d) Xây dựng môi trường làm việc thật sự dân chủ, đoàn kết
4.1.4. Nguồn lực con người, cơ sở vật chất của các trường đại họ cở Tây Nguyên
Tây Nguyên
Nguồn lực con người ở đây cũng có thể hiểu là vốn nhân lực, hay vốn con người, bao gồm đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ chuyên viên, viên chức phục vụ, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ giảng viên. Đây chính là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự phát triển của các trường đại học ở Tây Nguyên. Theo thống kê, đến năm 2018, tổng số giảng viên của 4 trường đại học ở Tây Nguyên là 988 người, trong đó có 01 giáo sư, 45 phó giáo sư, 140 tiến sĩ, 573 thạc sĩ và 229 trình độ đại học. Họ vừa là giảng viên, vừa là những nhà khoa học có mặt ở hầu hết các lĩnh vực khoa học như: khoa học cơ bản, Y dược, kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, sư phạm, lý luận chính trị, chăn nuôi, thú y,... Đây không những là vốn quí của các trường mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao, có vai trò đầu tàu để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Nguồn lực vật chất của các trường bao gồm: diện tích đất đai, hệ thống giảng đường, phóng thí nghiệm, thư viện, hạ tầng thông tin, các phương tiện phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, tài chính,...Theo báo cáo công khai, tổng diện tích đất của 4 trường đại ở Tây Nguyên đang quản lý sử dụng là 87,2 ha. Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học: 147.965 m2 . Tổng số phòng thí nghiệm: 164, với diện tích 25.197 m2. Tổng số xưởng thực hành, thực tập: 18, với diện tích 15.452 m2. Có 04 thư viện với diện tích 7.103 m2, với 333.451 đầu sách, 44.575 tài liệu điện tử. Tổng số phòng học: 302, với diện tích 27.469 m2 [160;166;175;176].
Đặc biệt Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Tây Nguyên là hai trường đại học có diện tích lớn và cảnh quan đẹp trong số các trường đại học của Việt Nam. Trường Đại học Đà Lạt có diện tích 34,4 ha, còn Trường Đại học Tây Nguyên có diện tích 27,3 ha.
Qua báo cáo công khai tài chính của các trường cho thấy, nguồn lực tài chính của các trường còn khá khiêm tốn. Tổng thu của 4 trường năm 2017 là 417,418 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp (cho 2 trường công lập là ĐH Đà Lạt và ĐH Tây Nguyên) là 136,591 tỷ đồng (chiếm 32,7%). Trường Đại học Tây Nguyên có tổng thu lớn nhất là 220,804 tỷ đồng, sau đó là Trường Đại học Đà Lạt: 165,110 tỷ đồng; Trường Đại học Yersin Đà Lạt: 18,1 tỷ đồng; Trường Đại học Buôn Ma Thuột: 13,404 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu của các trường là từ học phí, lệ phí với tỷ lệ 51,3%. Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,34% trong tổng thu [162;167;174;178]. Điều đó cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường đại học ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế.
Nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường đại học ở Tây Nguyên là khá tốt so với mặt bằng chung của các trường đại học trong cả nước, tuy nhiên nguồn lực tài chính thì còn khiêm tốn. Điều này tác động vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực đến sự phát triển của các trường nói chung và đội ngũ giảng viên của các trường nói riêng.