Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội vùng Tây Nguyên

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 127 - 129)

d) Xây dựng môi trường làm việc thật sự dân chủ, đoàn kết

4.1.2. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, giàu bản sắc văn hóa mà còn có tầm quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng của đất nước. Trong lịch sử, Tây Nguyên là vùng đất mà nhiều thế lực muốn thôn tính, cai trị. Thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp thi hành chính sách chia để trị, bao gồm hai nội dung chủ yếu sau: chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số; chia rẽ giữa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với nhau với mục đích làm suy yếu lực lượng cách mạng của nhân dân các dân tộc, nuôi dưỡng mầm mống ly khai, hòng tách Tây Nguyên ra khỏi quốc gia Việt Nam, thể hiện rõ nhất trong âm mưu và hành động lập “Xứ Tây kỳ tự trị” trước kia. Khi thực dân Pháp xem Tây Nguyên là “Hoàng triều cương thổ” cũng không ngoài ý đồ biến vùng đất này thành lãnh địa lâu dài của chúng ở Đông Dương.

Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã thi hành một loạt chính sách và biện pháp nhằm dụ dỗ, mua chuộc cũng như khuất phục các dân tộc Tây Nguyên như chính sách “Kinh Thượng đề huề”, “Quân dân nhất trí”, “Khai phá miền sơn cước”, “Dân tộc hòa đồng - đồng tiến trong một quốc gia

thống nhất”, “Quy chế đặc biệt nâng đỡ đồng bào sắc tộc”, thành lập “Nha đặc trách Thượng vụ”, “Bộ phát triển sắc tộc”, “Hội đồng sắc tộc của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa”,… Chúng lập ra các tổ chức phản động như BAJARAKA (gồm các chữ đầu trong tên gọi của 4 dân tộc thiểu số chính ở Tây Nguyên là Bana, Jrai, Rade (Ê đê) và Cơ ho) và sau đó là tổ chức FULRO (“Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức”) để chống phá cách mạng miền Nam nước ta.

Do vị trí chiến lược của Tây Nguyên, các thế lực thực dân, đế quốc luôn tìm cách tranh giành ảnh hưởng bằng cách kích động tư tưởng ly khai, đòi tự trị cho người Tây Nguyên. Ngoài những biện pháp quân sự địch còn dùng các thủ đoạn chính trị, kinh tế để dụ dỗ, mua chuộc, dùng tôn giáo để lôi kéo các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh triển khai chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Tây Nguyên. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhiều phần tử phản động núp dưới danh nghĩa truyền giáo để lôi kéo đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành, thực hiện âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, xuyên tạc đường lối và chính sách dân tộc của Đảng. Chúng đã gây nên cuộc bạo loạn chính trị vào tháng 2 - 2001 và tháng 4 - 2004, với mục tiêu đòi thành lập “Nhà nước Đề Ga” của người Tây Nguyên.

Thực tế tình hình Tây Nguyên luôn đặt ra vấn đề phải nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị phức tạp cũng chính là một rào cản lớn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo của vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các trường đại học ở Tây Nguyên thường rất khó khăn trong việc hợp tác quốc tế, tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi học giả, tổ chức hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là liên quan đến các trường đại học, các nhà khoa học đến từ các nước phương Tây.

Là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời với đặc trưng, sắc thái văn hóa của nhiều dân tộc, nhiều địa phương trong cả nước hội tụ; nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ của cả nước.

Qui mô nền kinh tế của Tây Nguyên còn nhỏ, đặc điểm nổi trội là tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Mức sống của dân cư nhìn chung còn thấp so với mức trung bình của cả nước. Là nơi tập trung số lượng tín đồ theo đạo Tin Lành lớn nhất cả nước.

Những đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo đã và đang tạo nên tính đặc thù của Tây Nguyên, tác động đến yêu cầu, nội dung, phương thức phát triển giáo dục - đào tạo của vùng.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 127 - 129)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w