14 Khoản 2 Điề u2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 20.
1.3.4. Mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Tòa án, cơ quan nhà nước, tổ
chức xã hội, cá nhân trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm để xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSXX vụ án hình sự thì phải đặt nó trong mối quan hệ pháp lý với các cơ quan tiến hành TTHS, người tiến hành TTHS và các cá nhân tham gia vào quá trình tiến hành TTHS, … Xét dưới góc độ này thì quá trình KSXX vụ án hình sự được thể hiện bằng nhiều quan hệ: quan hệ phối hợp, quan hệ chế ước. Các quan hệ này đều do pháp luật điều chỉnh và tùy thuộc vào giai đoạn của quá trình tiến hành TTHS.
Trong công tác KSXX vụ án hình sự, căn cứ vào những quy định của pháp luật có thể xác định được những mối quan hệ giữa VKS đối với Tòa án, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, cá nhân cụ thể như sau:
Thứ nhất, giữa VKS và Tòa án luôn tồn tại song song hai mối quan hệ là phối hợp và chế ước, kiểm soát quyền lực.
Mối quan hệ phối hợp thực hiện việc xét xử: Ngay sau khi VKS chuyển cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án sang Tòa án thì phát sinh quan hệ phối hợp giữa VKS và Tòa án. Quan hệ phối hợp thể hiện ở việc VKS cùng Tòa án tham gia xem xét những vấn đề liên quan đến việc đưa vụ án ra xét xử, trực tiếp xét xử, thực hiện những công việc khác sau phiên tòa. Mục đích của công tác phối hợp nhằm bảo đảm đưa được vụ án ra xét xử, việc xét xử đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Cụ thể: trong giai đoạn này, VKS cùng Tòa án phối hợp tiếp tục bổ sung chứng cứ, giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng, thống nhất thời gian, địa điểm xét xử lưu động, cùng tham gia xét xử tại phiên tòa, thực hiện yêu cầu chuyển hồ sơ để VKS xem xét, quyết định kháng nghị và một số công tác khác.
Mối quan hệ chế ước, kiểm soát quyền lực: Khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, VKS phát hiện, xác định những quyết định, hành vi vi phạm pháp luật của Tòa án, Hội đồng xét xử, của Thẩm phán, Hội thẩm, Cán bộ Tòa án, Thư ký Tòa án, trên cơ sở đó yêu cầu chấm dứt, khắc phục hoặc ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, loại bỏ vi phạm, xử lý người vi phạm. Từ những hoạt động trên của VKS mà công tác xét xử được thực hiện đúng pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của Tòa án, Hội đồng xét xử, của các cá nhân có thẩm quyền trong xét xử, bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, trong giai đoạn xét xử, Tòa án xem xét tính có căn cứ, tính hợp pháp của quyết định, hành vi của VKS, của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình điều tra, truy tố. Tòa án yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ hoặc ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ trong những trường hợp chứng cứ chưa đủ để kết tội hoặc đình chỉ vụ án. Những hoạt động này của Tòa án làm hạn chế những vi phạm của VKS trong việc ban hành các quyết định tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, góp phần làm cho việc giải quyết vụ án hình sự được đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, mối quan hệ của VKS với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân: Trong giai đoạn xét xử, cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động xét xử của VKS nói riêng và các cơ quan tiến hành xét xử nói chung (VKS, Tòa án), của những người có thẩm quyền xét xử; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKS. Trường hợp phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong xét xử vụ án hình sự thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của BLTTHS năm 2015. VKS phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của cá nhân có liên quan đến vụ án thì VKS có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời cho họ biết để bảo đảm việc truy tố, xét xử được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.