Đặc trưng của QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 43 - 47)

Cũng giống như các lĩnh vực QLNN khác, QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước vừa có những đặc trưng chung của QLNN như: 1) Là loại hoạt động mang tính tổ chức - điều chỉnh tích cực là chủ yếu; 2) Là hoạt động mang tính chủ động, sáng tạo cao; 3) Tính dưới luật; 4) Là loại hoạt động được bảo đảm về phương diện tổ chức - bộ máy, 5) Là loại hoạt động có cơ sở vật chất to lớn bảo đảm việc thực hiện; 6) QLNN Việt Nam thấm sâu vào lĩnh vực kinh tế; 7) Tính chính trị; 8) Tính chuyên nghiệp; 9) Tính liên tục; 10) Tính khoa học, tính kế hoạch, thường được thể hiện dưới những hình thức pháp lý…[20, 127-130]. Ngoài ra, QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước còn có một số đặc trưng riêng:

Thứ nhất, QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước là cách thức mà Nhà

nước tổ chức cho công dân thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình đã được Hiến pháp Việt Nam 1992 ghi nhận, thể hiện mối quan hệ giữa quyền của công dân và nghĩa vụ của Nhà nước. Do đó, với tư cách là nội dung cơ bản của chính sách và công cụ quản lý kinh tế, pháp luật phải định được giới hạn QLNN để không làm tổn hại đến quyền tự do kinh doanh. Trên nền tảng của nguyên tắc

không cấm thì được, quyền tự do kinh doanh được Nhà nước bảo đảm bằng một

nền hành chính mang tính chất phục vụ chứ không phải là sự ban phát của cơ chế xin – cho [8, 27]. Vì thế, trong hoạt động QLNN về ĐKKD, Nhà nước trao toàn quyền chủ động cho DN tự lựa chọn, quyết định, và tự chịu trách nhiệm về nội dung các vấn đề ĐKKD. Tuy nhiên, quyền tự do ở đây không có nghĩa là tự do vô tổ chức, mà luôn được đặt trong trật tự thị trường để bảo đảm sự phát triển có định hướng của thị trường với vai trò quản lý của Nhà nước bằng pháp luật. Bởi

“nếu quá vì quyền tự do sẽ dẫn đến tình trạng vô Chính phủ, nhưng ngược lại nếu quá vì kìm hãm sẽ dẫn đến sự độc tài” [6, 13].

Thật vậy, theo LDN hiện hành, cơ quan ĐKKD chỉ xác định tính đầy đủ và hợp lệ về mặt hình thức của các tài liệu và thông tin của nhà đầu tư. Chừng nào các thông tin và tài liệu ĐKKD là phù hợp và không trái với luật, thì cơ quan ĐKKD không được tùy tiện từ chối cấp GCN ĐKKD cho DN. DN hoàn toàn tự do tạo lập tư cách pháp lý thông qua thủ tục ĐKKD và những người có liên quan phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và độ trung thực của hồ sơ ĐKKD (Điều 15 LDN 2005). Không ai có quyền can thiệp, ngăn cản trái phép quyền thành lập DN và ĐKKD của họ. Sự tham gia của Nhà nước vào khâu cấp GCN ĐKKD không có gì mâu thuẫn với quyền tự do thành lập DN, vì thực chất ĐKKD là thủ tục hành chính thông thường để thừa nhận địa vị pháp lý của DN, ghi nhận và bảo vệ quyền của nhà đầu tư và để duy trì một trật tự trong kinh doanh. ĐKKD không phải là một quá trình xem xét phê chuẩn tính khả thi về tài chính hay lợi ích kinh tế của hoạt động kinh doanh, mà chỉ là một quá trình lập hồ sơ lưu trữ các thông tin chủ yếu của DN do các đăng ký viên tiến hành. Ngoài ra, để đảm bảo quyền tự do ĐKKD thành lập DN, nhiệm vụ của Nhà nước là phải đáp ứng, bảo đảm các điều kiện cho DN thực hiện quyền tự do kinh doanh,

như:

- Chủ thể có quyền kinh doanh phải được mở rộng;

- Các mô hình DN phải đa dạng, phong phú để các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn;

- Thủ tục thành lập, ĐKKD đơn giản, nhanh gọn;

- Quy định rõ ràng, minh bạch ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh những ngành nghề đó.

Khi đáp ứng được các điều kiện này, cũng có nghĩa Nhà nước đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh của mình. Điều này cũng cho thấy, Nhà nước tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu DN và tạo khả năng thuận lợi cho sự khởi nghiệp kinh doanh của DN.

