6. Cấu trúc của luận văn
3.3 Giọng điệu nghệ thuật
Giọng điệu nghệ thuật là một yếu tố quan trọng của phương thức nghệ thuật, yếu tố mang tính chất chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, nó góp phần tạo nên phong cách nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học:
“Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ,
thành kính hay suồng sã, ngợi ca châm biếm” [11, tr.122].
Cũng nói về giọng điệu, Trần Đình Sử trong Một số vấn đề về thi
pháp học hiện đại cũng cho rằng: “Phân tích tác phẩm mà bỏ qua giọng
điệu tức là tước đi cái phần quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của nhà văn” [29, tr.27]. Giọng điệu với tư cách là một yếu tố thẩm mĩ, một phương tiện nghệ thuật để nhà văn truyền đi tín hiệu thẩm mĩ để người đọc nắm bắt và giải mã đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm.
Như vậy, giọng điệu là yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học. Người đọc có thể nhận thấy chiều sâu tư tưởng thái độ, phong cách, tài năng của nhà văn thông qua giọng điệu. Khảo sát ba tập tản văn Yêu người ngóng núi, Gáy người thì lạnh và Đong tấm lòng của Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy xuất hiện ba giọng điệu là: giọng dân dã mộc mạc; giọng hài hước, “tưng tửng” và giọng suy tư, chiêm nghiệm. Nguyễn Ngọc Tư không sử dụng đơn nhất một giọng điệu cho tác phẩm của mình mà luôn có sự đan xen, hoà quyện các giọng điệu tránh cảm giác nhàm chán cho người đọc và cũng từ đó ta thấy được tài năng của nhà văn trong quá trình sáng tạo.