6. Cấu trúc của luận văn
3.1.1 Không gian nghệ thuật
Không gian trong văn học là không gian nghệ thuật, nơi người nghệ sĩ chọn thể hiện ý đồ nghệ thuật, sáng tạo, xây dựng hình tượng nghệ thuật từ chất liệu của cuộc sống. Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính
chỉnh thể của nó” [11, tr.160]. Trần Đình Sử lí giải thêm: “Không gian
nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật” [11, tr.161]. Như
vậy, có thể hiểu rằng không gian nghệ thuật là nơi tác giả xây dựng hình tượng nghệ thuật và bộc lộ cảm xúc cá nhân.
Khi tiếp xúc các tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, ta bắt gặp nhiều không gian hết sức thân thuộc. Đó là không gian cuộc sống của một người con luôn hướng về quê hương nguồn cội và không gian của cuộc sống hiện đại dưới cái nhìn đầy tâm trạng của nhà văn trong cái nhìn tương quan giữa truyền thống và hiện đại. Chính vì vậy, xuất hiện trong các tản văn là không gian nông thôn và không gian thành thị.
3.1.1.1 Không gian nông thôn
Nguyễn Ngọc Tư bị ám ảnh về một miền quê nên trong các sáng tác luôn xuất hiện không gian đồng quê với những cảnh vật bình dị. Đó là không gian của một gia đình nhỏ bên bữa cơm chiều, không gian của chiếc sân phơi hay không gian của một làng chài cùng hình ảnh những người lao động nghèo…
Không gian nông thôn được Nguyễn Ngọc Tư gắn với kiểu không gian sinh hoạt đời thường. Đó là không gian của Mùa phơi sân trước:
“Những nhà có sân rộng người ta còn phơi lúa trên giàn, lúa khô đem vô bồ được mấy hôm đã thấy trên mặt sân xăm xắp nước lúa rày đã lấm tấm xanh. Qua nhà nào có trẻ nhỏ gặp những tấm chiếu manh con nằm uống nắng” [40, tr.48]. Mọi thứ của vùng quê đều no và thơm nắng. Không gian của nông thôn đôi khi chỉ là những khoảng sân để con nít chơi đùa, là sân phơi những gì còn thiếu nắng cho mùa xuân thêm hồng: “bày thật nhiều thứ trên giàn phơi nhà mình…chút dưa kiệu, dưa hành, chút chuối khô” [40, tr.50]. Cộng hưởng với những thứ được nắng nhuộm vàng là
“bụi bông vạn thọ, và bông trang bông lồng đèn nở rực rỡ trên rào…”.
Tất cả màu sắc như hòa quyện vào nhau làm nên một thế giới sân phơi với một bầu thương nhớ, cái không gian nuôi sống kí ức về tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn.
Trong vô số những không gian chung, Nguyễn Ngọc Tư dành lại một vùng không gian cho gia đình. Khoảng trời cho gà mái mẹ la ó, tiếng kêu chíp chíp nháo nhác của đám gà con, tiếng mấy con gà lớn đập cánh lạch xạch bay chập chõa lên nóc nhà, tiếng bầy vịt về chuồng kêu lạch bạch, tiếng con bìm bịp kêu nước. Những hình ảnh tôn thêm sự gắn bó về gia đình:
Má về khi cửa trước lúc cửa sau, tùy bữa đó má đi ruộng hay bơi xuồng …Ba vào nhà chỉ một cửa sau, quần cộc ướt mèm vì tưới rau, cuốc đất. Rồi mấy cái chén úp trên giàn xốn xang chạm vào nhau. Chỉ buổi cơm tối trễ tràng này là đông tiếng đũa khua. Có lẽ những chạng vạng năm xưa neo cặm vào lòng bạn bởi sự đầm ấm đó [39, tr.149].
Đó là kí ức về một vùng quê nghèo với những hình ảnh quen thuộc: bữa cơm đạm bạc đông đủ mọi người với tiếng cười nói, kể chuyện vui vẻ trong bữa ăn điền viên. Niềm vui nhỏ nhặt ấy cắm sâu vào lòng người được chị viết nên rất giản dị nhưng cũng thật đáng nhớ. Bởi khi giàu có, những điều tưởng
như bình dị ấy lại không còn nữa. Bữa cơm đầy đủ đồ ăn ngon, thậm chí là dư giả nhưng vẫn thiếu không khí một bữa ăn gia đình cần có. Chạng vạng của ngày xưa ơi, thôi cho xin chút nhớ với. Những buổi chiều nhớ nhung sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, may chăng chỉ còn sống trong con tim luôn thổn thức nhớ nhung về một chạng vạng đã qua.
