Thứ nhất, các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng
đội ngũ nhà giáo đã bước đầu nêu lên hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ nhà giáo, bao gồm vị trí, vai trò của nhà giáo, nội dung xây
dựng đội ngũ nhà giáo, giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo, trong đó vấn đề vị trí, vai trò và nội dung xây dựng đội ngũ nhà giáo được các tác giả phân tích khá sâu sắc và toàn diện.
Thứ hai, các công trình nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về
xây dựng đội ngũ nhà giáo đã nêu lên một số phương hướng, nội dung, giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ nhà giáo ở nước ta. Các giải pháp tập trung vào các nội dung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cơ chế, chính sách, xây dựng tiêu chuẩn nhà giáo, tự đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, nghiên cứu về xây dựng đội ngũ giảng viên đại học trên thế giới,
một số học giả nước ngoài khẳng định vị trí, vai trò quyết định của đội ngũ giảng viên đến sự phát triển của trường đại học. Đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên chính là đầu tư cho phát triển nhà trường và đất nước. Giải pháp quan trọng để nâng tầm các trường đại học ở các nước đang phát triển thành đại học nghiên cứu mạnh là mở rộng hợp tác với các trường đại học lớn, có uy tín trên thế giới (đặc biệt là Hoa Kỳ), thu hút và trọng dụng nhân tài.
Thứ tư, các nghiên cứu về xây dựng đội ngũ giảng viên ở nước ta đều
khẳng định giảng viên có vị trí, vai trò quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, quyết định sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Do đó, vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên phải được các trường xác định là công việc trọng tâm, thường xuyên, liên tục, trong đó nâng cao chất lượng giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa là vấn đề mấu chốt. Các tác giả cũng thống nhất ở các giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên là phải tuyển chọn, sử dụng hợp lý, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để tạo ra động lực cho đội ngũ giảng viên làm việc, cống hiến. Các tác giả cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ nhà giáo đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, về xây dựng đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng ở
Tây Nguyên, đứng ở nhiều góc độ khác nhau, các công trình tổng quan đã sơ bộ nêu lên thực trạng đội ngũ giảng viên trong vùng, phân tích những mặt thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên liên quan đến đặc thù vùng Tây Nguyên. Từ thực trạng đó, các tác giả gợi ý một số giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục đại học của vùng.