Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 81 - 85)

54 Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

3.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự

của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Các quy định của pháp luật TTHS liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự rất phong phú và đa dạng dựa trên quan điểm của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, cũng như Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014… Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự thì trước hết cần rà soát các quy định hiện hành liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự trong BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác nhằm làm rõ nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự.

Thứ nhất, cần có quy định thống nhất về khái niệm “nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX” trong BLTTHS để tạo cơ sở pháp lý cho việc nhận thức về vai trò, vị trí và chức năng của VKS, qua đó giúp nâng cao chất lượng hoạt động KSXX của VKS trong TTHS. Cụ thể: Bổ sung vào khoản 1 Điều 267 BLTTHS năm 2015 như sau: “Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX là những hoạt động cụ thể của VKS nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát bằng những quyền năng trong khuôn khổ pháp luật TTHS nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng nhằm bảo đảm việc xét xử của Tòa án được nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, qua đó bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng bổ sung trong BLTTHS các quy định rõ ràng và cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện các yêu cầu của VKS. Một số điều luật cần phải được quy định rõ hơn như sau:

Một là, nên ban hành hướng dẫn cụ thể về trường hợp “vì lý do bất khả kháng và trở ngại khách quan” tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan là những sự kiện, trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định; trường hợp bị can, bị cáo không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; bị can, bị cáo bị tạm giam ở vùng biên giới, hải đảo mà cách xa, không thể di chuyển tới Tòa xét xử trong thời hạn 15 ngày; bị can, bị cáo bị tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hình sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc bị can, bị cáo không thể tham gia phiên tòa đúng hạn.

Hai là, có văn bản hướng dẫn về “văn bản tố tụng khác của Tòa án” được quy định tại khoản 3 Điều 267 BLTTHS năm 2015. Theo đó văn bản tố tụng khác của Tòa án là những văn bản tố tụng do Tòa án ban hành theo quy định của BLTTHS, liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án như: Biên bản phiên tòa; biên bản nghị án; thông báo sửa chữa, bổ sung bản án (quyết định) của Tòa án; Thông báo về việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa;…

Ba là, bổ sung điều luật quy định về thời hạn Tòa án phải chuyển hồ sơ cho VKS để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với nội dung như sau:

“Điều…

1. Trường hợp cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án, VKS có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản để Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, VKS đã yêu cầu.

2. Trường hợp Tòa án và VKS cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho cơ quan yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết.”

Bốn là, bổ sung quy định vào khoản 4 Điều 49 BLTTHS năm 2015 về trường hợp thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giải quyết trường

hợp Kiểm sát viên được điều động công tác hoặc bị ốm đau không thể tham gia phiên tòa.

Năm là, ban hành văn bản hướng dẫn cách hiểu thống nhất cụm từ “Ngay sau khi” được quy định tại khoản 2 Điều 276 BLTTHS năm 2015 như sau: “Ngay sau khi có thể được hiểu là ngay sau thời điểm kết thúc việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được thể hiện trong biên bản giao, nhận. Trường hợp VKS chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án vào ngày thứ sáu và thời gian làm việc còn lại của ngày đó đã hết hoặc không đủ để thực hiện việc thụ lý thì việc Tòa án thụ lý vào ngày thứ hai tuần kế tiếp. Tuy nhiên, trường hợp nếu để đến ngày thứ hai Tòa án mới thụ lý hồ sơ vụ án mà ảnh hưởng đến thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can thì VKS phải chủ động trao đổi, phối hợp với Tòa án để xử lý ngay, bảo đảm không để quá hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015.”

Sáu là, bổ sung căn cứ kháng nghị tại khoản 3 Điều 336 BLTTHS năm 2015 để đảm bảo cho kháng nghị của VKS được chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật:

“3. Bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không đúng tính chất của vụ án;

b) Kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác;

d) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.”

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Điều 267 BLTTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự. Theo đó, nên quy định rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX sơ thẩm và phúc thẩm:

“Điều 267.

1. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án;

b) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố

tụng vi phạm pháp luật;

c) Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

d) Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

đ) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;

e) Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

g) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý;

h) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, nhiệm vụ, quyền hạn khác khi KSXX vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS, Luật tổ chức VKSND và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự phúc thẩm của Tòa án;

b) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;

c) Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

d) Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

đ) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;

e) Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

g) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý:

h) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, nhiệm vụ, quyền hạn khác khi KSXX vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS, Luật tổ chức VKSND và các quy định pháp luật khác liên quan.”

Thứ tư, theo thực tiễn công tác xét xử nhận thấy có nhiều trường hợp biên bản phiên tòa không thể hiện khách quan, trung thực diễn biến phiên tòa. Vì vậy cần hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng bổ sung vào khoản 4 Điều 258 BLTTHS năm 2015 cụ thể về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ghi biên bản phiên tòa. Theo đó việc kiểm tra nội dung biên bản phiên tòa là quy định bắt buộc đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nhằm đảm bảo mọi nội dung, diễn biến của phiên tòa được thể hiện một cách chính xác và đầy đủ. Qua đó VKS mới có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi KSXX một cách toàn diện, đầy đủ, đúng pháp luật.

Thứ năm, hoàn thiện quy định về việc đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật đảm bảo cho VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, tránh việc vi phạm tố tụng, bảo đảm công bằng trong quá trình xét xử. Hiện nay, việc đề nghị thay đổi những người này chỉ được quy định ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa (Điều 302 BLTTHS năm 2015). Các quy định của BLTTHS hiện hành chưa dự liệu tình huống đến phần thủ tục xét hỏi mới phát sinh đề nghị thay đổi, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Vì vậy, theo tôi cần bổ sung quyền của các bên về việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật cho đến khi Tòa nghị án.

Một phần của tài liệu Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 81 - 85)