Không gian nông thôn trong sáng tác của chị còn là: “Những nóc nhà thưa. Những cây cầu khỉ, cùng những cánh đồng, mảnh vườn xanh đậm nhạt bọc quanh. Một con đường khấp khểnh băng qua xóm, bên lối đi lau sậy chập chờn” [39, tr.29]. Tất cả chúng như hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên rộng lớn làm đã mắt người xem, thư thái tâm hồn con người.
Đi hết con đường làng, Nguyễn Ngọc Tư dắt bạn đọc về thôn xóm nơi hiện lên một vùng quê đơn sơ, mộc mạc. Không gian mênh mông của làng quê được thu hẹp lại trong những sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây:
“đám trẻ con lem luốc xóm chài bắt còng bắt cua tắm truồng đánh trận nên
chẳng mấy chốc cũng trở nên lem luốc. Đi ngang cuộc rượu có mấy ông rủ
xáp vô nhậu lai rai ca nghe vọng cổ dài dài” [39, tr.25]. Cảnh thiên nhiên
làng quê như hiền hòa và đẹp hơn khi có sự góp mặt của con người. Người dân gắn bó máu thịt, hình ảnh đứa trẻ lấm lem giữa cánh đồng, rồi hình ảnh người nông dân đang vào vụ gặt hái. Dường như mọi không gian rộng lớn ngoài kia bỗng được thu hẹp nhờ một lời vọng cổ. Câu vọng cổ trong trẻo, đượm tình khiến không gian trở nên tươi sáng và tràn đầy niềm tin.
Không gian của làng quê còn được đánh thức nhờ căn bếp quê của những người làng chài trong Đôi bữa làm mây “vào bếp của những người đàn bà xứ biển ăn vụng món cá thòi lòi kho nước cốt dừa, mắm còng cơm nguội…Đêm xuống nằm dài trên sàn những ngôi nhà thả cửa đón gió trời ngủ
một giấc đã đời” [40, tr.25-26]. Không gian tràn ngập gió, những làn gió dịu
dấu. Thế nhưng, cái nghèo không thể lấn át tinh thần lạc quan con người nơi đây. Họ vẫn thả mình vào không gian của làng quê để vui với câu hò. Nhà văn thật tài tình khi thể hiện cái không gian nông thôn đầy màu sắc nhưng cũng rất gần gũi này. Chị đã đưa bạn đọc đến không gian của vùng quê sông nước với những điều làm nên sự chân thật mang hương vị quê nhà. Không gian của căn nhà lợp bằng mái lá và chủ nhân của nó có thể dễ dàng ngắm nhìn trăng sao: “Bởi những cánh cửa lá sách ở gian nhà xưa dù đóng kín rồi vẫn len lỏi vào nhà một thứ khí trời trong vắt, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Trăng
và nắng vẫn lọt sáng qua khe lá” [40, tr.60- 61]. Cảnh vật trải rộng được đắp
đầy trăng, sao và gió thoảng qua nghe mát cả lòng người. Giữa cảnh vật và con người dường như không còn khoảng cách, mà chỉ còn lại một chữ “tình”.
Không gian nông thôn trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư hiện lên phong phú ở biểu hiện, không gian ấy tràn đầy sự giản dị, gần gũi của vùng quê sông nước. Làm nổi bật hình ảnh nông thôn được kết tinh từ những điều đơn sơ, mộc mạc nhất cùng với con người.
3.1.1.2 Không gian thành thị
Theo hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Tư đã cho bạn đọc thỏa thích tắm mình trong không gian bình yên, thơ mộng của cảnh sắc nông thôn. Thì giờ đây tác giả lại cho người đọc sống trong một không gian khác – không gian thành thị với cảnh sắc, không khí, cuộc sống hiện đại và nếp sống mới.
Không gian thành thị được chị khắc họa bằng hình ảnh của: “những cái sân tennis của huyện lỵ nghèo. Tập thở đều khi qua những cao ốc sang trọng những resort thơ mộng, giữ nhịp tim không đổi khi đứng trước miên man cỏ
mượt sân golf” [39, tr.104]. Đó là khoảng không gian thành thị được xây dựng
từ huyện lỵ nghèo. Trang văn của Nguyễn Ngọc Tư đã dần nhuốm màu thành thị với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf sang trọng. Vẫn là màu xanh
của cỏ, nhưng là đám cỏ được trồng, chăm sóc, tưới tỉa, màu xanh óng ánh của sự dụng công chăm chút chứ không phải là sự tự nhiên vốn có, màu xanh và bầu không khí được xây dựng ấy khiến con người phải “tập sống”, “tập thở” những nhịp sống chệch choạc, vụng về. Không gian như bị thu hẹp lại so với những gì nó có, bởi cái chật chội xô bồ của cảnh và người thành phố.
