Trước khi Luật DNTN và Luật Công ty 1990 được ban hành, việc ĐKKD đối với DN trong nước được tiến hành hết sức tràn lan; ngành nào, cấp nào cũng có quyền cấp ĐKKD cho DN thuộc ngành mình quản lý. Quy định trên tạo nên sự lộn xộn, tùy tiện từ việc xác định chức năng kinh doanh, ngành nghề kinh doanh đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước hầu như bị buông lỏng, DN muốn kinh doanh gì cũng được, thậm chí không có ĐKKD vẫn hoạt động mà không bị cơ quan nào kiểm tra và xử lý. Hậu quả của tình hình trên là tình trạng hàng loạt DN nợ nần, chiếm dụng vốn của nhau, không có khả năng thanh toán; hoặc tình trạng lợi dụng ĐKKD để lừa đảo, bán, cho thuê tư cách, con dấu DN, hoặc DN “ma”…Việc Nhà nước ban hành Luật DNTN và Luật Công ty 1990 trong đó quy định thống nhất thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan ĐKKD là một sự đổi mới trong quá trình sắp xếp lại các DN [19, 119]. Chế định ĐKKD mới đã tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục khai sinh cho các DN đồng thời giúp Nhà nước quản lý được các hoạt động kinh doanh trên thương trường. Có thể nói rằng, Luật Công ty và Luật DNTN ra đời vào giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới là bước đột phá đánh dấu sự thay đổi trong tư duy kinh tế của Đảng và Nhà nước. Qua gần 10 năm áp dụng, hai đạo luật nói trên đã góp phần to lớn vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, với những yêu cầu
mới, hai Luật này còn nhiều bất cập và để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập DN, ngày 29/5/1999 Quốc hội khoá X đã thông qua LDN (có hiệu lực ngày 01/01/2000). Luật này thay thế Luật DNTN và Luật Công ty 1990; Luật sửa đổi, bổ sung Luật DNTN và Luật Công ty 1994. LDN 1999 đã hoàn thiện những quy định về thành lập và ĐKKD theo hướng đơn giản hoá thủ tục và hồ sơ, đề cao trách nhiệm của người ĐKKD trong việc bảo đảm tính chính xác, trung thực. So với Luật Công ty và Luật DNTN, các quy định về thủ tục thành lập và ĐKKD của LDN 1999 đã có những đổi mới cơ bản như: xóa bỏ chế độ “xin phép” thành lập, chỉ thực hiện việc ĐKKD; coi việc thành lập DN là
quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo đảm, góp phần xoá bỏ cơ chế “xin- cho” đang tồn tại khá phổ biến trong đời sống kinh tế-xã hội nước ta. LDN 1999
quy định nghĩa vụ phải ĐKKD, người đăng ký phải chịu trách nhiệm kê khai
“chính xác, trung thực” đầy đủ các nội dung ĐKKD (Điều 12). Cơ quan ĐKKD
không chịu trách nhiệm về nội dung kê khai mà “chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKKD…”. Quy định này làm giảm hẳn khâu quyết định cho
phép thành lập, hạn chế sự tùy tiện đòi hỏi thêm các hồ sơ, giấy tờ như thực tế thi hành Luật Công ty và Luật DNTN trong thời gian qua. Đồng thời cũng nhằm phân biệt rõ ràng quyền tự do kinh doanh của mọi tổ chức, công dân với quyền được hành nghề trong một số lĩnh vực cần thiết đòi hỏi kinh doanh có điều kiện hay có chứng chỉ hành nghề, không vì yêu cầu bảo đảm an toàn cho xã hội (như phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường…) mà gây khó khăn, chậm trễ cho người thành lập DN, giảm bớt các thủ tục phiền hà không cần thiết trong quá trình cấp giấy ĐKKD.
Cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập DN của LDN 1999 theo hướng gộp việc xin phép thành lập và ĐKKD thành một, đồng thời chỉ giữ lại
những thủ tục, hồ sơ thực sự cần thiết trên cơ sở yêu cầu nâng cao hiệu lực QLNN. Những cải cách đó cũng tháo bỏ được một cản trở đã tồn tại gần 10 năm qua đối với việc thành lập DN, làm cho việc thành lập DN để kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn đối với dân cư và DN. Qua đó giúp cho xã hội huy động được nguồn vốn đưa vào phát triển kinh doanh, làm tăng sức cạnh tranh của thị trường để làm cho nền kinh tế phát triển hiệu quả hơn. Kết quả là số DN mới đăng ký tăng lên nhiều, qua đó số vốn huy động cho đầu tư sản xuất, số công ăn việc làm mới được tạo ra cũng tăng lên, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển DN nhỏ và vừa (Bộ KH&ĐT), từ đầu năm 2000 đến hết năm 2005, đã có 160.752 DN ĐKKD, gấp 3,3 lần so với tổng số DN đăng ký thành lập giai đoạn 1991-1999. Số DN đăng ký trung bình hàng năm hiện nay bằng khoảng gần 6 lần so với số trung bình hàng năm giai đoạn 1991-1999. Số vốn đăng ký mới đạt khoảng 321,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 20 tỷ USD), chưa kể số vốn DN đăng ký bổ sung trong quá trình hoạt động (khoảng 103,4 nghìn tỷ hay khoảng 6,3 tỷ USD) [89, 8].
Sau 6 năm đi vào thực tế, LDN 1999 (đặc biệt là chế định ĐKKD đối với DN trong nước của Luật và các văn bản hướng dẫn) đã chứng tỏ sứ mệnh lịch sử của mình. Trước sự thay đổi và phát triển của xã hội, để đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế việc ban hành LDN 2005 là cần thiết. LDN mới ra đời, đơn giản và rõ ràng hơn trong thành lập và ĐKKD, sẽ kéo theo nhiều DN ra đời, người dân sẽ đầu tư vốn để đầu tư vào DN, các ngành nghề kinh doanh được mở rộng cho bất cứ ai có khả năng, chỉ trừ một số lĩnh vực Nhà nước cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, sẽ mang lại
không khí kinh doanh sôi động, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, thực hiện chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế.