mọi việc của mình, bao gồm cả thuê mướn, tuyển dụng, sa thải giảng viên, nhân viên v.v... Riêng các trường tư nhân (chiếm gần một nửa trong số 3.500 trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ), quyền tự trị của họ còn lớn hơn nhiều.
Nguyên tắc tự trị quản lý giáo dục đại học Hoa Kỳ trong cơ chế thị trường tất yếu nảy sinh nguyên tắc tự do cạnh tranh giữa các trường đại học. Ưu điểm của nó là tạo ra một nền giáo dục bậc cao đại chúng gắn bó chặt chẽ và bền vững với cộng đồng địa phương, có quan hệ mật thiết với nền kinh tế, bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Nguyên tắc cạnh tranh giáo dục cũng buộc các trường đại học phải không ngừng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thu hút và khuyến khích những giảng viên giỏi làm việc cho trường, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngoài bộ phận giáo viên cơ hữu, các trường đại học còn mời các chuyên gia thỉnh giảng có danh tiếng ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những người đang hoạt động thực tế (kinh doanh, kỹ thuật, quản lý...) tham gia giảng dạy. Các phòng thí nghiệm, trung tâm và công ty thuộc trường đại học cũng tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều giáo sư ở các trường đại học cũng là những nhà kinh tế chủ chốt của các ngân hàng, công ty lớn và là cố vấn chính phủ.
Ở Mỹ, vai trò của QLNN rất mờ nhạt, họ không tổ chức thành một hệ thống mà mỗi cơ sở, mỗi trường đào tạo đều có quyền tổ chức việc đào tạo theo sáng kiến riêng, không có và không bắt buộc phải theo những quy định,
thể lệ chung. Bằng việc nghiên cứ một số nét đặc trưng của nền giáo dục Hoa kỳ, luận văn đã rút được ra bài học kinh nghiệm lớn nhất :” Hoa kỳ đã chọn thời điểm thích hợp để mở rộng quy mô phát triển giáo dục đại học. Chỉ khi đã phổ cập giáo dục cơ bản, phát triển giáo dục trung học và dạy nghề, nước Mỹ mới mở rộng quy mô đại học một cách mạnh mẽ”. Bên cạnh đó, tính nhân văn sâu sắc và sự bình đẳng trong nền giáo dục Hoa kỳ là một trong những thành tựu mà chúng ta có thể học hỏi .