Bên cạnh đó, không gian phố thị còn dung chứa ánh đèn đường cao áp cho ta cái nhộn nhịp tấp nập của phố thị được biểu hiện rõ nét trong Bóng của
thành phố: “đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy, vào mỗi dịp
lễ tết về” hay “Định nghĩa về thành phố với người quê thật giản dị, chỉ cần
nhiều đèn và nhiều khu mua sắm, có trung tâm sinh ngữ cho tụi nhỏ bôn ba từ
lớp chiều đến lớp đêm” [41, tr.112]. Dường như không gian thành thị trong
văn Nguyễn Ngọc Tư là không gian của sự gượng ép, mọi thứ của thành phố không thật tự nhiên, nhìn thành thị với sự nuối tiếc về cảnh sắc thơ mộng, bình yên của nông thôn. Nên trước không gian thành thị ta vẫn thấy và càng thấy một Nguyễn Ngọc Tư luôn hướng về vùng quê dân dã.
Tuy là một không gian thành thị chưa thực thụ, nhưng không gian ấy vẫn góp phần làm thay đổi tư duy, lối sống của đại đa số người dân. Con người trở nên thực dụng với nghĩa tiêu cực nhất, cái gì cũng có thể trở thành món hàng để đem ra mua bán trao đổi từ chỗ học cho con trong trường chuẩn quốc gia bằng cái giá năm triệu cho đến đạo đức con người: “mua thần bán thánh,
chức tước, trinh tiết, nội tạng” và “Đá đỏ bị đem bán cho tư nhân làm du
lịch” hay“Vườn chùa ngoại thành đang bán mấy chỗ nằm đẹp” [41, tr.142].
Dường như không gian linh thiêng cũng bị mua bán không thương tiếc, không chút do dự, mọi thứ chỉ được đo bằng lợi nhuận. Kể cả những gì thuộc về tinh thần, niềm tin, mơ ước cũng có thể bán được và thậm chí còn khẳng định nghe xanh rờn tưởng đùa mà thật: “để mà nuôi nấng những giấc mơ, thứ giấc
Dẫu biết đời là ô trọc, sống là phải thực tế, xong thật đến mức này thì kì thực con người đã mất niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống. Chính những thay đổi này đã dẫn đến những đổi thay trong suy nghĩ và nếp sống. Người thành thị mang chức phận sống lạnh lùng và tỉnh táo hơn. Tỉnh táo đến mức đáng sợ. Chính vì vậy, con người thành thị đã vô tình giam hãm mình vào Hang
động. Thứ hang động vô hình làm con người trở nên tách biệt với mọi người
xung quanh, chỉ muốn một mình và họ nghĩ rằng như vậy là bình thường:
“Bình thường khi nghĩ rằng được một mình là quà tặng của trời. Bình thường
như cái cảm giác cô độc giữa chỗ đông người. Bình thường như ngán sợ nói
chuyện điện thoại. Bình thường như việc từ chối đến chơi nhà bạn “muốn gì
thì gặp ngoài quán”” [41, tr.58]. Từ điều tưởng là bình thường ấy lại góp
phần xây dựng một thế giới cô độc, con người tự nhốt mình vào khoảng không cô đơn, dấu hiệu bệnh của cuộc sống thành thị đem lại. Điều đáng sợ nhất là con người lại thấy đó là biểu hiện quá “bình thường”. Chính tác giả cũng phải thốt lên “đôi khi em thèm nghe một tiếng người”, tiếng nói ấy như một lời nói hộ, lời cảnh tỉnh và là tiếng gọi về những yêu thương còn ẩn dấu đâu đó nơi góc khuất con người.
Không gian thành thị được chị xây dựng với đầy đủ cách nhìn nhận, thành thị một nơi chật hẹp o ép con người khiến họ phải nén mình cho phù hợp, phải học cách sống, cách thở để có thể tồn tại. Nhà văn không lên án, trỉ trích mà chỉ góp tiếng nói tái hiện nên hiện thực của không gian ấy, để mọi người có cái nhìn riêng, thức tỉnh và yêu thêm con người.
Bằng những câu văn chân thật, đầy cảm xúc, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa bạn đọc từ không gian nơi làng quê đến với không gian của thành thị. Dù có những khác biệt trong biểu hiện nhưng đều cho thấy tài năng của chị, khi đã xây dựng thành công hai không gian khác nhau của quê hương…Qua việc tái hiện lại không gian, nhà văn đã có dịp nhìn nhận lại,
suy ngẫm với những đổi thay của quê hương.
Tóm lại, không gian nghệ thuật như một hình thức chuyên chở thế giới nghệ thuật. Với khả năng bao quát rộng lớn của cả hai không gian, Nguyễn Ngọc Tư đã làm nên những đặc sắc trong văn, từ đó làm nên một phong cách riêng không thể nhầm lẫn với bất kì nhà văn nào khác.