Lựa chọn, sử dụng đội ngũ nhà giáo

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 65 - 67)

Theo Hồ Chí Minh, không phải ai cũng làm thầy giáo, cô giáo được. Nghề dạy học đòi hỏi những năng lực và phẩm chất đặc biệt như trung thành, kiên nhẫn, khiêm tốn, yêu nghề, yêu trẻ, khả năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ,... Do đó, khâu lựa chọn, tuyển dụng nhà giáo là rất quan trọng. Đây là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo, nếu làm tốt bước này thì sẽ thuận lợi trong việc thực hiện các khâu tiếp theo.

Tổng hợp các bài viết, bài nói và công tác thực tiễn của Hồ Chí Minh về giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo, chúng ta thấy Người đề ra những tiêu chuẩn để lựa chọn nhà giáo là:

Tiêu chuẩn chung: phải có đức, có tài, đức là chính trị, tài là chuyên môn, trong đó chính trị phải đặt lên hàng đầu.

Các tiêu chuẩn cụ thể: trung thành và hăng hái trong công việc; luôn giữ mối liên hệ mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, đặt lợi ích của dân chúng, của người học, của tập thể lên trên hết, trước hết; có khả năng phụ trách và giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, có ý chí khắc phục khó khăn, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thất bại không nản lòng, không hoang mang, dao động; luôn giữ đúng kỷ luật trong mọi hoàn cảnh; có chuyên môn tốt, tức là phải “thạo nghề”.

Theo Hồ Chí Minh, nhà giáo vừa là người làm chuyên môn, vừa là cán bộ của Đảng và Chính phủ, là người trí thức cách mạng, người chiến sĩ trên

mặt trận văn hóa giáo dục, do đó, Người luôn đặt tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lên hàng đầu, bởi có tài mà không có đức thì cũng hỏng việc. Nhà giáo phải có đạo đức, chính trị làm nền tảng, từ nền tảng đó mà tài năng, chuyên môn mới phát triển đúng hướng, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Việc lựa chọn phải gắn với sử dụng. Lựa chọn đúng, nhưng sử dụng không đúng thì không phát huy được năng lực của đội ngũ, dẫn đến lãng phí nguồn lực và hỏng việc. Việc sử dụng đội ngũ là một công tác quan trọng để xây dựng đội ngũ. Hồ Chí Minh đề ra những biện pháp sử dụng để phát huy năng lực và phẩm chất đội ngũ nhà giáo, đó là:

Xem xét đánh giá đội ngũ nhà giáo là công việc hết sức quan trọng, cần kíp. Thường xuyên xem xét, đánh giá đội ngũ nhà giáo một cách thận trọng. Có đánh giá đúng thì mới biết được ưu điểm và hạn chế của nhà giáo, từ đó có thể bố trí, sử dụng đúng, hạn chế được thiếu sót, sai lầm. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra” [102, tr.314].

Sử dụng đúng người, đúng việc. Mỗi người có một khả năng riêng, tùy năng lực của họ mà bố trí công việc phù hợp. Luôn xem xét năng lực của nhà giáo tương xứng với việc gì, chuyên môn gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Về cách dùng người, Hồ Chí Minh phân tích:

Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công [102, tr.314].

Cách đối đãi với nhà giáo phải lưu ý năm nội dung: chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ. Phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ. Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ. Thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Khi họ sai lầm thì dùng cách "thuyết phục" giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là "cơ hội chủ nghĩa", đã "cảnh cáo", đã "tạm khai trừ". Những cách quá đáng như thế đều không đúng. Phải giúp đỡ cho cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình [102, tr.316].

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w