Căn cứ vào phạm vi của nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 26 - 28)

kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Theo tiêu chí này thì nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự có thể được phân loại như sau:

Thứ nhất, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn:

Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm của Tòa án: Kiểm sát viên đại diện cho VKS tham gia phiên tòa cần kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa về các nội dung sau: thẩm quyền xét xử; thời hạn chuẩn bị xét xử; việc ra quyết định, giao, gửi quyết định; việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; việc triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật và các việc khác theo quy định của BLTTHS. Khi kiểm sát việc chuẩn bị xét xử của Tòa án, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp

cưỡng chế, biện pháp bảo vệ của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với bộ phận, phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, yêu cầu Tòa án gửi đầy đủ các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì báo cáo lãnh đạo VKS kiến nghị, yêu cầu Tòa án khắc phục hoặc kháng nghị theo quy định của BLTTHS.

Kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật tại tại phiên tòa hình sự sơ thẩm:

Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 267 BLTTHS năm 2015. Trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử về việc: thực hiện các yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín; thông báo cho những người tham gia tố tụng biết thời gian, địa điểm xét xử và các hoạt động tố tụng khác. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa, bảo đảm việc xét xử được công minh, đúng pháp luật. Kiểm sát viên phải đề nghị tạm ngừng phiên tòa hoặc hoãn phiên tòa nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 251, khoản 1 Điều 297 BLTTHS. Trường hợp Kiểm sát viên đề nghị tạm ngừng hoặc hoãn phiên tòa mà Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS xem xét, quyết định. Khi phát hiện có vi phạm khác về thủ tục tố tụng thì kiến nghị, yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, VKS còn kiểm sát việc tuyên án, kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm... để đảm bảo việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Thứ hai, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn:

Kiểm sát viên đại diện VKS tham gia vào giai đoạn xét xử phúc thẩm có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật như quy định khi KSXX sơ thẩm vụ án hình sự. Ngoài ra, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng,

thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của Tòa án đối với bị cáo theo Điều 347 BLTTHS. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phải kiểm tra biên bản phiên tòa, bản án, quyết định phúc thẩm và chuẩn bị nội dung báo cáo lãnh đạo VKS xem xét việc đề nghị VKS cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ.

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 26 - 28)