Khái niệm chính sách đào tạo, bồi dưỡng CB,CC cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 30 - 32)

1.2.1.1. Khái niệm chính sách

“Chính sách” là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các tài liệu, trên các phương tiện thông tin, truyền thông và trong đời sống xã hội. Theo từ điển tiếng Anh (Oxford English Dictionary) “chính sách” là “một đường lối hành động được thông qua và theo đuổi bởi chính quyền, đảng, nhà cai trị, chính khách...”. Hugh Heclo (năm 1972) định nghĩa chính sách có thể được xem như là một đường lối hành động hoặc không hành động thay vì những quyết định hoặc các hành động cụ thể. David Easton (năm 1953) cho rằng “chính sách bao gồm một chuỗi các quyết định và các hành động mà trong đó phân phối thực hiện các giá trị”. Smith (năm 1976) cho rằng “khái nhiệm chính sách bao hàm sự lựa chọn có chủ định hành động hoặc không hành động, thay vì những tác động của các lực lượng có quan hệ với nhau”. Smith nhấn mạnh “không hành động” cũng như “hành động” và nhắc nhở chúng ta rằng “sự quan tâm sẽ không chỉ tập trung vào các quyết định tạo ra sự thay đổi, mà còn phải thận trọng với những quyết định chống lại sự thay đổi và khó quan sát vì chúng không được tuyên bố trong quá trình hoạch định chính sách” [15, tr.45].

Theo Từ điển tiếng Việt “chính sách” được hiểu là “sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra chính sách”.

1.2.1.2. Khái niệm chính sách công

Thuật ngữ “chính sách công” được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống cũng như trong ngôn ngữ hàng ngày nhưng với những cách hiểu chưa hoàn toàn thống nhất. Từ giác độ ngôn ngữ học, chính sách công được hiểu là “chủ trương và các biện pháp của một đảng phái, một chính phủ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội”. James Anderson định nghĩa chính sách “là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hay nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm”. Như vậy, các nhà nghiên cứu khi nói tới “chính sách” đã không chỉ đề cập tới chính sách công mà còn nói tới cả những chính sách của các doanh nghiệp, các hiệp hội,…

Trong một số tài liệu và văn bản chính thức, người ta có thể đề cập tới cả chính sách của Đảng và chính sách của Nhà nước (ví dụ như trong cụm từ “chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước”) nhưng thông thường trong khoa học chính sách, chủ thể ban hành chính sách được hiểu là Nhà nước (tức là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Trong nghiên cứu này, chính sách công được hiểu theo nghĩa này. Theo nghĩa rộng nhất, chính sách công có thể hiểu là “chính phủ lựa chọn làm hoặc không làm”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng những hoạt động đột xuất hay ngẫu nhiên của các chính khách không thể được gọi là chính sách. Quan điểm này phân biệt một quyết định đơn lẻ với một chuỗi các quyết định nằm trong hệ thống hoạt động đã được xây dựng sẵn một cách có định hướng và mục tiêu và chỉ có những quyết định có tác động tới đời sống xã hội lâu dài và sâu sắc mới có thể được coi là chính sách công. Khi hiểu như vậy, có thể định nghĩa chính sách công là một hệ thống các quyết định và hoạt động có tính toán và có mục tiêu của chính quyền.

Như vậy, có thể định nghĩa chính sách công là cách thức hành động do nhà nước lựa chọn và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để giải quyết một vấn đề phát sinh trong một giai đoạn nhất định, định hướng cho xã hội phát triển một cách thống nhất theo mong muốn của nhà nước. Nội dung của một chính sách có thể được ghi nhận lại dưới nhiều hình thức khác nhau (vật mang chính sách) như các văn bản quy phạm pháp luật, các bài phát biểu của lãnh đạo, các báo cáo tường trình…. Tuy nhiên hình thức thể hiện quan trọng nhất của các chính sách công chính là pháp luật hay nói cách khác, pháp luật chính là sự thể chế hóa về mặt nhà nước của chính sách.

Chính sách công là một trong những công cụ quản lý quan trọng của nhà nước. Thông qua hệ thống chính sách công nhà nước giải quyết các vấn đề đang hoặc sẽ phát sinh trong xã hội, tác động lên các hoạt động của các đối tượng trong xã hội để định hướng cho các hoạt động này theo mong muốn của nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách công thực sự là công cụ thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách công cần nghiên cứu và xem xét các quy luật vận động khách quan của xã hội, không chỉ dựa vào ý chí chủ quan của nhà nước.

1.2.1.3. Khái niệm chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã

Theo quan niệm về chính sách và chính sách công như trên, có thể hiểu: “Chính sách ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã là một tập hợp các quyết định của Nhà nước, bao gồm mục tiêu và các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có kiến thức, kỹ năng, và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)