* Những thuận lợi:
Nhờ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lýgiúp việc phát triển cây thanh long gặp nhiều thuận lợi; có đề án quy hoạch vùng chuyên canh phát triển thanh long qua đề án sản xuất 2.000 ha thanh long ƯDCNCgắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành.Nông nghiệp ƯDCNCcũng là bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế hiện nay, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng giá trị cao, tăng lợi nhuận và tạo thương hiệu riêng cho trái thanh long Châu Thành. Đặc biệt sản xuất thanh long theo chuẩn VietGap đã đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, mở rộng cánh cửa thị trường xuất khẩu cho thanh long Châu Thành.
Điều kiện tự nhiện, đất đai thổ nhưỡng phù hợp có nhóm đất phù sa, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp cho việc phát triển cây thanh long.
Cây thanh long ít bị sâu bệnh tấn công hơn so với các cây trồng khác nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất hạn chế. Đây chính là lợi thế bảo đảm mức độ an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cho người trồng thanh long và hạn chế được ô nhiễm môi trường. Năng suất, sản lượng và diện tích thanh long phát triển khá nhanh trong những năm gần đây tạo ra nguồn đầu váo ổn định cho doanh nghiệp, HTX thu mua. Giá cả thanh long khá ổn định, ít bị rủi ro, nhiệm kỳ kinh tế kéo dài, đầu tư nước tưới ít hơn các loại cây trồng khác; do đó hiệu quả kinh tế cao hơn các cây ăn trái khác.Cây thanh long dễ cho hoa trái vụ, chỉ cần kích thích bằng đèn điện vào ban đêm trong thời gian
ngắn nhất định thường là 15-20 ngày. Nhờ vậy có thể rãi vụ, tránh dồn hàng, dội chợ. Hiện nay, nông dân thực hiện rải vụ nên thanh long được tiêu thụ suốt năm.Hiện nay giá thanh long vụ nghịch tương đối ổn định, nên thu nhập của người trồng thanh long ở huyện dần được cải thiện rõ rệt.
Nông dân đồng thuận với quá trình quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có kinh nghiệm trong trồng thanh long, phần lớn họ siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi. Bước đầu hình thành việc liên kết sản xuất, xóa dần tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ mang tính tự phát.
Có sự hỗ trợ các cấp chính quyền và các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với người nông dân.Thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn giúp nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kĩ thuật, thay đổi tập quán, tư duy trong canh tác từng bước quen dần sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật và giúp hạn chế sử dụng phân vô cơ (hóa học), lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật Nhà nước cấm sử dụng, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, băm cành thanh long và ủ phân hữu cơ từ cành thanh long,… giúp quản lý tốt dịch bệnh, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống con người, để tạo ra sản phẩm trái thanh long đạt chất lượng cao. Đặc biệt, đến nay nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long, nông dân đã có ý thức hơn trong việc vệ sinh vườn, các loại vỏ chai bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom đưa đến nơi quy định.
Các tổ chức tín dụng trong huyện đặc biệt là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong vay vốn để trồng thanh long.
Doanh nghiệp có sự chuyển biến về nhận thức, áp dụng vào thực tiễn những tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và phân phối sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, các đầu mối tiêu thụ và nông dân sản xuất có sự chuyển biến ngày càng tốt.
* Khó khăn:
Tình hình thời tiết dịch bệnh trên cây thanh long diễn biến phức tạp và tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến kinh tế của nhân dân. Người dân chưa thật sự nhận thức sâu sắc về
việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nhằm để phát triển bền vững.Nông dân còn mở rộng diện tích thanh long sản xuất tự phát, chưa sản xuất theo hợp đồng mua bán.
Chưa tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình do nguyên nhân chủ quan (nông dân sản xuất theo kinh nghiệm), và nguyên nhân khách quan do sâu bệnh phát triển nhiều nhất là bệnh đốm trắng và ruồi đục quả trước thu hoạch 10 ngày. Vì vậy, dư lượng kháng sinh vẫn là vấn nạn trong xuất khẩu thanh long, ảnh hưởng đến quá trình đạt chứng nhận VietGap.
