21 Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2007), Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (Ban hành kèm theo quyết định số 960/QĐ-VKSNDTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát
2.2.1. Quy định pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
kiểm sát khi kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thứ nhất, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án hoặc hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật:
- Kiểm sát thời hạn ban hành các quyết định: VKS phải kiểm sát thời hạn ban hành một trong những quyết định sau đây của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa: Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định đình
chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Các quyết định này đều phải được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đưa ra trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 277 BLTTHS năm 2015. Nếu sắp đến ngày hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS năm 2015 mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chưa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì VKS cần yêu cầu Thẩm phán ra quyết định, trường hợp Tòa án gia hạn thì yêu cầu chuyển ngay cho VKS quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử để kiểm sát.
- Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: VKS phải kiểm sát tính hợp pháp của các quyết định này với các nội dung: Thứ nhất, về thẩm quyền đối với việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam phải do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định; các biện pháp ngăn chặn khác do Chánh án, Phó Chánh án hoặc Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định; Thứ hai, VKS phải kiểm sát thời hạn tạm giam của Tòa án theo quy định tại Điều 278 BLTTHS năm 2015 và theo hướng dẫn tại mục 2.2 Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP. Trường hợp VKS phát hiện quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn của Tòa án có vi phạm (như quá thời hạn quy định) thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKS ban hành kiến nghị, kháng nghị gửi đến Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết và trả lời cho VKS biết kết quả.
- Kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử: VKS kiểm sát hình thức và nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án phải theo mẫu thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Thẩm quyền ra quyết định thuộc về Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm phải ghi rõ các nội dung quy định tại Điều 255 BLTTHS năm 2015. Thời gian mở phiên tòa không được quá thời hạn quy định tại Điều 277 BLTTHS năm 2015, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được đóng dấu của Tòa án ban hành.
- Kiểm sát việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án: Sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, VKS phải xác định tính có căn cứ và tính hợp pháp của các quyết định này, cụ thể là:
Đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án: Về thẩm quyền ra quyết định có theo quy định tại khoản 1 Điều 281 BLTTHS năm 2015 hay không? Căn cứ để tạm đình chỉ có đúng với quy định tại Điều 281 BLTTHS năm 2015 hay không? Quyết định
tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS năm 2015. Sau khi Tòa án tạm đình chỉ thì có thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015 hay không?
Đối với quyết định đình chỉ vụ án: VKS kiểm sát chặt chẽ về thẩm quyền ra quyết định có đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015 không? Căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ có đúng với quy định tại Điều 282 BLTTHS năm 2015 hay không? Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS năm 2015.
Nếu phát hiện thấy việc đình chỉ, tạm đình chỉ không đúng với các quy định trên thì VKS cần phải xem xét, quyết định việc kháng nghị phúc thẩm đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ của Tòa án.
- Kiểm sát việc giao, gửi quyết định của Tòa án: VKS kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án giao, gửi quyết định theo quy định tại Điều 286 BLTTHS năm 2015 về thời hạn, đối tượng giao, gửi đối với các quyết định. VKS kiểm sát các nội dung trên bằng hình thức kiểm tra đối chiếu ngày ra quyết định, ngày giao, gửi hoặc ngày nhận được quyết định để xác định thời hạn giao, gửi; kiểm tra các đối tượng được giao, nhận có đúng không? Nếu phát hiện có vi phạm của Tòa án trong việc giao, gửi các quyết định trên thì VKS cần có ý kiến kịp thời với Chánh án Tòa án cùng cấp, yêu cầu khắc phục vi phạm.
Thứ hai, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thì VKS cần phải chú ý kiểm sát các vấn đề sau:
- Kiểm sát thành phần của Hội đồng xét xử và sự có mặt của những người tham gia tố tụng, giới hạn của việc xét xử: Khi phát hiện thấy số lượng hoặc thành phần Hội đồng xét xử không đúng thì VKS phải căn cứ vào Điều 254, khoản 1 Điều 288 BLTTHS năm 2015 đề nghị hoãn phiên tòa. Sự có mặt của bị cáo, của những người tham gia tố tụng khác được quy định tại các điều 290, 291, 292, 293, 294, 295 BLTTHS năm 2015. Khi có người vắng mặt, tùy từng trường hợp mà VKS phát biểu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Về giới hạn của việc xét xử, theo quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ
hơn tội mà VKS đã truy tố. Việc kiểm sát chặt chẽ quy định này nhằm bảo đảm cho bị cáo thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của mình. Khi KSXX tại phiên tòa, đại diện VKS cần nắm rõ những quy định về giới hạn xét xử để kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án. Đồng thời VKS cần phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 258 BLTTHS năm 2015 về kiểm sát biên bản phiên tòa, bảo đảm Thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ các nội dung, yêu cầu của VKS.
