Trong đề tài này, các khái niệm “qui mô”, “chất lượng”, “cơ cấu” được hiểu như sau:
Khái niệm “qui mô” được hiểu là kích thước, độ lớn hay trình độ phát triển, độ rộng lớn về khuôn khổ hay về mặt tổ chức. Trong giáo dục đại học thường sử dụng khái niệm qui mô đào tạo, qui mô đội ngũ giảng viên, cán bộ với nghĩa là số lượng sinh viên, số lượng cán bộ, giảng viên của trường.
Khái niệm “chất lượng” có nhiều định nghĩa khác nhau. Theo từ điển tiếng Việt: chất lượng là tổng thể những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật làm cho sự vật này phân biệt với sự vật khác. Trong giáo dục đại học thường sử dụng các khái niệm: chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên hiểu chung là những yếu tố thuộc về phẩm chất và năng lực của giảng viên. Cụ thể hơn là các yếu tố phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy.
Khái niệm “cơ cấu” được hiểu là nguyên tắc kết hợp và hoạt động của các chi tiết máy trong cùng một chỉnh thể, theo những quy luật nhất định hoặc cách tổ chức các thành phần nhằm thực hiện chức năng của chỉnh thể. Trong giáo dục đại học thường sử dụng các khái niệm: cơ cấu ngành nghề, cơ cấu đội ngũ giảng viên với ý nghĩa là sự sắp xếp, phân bố ngành nghề, con người đảm bảo tỉ lệ hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển cơ sở giáo dục đại học. Trong xây dựng đội ngũ giảng viên, qui mô (số lượng), chất lượng và cơ cấu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chất lượng đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của trường. Tuy nhiên, muốn có chất lượng thì phải có một số lượng nhất định. Muốn chất lượng phát huy thì nó phải có sự bố trí, sắp xếp hợp lý, tức là cơ cấu tỉ lệ hợp lý, đảm bảo sự phát triển của trường cả trước mắt và lâu dài. Do đó, yêu cầu chung về xây dựng
đội ngũ giảng viên phải là đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu.