6. Cấu trúc của luận văn
2.1 Cảm hứng nghệ thuật trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư
Sáng tác văn học là hoạt động mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần được người nghệ sĩ thai nghén từ nguồn cảm xúc của chính bản thân và được kiểm soát bằng lý trí. Đó là những trăn trở, suy tư, dằn vặt và rung cảm của người nghệ sĩ trước cuộc sống. Những trạng thái, xúc cảm đó được gọi là cảm hứng nghệ thuật góp phần làm nên vị thế của tác phẩm. Theo Từ điển tiếng Việt, cảm hứng là “trạng thái tâm lý đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo điều kiện
để óc tưởng tượng sáng tạo hoạt động có hiệu quả” [26, tr.119].
Cảm hứng trong sáng tác văn chương là khơi nguồn của sự sáng tạo thuộc về cảm tính trước sự quản lý của tư duy. Do đó các sáng tạo nghệ thuật đều được xây dựng trên những hình tượng nghệ thuật và được biểu hiện trên lớp ngôn từ văn học. Trong cuộc sống hiện tại với xu hướng dân chủ hóa, văn học vừa thực hiện chức năng như tiếng nói chung của cộng đồng nhưng đồng thời cũng là tiếng nói cá nhân thể hiện mình trước cuộc sống. Vì vậy, văn học ngày nay lại càng đi sâu vào những điều bình dị của cuộc sống hàng ngày. Có lẽ, đối với Nguyễn Ngọc Tư, tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương cùng với những trăn trở, hoài niệm về những điều đã qua chi phối đến xu hướng sáng tác của chị.
Trên cơ sở khảo sát 102 tác phẩm trong ba tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư đã giúp bản thân hiểu rõ cảm hứng trong sáng tác của chị. Ba nguồn cảm hứng chủ đạo xuyên suốt chiều dài sáng tác tản văn của chị là: cảm hứng về các vấn đề của hiện thực thực cuộc sống, cảm hứng hướng về quê hương nguồn cội
và cảm hứng hoài niệm.