Thứ hai, hoạt động cấp GCN ĐKKD của cơ quan ĐKKD thực chất là

hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công. Đặc điểm này là hệ quả của đặc điểm thứ nhất, bởi bản chất của thủ tục ĐKKD là hoạt động mang tính phục vụ trực tiếp nhu cầu, quyền kinh doanh của các tổ chức và công dân; do cơ quan hành chính nhà nước cung ứng và được thu tiền trực tiếp từ “khách hàng” dưới dạng lệ phí ĐKKD. Đây là điểm khác biệt về cơ bản với hoạt động QLNN (xuất phát từ yêu cầu quản lý của bản thân bộ máy nhà nước, không thu tiền trực tiếp của khách hàng mà được bù đắp hoàn toàn từ ngân sách nhà nước). Thực chất GCN ĐKKD cũng là một chứng chỉ pháp lý để công bố địa vị pháp lý của DN, giúp cho mọi người thực hiện việc giao dịch với DN có điều kiện thông qua việc xem xét GCN ĐKKD có thể đánh giá về tính pháp lý của DN và sơ bộ đánh giá năng lực tài chính thông qua vốn đăng ký. Xét về mặt khoa học, căn cứ vào khái niệm và các đặc trưng của dịch vụ hành chính công, có thể thấy GCN ĐKKD là

một trong các loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các tổ chức và công dân để thừa nhận về mặt pháp lý quyền của các chủ thể này được tiến hành một hoạt động nào đó phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. Giấy ĐKKD như là một bản khai sinh của DN đó, xác nhận DN này có đủ điều kiện được kinh doanh theo quy định của Nhà nước [12, 39- 40]. Tương tự như giấy chứng minh nhân dân là tất cả những yếu tố nhân thân của một cá nhân, thì với GCN ĐKKD DN cũng vậy. Bởi bản chất hoạt động ĐKKD là nhà đầu tư “đi thực hiện quyền ĐKKD” chứ không phải đi xin một đặc ân từ phía CQNN. Nếu người thành lập DN có đủ hồ sơ hợp lệ thì Nhà nước có nghĩa vụ phải cấp GCN ĐKKD cho họ (chứ không phải là quyền cho phép). Để minh chứng cho điều này LDN 2005 đã khẳng định hơn nữa bằng việc đổi cụm từ “Đơn ĐKKD” trong LDN 1999 bằng “Giấy đề nghị ĐKKD”; đồng thời xác định rõ hơn vị thế của công chức Nhà nước là “công bộc” của nhân dân.

Thứ ba, hoạt động QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước thể hiện ở 2

giai đoạn là: QLNN đối với quá trình thành lập DN và QLNN đối với hoạt động sau ĐKKD. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không có một chế định riêng về vấn đề QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước mà được lồng vào các điều luật cụ thể. Khi thành lập DN, pháp luật chỉ đặt ra các quy định chung áp dụng thống nhất trên toàn quốc (các Bộ, ngành ở trung ương cũng như chính quyền địa phương không có quyền ban hành các quy định riêng về ĐKKD đối với DN trong nước áp dụng riêng cho ngành, địa phương mình) và nếu đáp ứng được thì nhà đầu tư chỉ phải đăng ký tại cơ quan ĐKKD. Trong quá trình hoạt động, sự QLNN đối với DN chủ yếu được thực hiện thông qua chế độ kế toán thống kê và báo cáo tài chính hàng năm của DN.

Thứ tư, QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau, quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu là do cơ quan ĐKKD. Cơ quan ĐKKD là cơ quan rất quan trọng và có vai trò chủ lực trong hoạt động QLNN về ĐKKD đối với DN trong nước. Cơ quan ĐKKD không chỉ có trách nhiệm giải quyết việc ĐKKD theo quy định của pháp luật mà sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra (trực tiếp hoặc đề nghị CQNN có thẩm quyền) những nội dung trong hồ sơ ĐKKD. Nếu có vi phạm thì có quyền xử lý theo quy định của pháp luật, có quyền thu hồi GCN ĐKKD hoặc yêu cầu DN làm thủ tục giải thể. Cơ quan ĐKKD chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm trong việc ĐKKD. Đồng thời, cơ quan ĐKKD có quyền yêu cầu DN báo cáo về tình hình kinh doanh của DN khi xét thấy cần thiết, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo của DN. Trên cơ sở thực hiện việc ĐKKD cho DN và những thông tin trong báo cáo, cơ quan ĐKKD sẽ xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về DN, cung cấp thông tin cho các CQNN, cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 43 - 47)