d) Xây dựng môi trường làm việc thật sự dân chủ, đoàn kết
2.3.4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ nhà giáo đã góp phần xây dựng nên một đội ngũ nhà giáo đủ phẩm chất và năng lực đáp
phần xây dựng nên một đội ngũ nhà giáo đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục cách mạng, phục vụ đất nước
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng như những việc làm cụ thể của Người về mặt tổ chức thực tiễn trong lĩnh vực này đã luôn luôn là những định hướng cơ bản cho việc hoạch định mục tiêu và tìm tòi giải pháp nhằm thực hiện chiến lược “trồng người”, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của nước ta trong suốt mấy chục năm qua và cả thời gian sắp tới.
Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước của những năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc và những năm đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp giáo dục đất nước, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo mang
tầm chiến lược, đồng thời gợi ý những giải pháp, những cách làm cụ thể để phát triển nền giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên.
Chính từ những quan điểm đúng đắn và tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh mà ngay từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đi đôi với việc phát động phong trào xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, nhân dân, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải cải cách giáo dục theo tinh thần mới, mở hệ đại học và trung học để đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật, đào tạo nhân tài cho đất nước. Từ năm 1950, cùng với việc thực hiện cải cách giáo dục trong nhà trường, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, thành lập một số trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ chuyên môn cần thiết cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc sau này, đồng thời gửi cán bộ đi học đại học ở nước ngoài.
Dưới ánh sáng của những quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương “Nhà nước kết hợp với nhân dân”, nền giáo dục của nước Việt Nam mới đã từng bước hình thành, vượt qua khó khăn, thử thách và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tình trạng 95% dân số bị mù chữ dần dần được xóa bỏ, hệ thống giáo dục quốc dân có tính đại chúng đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh từ giáo dục mầm non, bổ túc văn hóa đến phổ thông chuyên nghiệp và đại học. Mạng lưới trường lớp được xây dựng ở khắp nơi và một đội ngũ nhà giáo đông đảo luôn tận tụy, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Thành quả to lớn về mặt đội ngũ là: Số lượng giáo viên và giáo sư chuyên nghiệp cũng tăng nhanh chóng, từ con số khoảng 7 nghìn người vào năm 1945 đến năm 1954 đã có trên 2 vạn người. Số lượng cán bộ giảng dạy đại học từ 40 người năm học 1955- 1956 tăng lên 8.658 người năm học 1974-1975 [68, tr.229].
Trên thực tế đất nước ta những năm kháng chiến kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã ra đời một đội ngũ những nhà khoa học đầu ngành, đồng thời là những nhà giáo ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Họ vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học, nhà quản lý. Trong đó có những tên tuổi nổi bật như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước (ngành Y học); Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn (ngành Sử học); Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu (ngành Văn học); Trần Đức Thảo (ngành Triết học); Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm (ngành Toán học); Lương Định Của (ngành Nông học); Nguyễn Hoán (ngành Hóa học); Trần Đại Nghĩa (ngành Cơ khí); Ngụy Như Kon Tum (ngành Vật Lý). Họ đã nỗ lực vô song, cống hiến hết mình và đặt nền móng vững chắc cho nền khoa học, giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công lao, đóng góp của họ đúng như Hồ Chí Minh đã nói “không bia đá, tượng đồng” nào ghi hết được.
Cùng với sự phát triển về số lượng, nền giáo dục của nước ta có những tiến bộ rất quan trọng trên bước đường xây dựng một nền giáo dục thật sự có tính dân tộc, dân chủ, đại chúng, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước. Đó là hệ thống giáo dục và đào tạo đa dạng, tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào sự phát triển giáo dục - đào tạo chung của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục - đào tạo có bước chuyển biến nhất định.