d) Xây dựng môi trường làm việc thật sự dân chủ, đoàn kết
3.1.1. Khái quát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ giảng viên thời kỳ đổi mớ
dựng đội ngũ giảng viên thời kỳ đổi mới
Trong thời kỳ đổi mới (kể từ năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết riêng về phát triển giáo dục - đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống giáo dục đại học và đội ngũ giảng viên. Cụ thể là: Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14 tháng 1 năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24-12-1996 của Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000; Kết luận số 14 - KL/TW ngày 26-7-2002, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Khóa IX, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến đến năm 2005 và đến năm 2010; Chỉ thị 40/2004/CT-TW ngày 15-6-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Những quan điểm cơ bản về phát triển giáo dục đại học và đội ngũ giảng viên được thể hiện trong các văn kiện trên là: Cùng với việc coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, các Nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo, coi đó là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục; Sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia; Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo; Tăng cường quyền tự chủ của cơ sở, nhất là các trường đại học, mở rộng dân chủ trong nhà trường; Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng; Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục đại học, ngày 02 tháng 11 năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Nghị quyết nêu ra mục tiêu cụ thể: mở rộng qui mô đào tạo, đạt tỉ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020; xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiến; bảo đảm tỉ lệ sinh viên/giảng viên của cả hệ thống giáo dục đại học không quá 20. Đến năm 2010 có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 25% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ [33, tr.3]. Ngày 19-11-2018, Quốc hội khóa
XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật này có hiệu lực từ ngày 01-07-2019.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ tập trung vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai hai đề án về đào tạo giảng viên, đó là Đề án Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 322/2000/QĐ-TTG ngày 19 tháng 04 năm 2000 (Đề án 322), và Đề án
Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 06 năm 2010
(Đề án 911). Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tăng cường đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, tuy nhiên, cả hai Đề án này đều phải kết thúc sớm hơn dự kiến vì không đạt được mục tiêu như kỳ vọng và tính hiệu quả không cao. Cụ thể mục tiêu của Đề án 911 vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ mới (gồm 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước, 10.000 tiến sĩ đào tạo nước ngoài và 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp) với tổng kinh phí Đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng [136, tr.1-2]. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm thực hiện (từ 2012 - 2016), Đề án 911 chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh (NCS) đã và đang được đào tạo, đạt khoảng 16,5% so với mục tiêu đề ra. Khi bắt đầu triển khai Đề án 911, năm học 2011-2012, toàn hệ thống có hơn 8.500 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (chiếm 14,3%). Đến năm 2017, con số này được nâng lên hơn 16.514 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 22,7% trong tổng số giảng viên đại học) [30, tr.1]. Tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 35% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ vào năm 2020.
Việc triển khai các đề án đào tạo giảng viên đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là sự quan tâm và nỗ lực rất lớn, là hoạt động nổi bật của Chính phủ, Bộ Giáo
dục và Đào tạo trong việc xây dựng ĐNGV thời gian vừa qua. Mặt khác, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng chú ý ban hành các văn bản liên quan đến chế độ làm việc, phẩm chất đạo chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên. Cụ thể là Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo; Nghị định số Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04-7-2011 về chế độ phục cấp thâm niên đối với nhà giáo; Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2013 Ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học; Thông tư số 20/2013/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2013 Ban hành qui định bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2014 Qui định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; Thông tư số 47/2014/TT- BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2014 Qui định chế độ làm việc đối với giảng viên.
Có thể thấy, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ra đã rất quan tâm xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là xây dựng đội ngũ giảng viên. Các văn bản liên quan đến nội dung này là khá rõ ràng, đầy đủ và được triển khai vào cuộc sống, đã thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học nước ta phát triển, đặc biệt là đội ngũ giảng viên phát triển mạnh mẽ cả về qui mô, chất lượng và cơ cấu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung về phát triển giáo dục đại học vẫn còn những nhận thức chưa thống nhất, còn những điểm nghẽn chưa được khai thông, ví dụ như vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, vấn đề vị trí việc làm và thang bảng lương của giảng viên,… Những nội dung này cần có sự nhận thức thống nhất và triển khai quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành
và đặc biệt là lãnh đạo, giảng viên các trường đại học để hệ thống giáo dục đại học, mà đội ngũ giảng viên là nòng cốt, tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.