Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà giáo có vai trò quyết định đến việc vận hành hệ thống giáo dục, do đó, để xây dựng nền giáo dục mới thì phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo phục vụ cho nền giáo dục ấy, trong đó việc xác định đúng mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo có vị trí quan trọng hàng đầu. Đó cũng là cái đích cần đạt tới trước tiên để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền giáo dục mới phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nói chuyện tại Lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và Hội nghị sư phạm tháng 7-1956, Hồ Chí Minh chỉ rõ sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ người thầy: “nước nhà ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá mà muốn khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá thì cần cán bộ rất nhiều, nhưng cán bộ ta còn thiếu. Vậy ta phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hoá làm gốc... Công nhân, nông dân đại đa số phải có văn hoá. Muốn có văn hoá thì phải làm thế nào? Phải học. Muốn học phải cần có gì? Có thầy” [107, tr.388].
Như vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ người thầy phải được đặt ra đầu tiên, có người thầy thì mới có quá trình giáo dục mang tính hệ thống, chính qui, không có thầy giáo thì không có giáo dục theo nghĩa đó. Nghiên cứu trên văn bản và quá trình Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo xây dựng nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thế thấy Người đã chỉ ra mục
tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng thời kỳ.
Về mục tiêu chung, trước hết phải xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; thứ hai, xây dựng đội ngũ nhà giáo phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là chính trị tư tưởng, tài là văn hóa, chuyên môn, phương pháp, chính trị phải là nền tảng; thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ (thế hệ trước, thế hệ sau; thế hệ già, thế hệ trẻ); thứ tư, xây dựng đội ngũ nhà giáo có cơ cấu hợp lý (ngành nghề, giới tính, dân tộc).
Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo phù hợp. Tình hình khẩn cấp của những năm đầu đất nước vừa giành được độc lập là: chính quyền đã về tay nhân dân, nhưng nhân dân đại đa số mù chữ, nhiều thôn xã thiếu hẳn người đọc thông viết thạo. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tham gia diệt giặc dốt, “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ”, “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo” [101, tr.40-41]. Đội ngũ người thầy lúc này chưa cần nhất thiết phải đào tạo chính qui, chỉ cần có lòng yêu nước, biết đọc, biết viết là được. Thầy giáo ở đây là “những người đã biết chữ”, là vợ, là chồng, là anh em, cha mẹ, con cái, người chủ,... Mỗi người biết chữ là một giáo viên bình dân học vụ. Để thực hiện mục tiêu này, các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ngắn hạn được tổ chức. Đây là bí quyết để khắc phục khó khăn ban đầu về giáo viên, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí.
Năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triển khai cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở vùng tự do, thực tiễn đòi hỏi phải có đội ngũ nhà giáo chính qui và chuyên nghiệp hơn. Lúc này, Hồ Chí Minh xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo thể hiện ở ba tiêu chí cơ bản: thứ nhất là phải thạo nghề, thứ hai là phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối
làm việc; thứ ba là phải không ngừng rèn luyện, học tập. Tư tưởng này được Hồ Chí Minh nêu ra trong bài nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập tháng 5 - 1950: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình” [103, tr.356].
Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, yêu cầu mới của đất nước đặt ra là khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đồng thời tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên trong thời kỳ này là phải đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng, đồng thời đa dạng hóa ngành nghề đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Mục tiêu về đảm bảo tính kế thừa và cơ cấu giới tính, dân tộc hợp lý của đội ngũ nhà giáo cũng được Người quán triệt trong thời kỳ này. Bài nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc (3-1956) cho thấy rõ tư tưởng của Người về vấn đề này. Người khẳng định trong đội ngũ nhà giáo phải có nam, có nữ, có dân tộc kinh, có dân tộc thiểu số. Người phê bình “Nhưng giáo viên phụ nữ còn quá ít. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ” [107, tr.289]. Người phân tích và chỉ rõ sự thay đổi của tình hình thực tế đất nước kéo theo phải thay đổi mục tiêu, kế hoạch kinh tế cũng như giáo dục: “Trước kia mỗi công tác đều làm theo cách du kích. Bây giờ phải chuyển vào kế hoạch, chuyển vào chính quy. Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế. Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế” [107, tr.290]. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Hiện nay ta phát triển nông
nghiệp, khôi phục công nghiệp và một phần nào phát triển công nghiệp. Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Như vậy, cơ cấu ngành nghề, số lượng nhà giáo phải được xây dựng phù hợp với kế hoạch nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế. Nhu cầu đất nước hiện tại cần gì thì phải có giáo viên về lĩnh vực đó. Phải có giáo viên trước thì mới đào tạo ra cán bộ phục vụ cho các ngành kinh tế của đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.