Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 67 - 70)

Đây là giải pháp mà Hồ Chí Minh đã làm một cách kiên trì, bền bỉ từ những ngày đầu hoạt động cách mạng cho đến lúc cuối đời. Từ lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở Việt Bắc đến các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng là công việc gốc để xây dựng đội ngũ nhà giáo. Công việc này trước hết thuộc về Nhà nước, thuộc về các đoàn thể, cơ quan có trách nhiệm. Mặt khác, bản thân nhà giáo phải luôn nêu cao tinh thần tự đào tạo, tự bồi dưỡng, phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải biết tự động học tập [103, tr.360].

Để xây dựng nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập, mọi công việc chúng ta đều phải làm từ đầu, trong đó có việc xây dựng đội ngũ nhà giáo. Giáo dục là một mặt trận, các nhà giáo là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Nhưng không thể ngày một, ngày hai mà có đội ngũ nhà giáo được. Do đó,

việc làm trước tiên của Hồ Chí Minh là trọng dụng trí thức - nhân tài của chế độ cũ, kêu gọi họ đem tài năng, sức lực ra phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh mạnh dạn trao cho họ những trọng trách lớn trong ngành giáo dục, từ đó họ đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp chuyên môn cho thế hệ sau.

Tiếp theo là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên. Mặc dù yêu cầu giáo viên cho nền giáo dục là rất cấp bách, tuy nhiên, việc này không thể nóng vội mà cần phải làm một cách thiết thực, chu đáo. Theo Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng: cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều; huấn luyện từ dưới lên trên, không nên ôm đồm; phải gắn liền lý luận với công tác thực tế; phải nhằm đúng nhu cầu thực tế; phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng [103, tr.357-359].

Xây dựng hệ thống các trường sư phạm để đào tạo giáo viên. Đây được coi như là chiếc máy cái để đào tạo ra đội ngũ nhà giáo. Ngày 8-10-1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 194/SL thành lập ngành Sư phạm Việt Nam. Người yêu cầu, hệ thống trường sư phạm phải được đầu tư, xây dựng tương xứng với vị trí, vai trò của nó. Mặt khác, đội ngũ giáo viên các trường sư phạm cũng phải luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong dịp về thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Người căn dặn cán bộ, giáo viên, học sinh trường phải “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” [111, tr.404].

Song song với việc tự đào tạo trong nước, Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Việc này được Người chú ý từ những ngày đầu cách mạng, khi tuyển chọn và gửi đi đào tạo những thanh niên ưu tú của Việt Nam sang trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Ngày 01-11-1945, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ “bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái

đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác” và Người cũng nói rõ trong thư đây là “nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp” [101, tr. 91]. Tuy nhiên, bức thư này đã không được hồi đáp. Năm 1951, theo giới thiệu của Hồ Chí Minh, một đoàn gồm 21 cán bộ Việt Nam đầu tiên đã được gửi sang Liên Xô học tập. Các cán bộ này đều được Trung ương Đảng lựa chọn rất kỹ lưỡng về tiêu chuẩn trình độ, ngành học cụ thể để sau khi học về phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó là những ngành: kiến trúc, luyện kim, y dược, nông nghiệp, vũ khí, khai thác, cán thép. Trước khi đi Đoàn được gặp Hồ Chí Minh, Người căn dặn Đoàn cán bộ khi học tập ở nước ngoài phải chú

ý toàn diện các mặt từ thái độ học tập, phương pháp học tập, tư cách đạo đức đến các nguyên tắc kỷ luật. Người yêu cầu phải xác định rõ: tùy hoàn cảnh mà học, mà dùng, nhằm mục đích phụng sự nhân dân; phải gắn liền việc học chuyên môn với việc nâng cao trình độ lý luận cách mạng; phải tin tưởng và quyết tâm vào sự học tập; luôn giữ vững kỷ luật trong học tập và trong quan hệ với mọi người [190, tr.177-179].

Ngoài trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến việc tự đào tạo, bồi dưỡng của nhà giáo, coi đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nhà giáo về mọi mặt. Người thầy phải hơn ai hết luôn ghi nhớ lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” và của Khổng Tử “Dạy không biết chán, học không biết mỏi”. Người kết luận: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình” [103, tr.356]. Đây là lời nhắn nhủ của Hồ Chí Minh về ý thức trách nhiệm, về tâm huyết của người thầy đối với

công việc của mình và đó cũng là giải pháp tốt nhất để mỗi người giáo viên tự hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng với trọng trách vẻ vang của nghề giáo.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Minh Hải (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w