Mọi xã hội, mọi ngành nghề luôn cần có hệ thống động lực để phát triển. Động lực ở đây được hiểu là những yếu tố tác động cả bên trong và bên ngoài tới sự vật, hiện tượng để tạo nên sự vận động, phát triển theo chiều hướng đi lên. Đội ngũ nhà giáo là những người lao động trí óc, họ rất nhạy cảm với cuộc sống, với thời cuộc, mặt khác, trong cuộc sống vật chất đời thường thì họ cũng giống như những người lao động khác, cũng cần phải được đáp ứng những yêu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại. Do đó, tạo ra hệ thống động lực cả về tinh thần và vật chất là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo.
Là một lãnh tụ chính trị, đồng thời cũng từng là một nhà giáo, với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo chính trị, đồng thời từ những trải nghiệm thực tiễn của nghề nghiệp, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc về nhà giáo, về tâm tư, nguyện vọng của những người làm nghề dạy học. Trong lúc đất nước còn khó khăn, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, Người luôn biết thăm hỏi, động viên tinh thần rất kịp thời đối với đội ngũ nhà giáo. Người nhắc đến sứ mạng vẻ vang của nhà giáo, nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn mà họ phải trải qua, nhắc đến những thành tích mà họ đạt được, coi họ như những người anh hùng.
Trong bài nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học sinh trường đại học sư phạm Hà Nội, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã động viên các thầy, cô giáo. Người khẳng định nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa. Người chỉ ra sứ mạng cao cả của các thầy, cô giáo là đào tạo thế hệ con người mới góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đó là công việc thầm lặng, là sự hy sinh to lớn của các thầy, cô trên mặt trận văn hóa, giáo dục, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân
chương, song nhân dân, đất nước không bao giờ quên công lao đó của các thầy, cô. “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”, “người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” [111, tr.403].
Đó chính là sự động viên, khích lệ vô cùng to lớn của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đối với các nhà giáo. Đối với những người trí thức, sự động viên, khích lệ về tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn vật chất, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, hành động của người thầy giáo, giúp họ hăng hái, tin tưởng vào tương lai của bản thân và tiền đồ của dân tộc, từ đó họ làm việc hết mình để cống hiến cho công việc, cho nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chỉ động viên, khích lệ tinh thần không thôi thì chưa đủ. Nhà giáo muốn thực hiện hoạt động nghề nghiêp được thì trước hết phải sống. Hồ Chí Minh là người hiểu hơn ai hết chân lý “có thực mới vực được đạo”, Người từng nói phải làm cho dân “có ăn”, “có mặc”, “có chỗ ở” rồi mới đến “học hành”. Đó là một chân lý rất giản gị mà vô cùng thực tế.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh nói đến chính sách đối với cán bộ. Vì nhà giáo được Người coi là cán bộ của Đảng và Chính phủ, do đó, cũng có thể hiểu đó là những chính sách đối với nhà giáo. Trong đó, Người nói đến một chính sách rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến công việc của nhà giáo, đó là giúp đỡ nhà giáo ổn định cuộc sống gia đình, quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt đời thường của các nhà giáo. Người viết: “Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình” [102, tr.316]. Điều kiện sinh sống đầy đủ là yếu tố căn bản, cốt yếu để đội ngũ nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Mặt khác, Người cũng yêu cầu nhà giáo phải chủ động trong nghề nghiệp, “phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn” [112, tr.507].
Sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, tuy nhiên, lực lượng nòng cốt chính là cán bộ quản lý nhà trường và đội ngũ nhà giáo. Do đó, nếu nhà trường, đội ngũ nhà giáo không có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của lãnh đạo ngành thì không thể phát triển được. Hiểu được điều này, trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:
Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới [112, tr.508].
Các ngành, các cấp, chính quyền địa phương “phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt”, đây được coi là chỉ thị của Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chính sách đối với giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng chính sách đối với nhà giáo phải toàn diện, cả vật chất, cả tinh thần, từ chính sách lương, phụ cấp, bảo hiểm, nhà ở,... đến động viên, khen thưởng kịp thời.
Đây thật sự là tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về giáo dục. Trách nhiệm, vai trò của giáo dục, cụ thể là của các thầy, cô giáo rất nặng nề và vẻ vang là đào tạo những công dân tốt cho nước nhà, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vậy thì tương ứng với trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đó các thầy, cô cũng phải được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng. Cụm từ “phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt” đã nói lên tất cả trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp giáo dục, đối với các nhà trường mà cụ thể là đối với đội ngũ nhà giáo - lực lượng quyết định sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Mặt khác, trong xây dựng chính sách đối với nhà giáo, theo Hồ Chí Minh, phải đặc biệt quan tâm đến chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.
Trong lúc đất nước rất khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn động viên được những trí thức lớn là người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, phục vụ cho chế độ dân chủ mới. Người làm việc đó không phải bằng vật chất mà bằng tất cả tấm lòng yêu nước, vì độc lập, tự do, vì sự phát triển của đất nước. Cảm nhận được tấm lòng của Người, các trí thức lớn của dân tộc đã về nước làm việc như: kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên..., và nhiều trí thức lớn khác. Họ đã đóng góp công sức không nhỏ vào việc xây dựng nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.