Hoạt động liên kết sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xãchưa phát huy được hiệu quả cao, chưa chủ động được đầu ra cho xã viên nên chưa thu hút người nông dân vào HTX. Việcsản xuất, tiêu thụ thanh long hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa có nhà sơ chế, thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, kho lạnh dự trữ thanh long còn ít và chưa ký được hợp đồng bán sản phẩm ổn định, chủ yếu bán cho các thương lái nhỏ lẻ.
Hiện tại giá bán sản phẩm trồng theo GAP không chênh lệch với sản phẩm sản xuất bình thường. Trong khi quá trình thực hiện qui trình sản xuất theo GAP phức tạp hơn, tốn nhiều công và chi phí cao hơn. Do sản lượng chưa nhiều nên khó tiêu thụ với giá cao cũng như hợp đồng với công ty xuất khẩu. Hiện tại, giấy chứng nhận được các cơ quan nhà nước hỗ trợ về nội dung và kinh phí như Viện cây ăn quả miền Nam và Trung tâm khuyến nông tỉnh.
Việc nhận thức chưa đầy đủ của một số ngành huyện, cấp ủy, UBND xã, thị trấn và cán bộ huyện, xã về sản xuất thanh long ƯDCNC nên công tác phối kết hợp của các ngành, địa phương, hội đoàn thể,.. trong việc thông tin tuyên truyền đến người dân còn hạn chế, từ đó chưa làm chuyển biến mạnh trong nhận thức của nông dân về lợi ích của việc thực hiện sản xuất thanh long ƯDCNC.
Đối với mô hình tưới tiên tiến: người dân còn chậm tiếp cận khoa học kỹ thuật về tưới tiên tiến, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều, chưa thấy rõ lợi ích của giải pháp này trong khi một số hoạt động tuyên truyền (tập huấn, hội thảo,…) nông dân chưa nhiệt tình tham gia, bên cạnh đó chi phí đầu tư của mô hình cao nên người dân còn e ngại tham gia mô hình.
Thực hiện theo quyết định số 10/2018/QĐ-UBND và hướng dẫn liên ngành số
1683/HD-SNN-STC-NHNNLA thì việc mua các vật tư thực hiện mô hình sẽ do tổ hợp tác, HTX, nông dân chủ động lựa chọn sản phẩm, liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư thực hiện, đặc biệt là phải chọn được các doanh nghiệp, đại lý xuất được hóa đơn đỏ. Nhưng đại bộ phận Tổ trưởng tổ hợp tác, Giám đốc HTX đều xuất thân từ nông dân nên chưa quen với việc thực hiện các thủ tục này (mặc dù Trung tâm Khuyến nông nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An cũng đã hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác về việc làm các thủ tục hợp đồng, hóa đơn,…) nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án. Đối với một số mô hình trình diễn như ứng dụng đèn compact đỏ để xử lý thanh long ra hoa trái vụ, mô hình trồng giàn, một số nông dân không tìm được nơi bán vật tư có hóa đơn tài chính nên cũng e ngại không muốn tham gia mô hình.
Lợi nhuận mang lại từ việc trồng thanh long của vụ nghịch cao hơn vụ thuận do điều kiện thời tiết cũng nhu các chi phí sản xuất trong vụ nghịch thuận lợi hơn vụ thuận. Tuy lợi nhuận thanh long có cao nhưng nhìn chung sản phẩm thanh long nói riêng và sản phâm nông nghiệp nói chung đều rơi vào tình trạng “được mùa thì rớt giá”, giá cả bấp bênh, giá bán sản phẩm đầu ra là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hường mạnh đến lợi nhuận sản xuất trong nông nghiệp. Trong khi đó, các chi phí cũng như các yếu tố đầu vào lại tiếp tục tăng. Như vậy, đã làm cho lợi nhuận sản xuất thanh long giảm xuống đáng kể do yếu tố chi phí. Đây cũng là khó khăn chung cho cả hai vụ sản xuất thanh long.
Việc xuất khẩu thanh long còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.