- Kiểm sát thủ tục bắt đầu phiên tòa của Hội đồng xét xử: VKS phải có mặt tại phòng xử án trước khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án làm việc để kiểm sát hoạt động của Thư ký Tòa án xem có phổ biến nội quy phiên tòa có tuân thủ quy định tại Điều 300 BLTTHS năm 2015 hay không? Cũng như kiểm tra sự có mặt và vắng mặt của những người đã được triệu tập đến phiên tòa. Khi Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử thì VKS cần phải lắng nghe, theo dõi và đối chiếu với quyết định đưa vụ án ra xét xử mà Tòa án đã gửi cho VKS xem có thống nhất với nhau hay không? Nếu có mâu thuẫn thì VKS sẽ làm rõ tại phiên tòa hoặc kiến nghị khắc phục. VKS cần phải căn cứ vào quy định tại các điều 51, 53, 54, 68, 69, 70 và 302 BLTTHS năm 2015 để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định việc thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Khi kiểm sát thủ tục bắt đầu phiên tòa, nếu thấy cần thiết VKS có thể yêu cầu Hội đồng xét xử triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét tại phiên tòa. VKS phải kiểm sát việc xem xét, quyết định của Hội đồng xét xử về việc cách ly người làm chứng với những người có liên quan, cách ly bị cáo với người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 304 BLTTHS năm 2015.
- Kiểm sát thủ tục xét hỏi tại phiên tòa: Hội đồng xét xử tiến hành việc xét hỏi theo đúng trình tự quy định tại Điều 307 BLTTHS năm 2015. VKS cần phải lưu ý Hội đồng xét xử không để xảy ra trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ hỏi qua loa vài câu sau đó yêu cầu phía đại diện VKS hỏi. Khi hỏi bị cáo, Hội đồng xét xử cần thực hiện câu hỏi theo khoản 2 Điều 309 BLTTHS năm 2015 sau đó mới hỏi từng tình tiết của sự việc, hỏi từng bị cáo theo quy định nêu trên. VKS kiểm sát việc xét hỏi của Hội đồng xét xử nhằm bảo đảm việc xét hỏi bị cáo, bị hại, đương sự, người làm chứng, người đại diện của họ, người giám định, người định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại các điều 309, 310, 311, 316 BLTTHS năm 2015. Khi xét hỏi, những câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu.
Không được đặt các câu hỏi có tính chất khẳng định, câu hỏi mớm cung hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người được hỏi. Trước khi kết thúc việc xét hỏi, theo quy định tại Điều 316 BLTTHS năm 2015, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không? Nếu có và xét thấy cần thiết thì chủ tọa phiên tòa cần tiếp tục việc xét hỏi. VKS cần phải kiểm sát thủ tục này để bảo đảm việc xét xử thực sự dân chủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình xét xử, VKS cần phải kiểm sát việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Nếu có vi phạm thì tùy từng trường hợp mà VKS đề nghị Hội đồng xét xử có những biện pháp xử lý kịp thời.
- VKS cần kiểm sát việc tuyên án của Hội đồng xét xử có theo đúng quy định của pháp luật hay không? Hội đồng xét xử có thực hiện đúng các nhiệm vụ quy định tại các điều 327, 263, 256 BLTTHS năm 2015 hay không? Cần phải đối chiếu giữa bản án Tòa án tuyên tại tòa với bản án ban hành sau này để kịp thời phát hiện những vi phạm của Tòa án nếu có. Cùng với đó, VKS cần phải kiểm sát biên bản phiên tòa ngay sau khi Tòa tuyên án xem có đầy đủ chưa, sai sót gì không nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm của Tòa án để yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục, đảm bảo việc chấp hành thủ tục tố tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự.
Thứ ba, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Phạm vi của công tác này bắt đầu từ ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật không bị kháng cáo, kháng nghị. Đối tượng của hoạt động KSXX sau phiên tòa sơ thẩm là các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, hoạt động chấp hành pháp luật của Tòa án sau phiên tòa sơ thẩm. VKSND có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật TTHS, kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị. Sau khi xét xử sơ thẩm xong, VKS cần kiểm sát việc giao, gửi bản án, quyết định của Hội đồng xét xử.