Kiểm soát giá tự do trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người nông dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long trên địa bàn huyện châu thành, tỉnh long an (Trang 94 - 96)

Trong nền kinh tế hiện nay, mối quan hệ giữa cung - cầu, sản xuất - tiêu thụ đang chịu tác động rất lớn từ yếu tố thị trường. Những năm gần đây, tình trạng rớt giá là do thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nếu thương lái và doanh nghiệp Trung Quốc ngưng mua thì nhà vườn "chịu chết". Hiện tượng ngừng mua chủ yếu do thương lái tung ra nhằm ép giá nên giá thanh long tại các nhà vườn giảm mạnh, tại Long An có khi giá thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (trong khi giá trung bình vào khoảng 20.000 – 35.000 đ/kg), thanh long ruột trắng có khi nếu xấu thì không bán được.

Câu chuyện được mùa mất giá đã quá quen thuộc với người nông dân,lúc bán được thì đua nhau nhà nhà người người tăng diện tích để rồi thương lái quay mặt đi thì khóc ròng vì lỗ. Câu chuyện giải cứu nông sản, mua giúp dưa hấu, chuối cho nông dân miền Trung, miền Nam mấy năm qua cho thấy tình cảm đồng bào một nước, giúp nông dân qua cơn khó. Nhưng đó là sự đùm bọc, hỗ trợ lúc tình cảnh ngặt nghèo, không thể giải cứu mãi được mà nông dân phải tự cứu. Mặt khác, nếu không có chiến lược xuất khẩu trái cây mà chỉ trông vào thị trường của Trung Quốc thì nông dân còn có cuộc sống bấp bênh, khó làm giàu căn cơ, bền vững được.

Do đó, hơn bao giờ hết, ngày nay, nông dân phải am hiểu thị trường, liên kết thành các tổ hợp tác, nuôi trồng, nghe theo chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn, khuyến nông để biết chọn thời điểm, mùa vụ sản xuất. Đồng thời, các cơ quan chức năng của địa phương, hiệp hội cùng doanh nghiệp giúp đỡ người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, tư vấn cho người dân làm hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng để không bị tình trạng khủng hoảng thừa tái diễn. Từ đó tiến tới nền sản xuất lớn, chủ động đầu vào đầu ra, không phụ thuộc vào một thị trường, không bị tình trạng ép giá, không tiêu thụ được sản phẩm.

Các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long cần tích cực tìm thị trường bên cạnh việc giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định (Trung Quốc). Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết kịp

thời những rào cản thương mại, kỹ thuật trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, góp phần hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân an tâm sản xuất khi đầu ra được ổn định.

Điều quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước phải dự báo được cung cầu thị trường, định hướng sản xuất và có những cảnh báo cần thiết về nông vụ, thời tiết, dịch bệnh để hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, xây dựng kênh phân phối nhằm hạn chế tình trạng thương lái ép giá. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợngười nông dân về tập huấn kĩ thuật, vốn vay, khuyến cáo trong sản xuất, … Không để tình trạng dân “bơi giữa biển”, rơi vào vòng xoáy chặt trồng, trồng chặt, được mùa mất giá, được giá mất mùa…Đặc biệt khi Việt Nam không còn lợi thế độc quyền về thanh long tại thị trường Trung Quốc khi nước này đã trồng được thanh long với diện tích khoảng 30.000 ha. Thanh long của Trung Quốc có giá thành sản xuất rẻ. Theo dự báo, thanh long Việt Nam sẽ cạnh tranh ngày càng khó hơn tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, chúng ta không "né" được việc trùng mùa thu hoạch với Trung Quốc vì thanh long cho ra quả quanh năm.

Việc kiểm soát về giá cả trên thị trường là rất quan trọng, bởi nếu càng qua nhiều khâu trung gian thì giá thu mua tại nông hộ càng thấp. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cho giá thu mua trong biên độ từ 35.000 – 45.000 đ/kg cho thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu loại 1,2,3 thì qua nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, thương lái sẽ thu mua tại vườn sẽ chỉ dao động từ 20.000 – 30.000 đ/kg. Nhiều thương lái có thể lợi dụng tung thông tin thất thiệt Trung Quốc ngừng mua thanh long với mục đích xấu nhằm ép giá bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa nông sản luôn là khâu yếu nhất, do thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua, phân phối. Trong thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ít tổ chức mạng lưới phân phối chính thống, mà thường dựa vào mạng lưới thu mua của tư thương, dẫn tới việc giá nông sản trồi sụt bấp bênh.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn cũng cần có biện pháp kiểm tra và xác nhận sự hiện diện của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động mua bán thanh long trên địa bàn tỉnh, nhất là thương lái người nước ngoài để tránh tình trạng giá thanh long bị thao túng từng xảy ra ở Bình Thuận, người nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường du lịch, tham quan, dưới hình thức núp bóng doanh nghiệp trong tỉnh, thuê lại nhà xưởng

để tổ chức thu mua thanh long, một số còn thực hiện việc kiểm tra chất lượng trái thanh long để doanh nghiệp thu mua, đóng gói xuất hàng sang Trung Quốc.

Đặc biệt, cần có biện pháp kiểm soát thông tin trên thị trường, bởi khi thông tin sai lệch nhiều khi để lại những hậu quả rất lớn đến hoạt động sản xuất. Chúng ta không khỏi bàng hoàng trước những thông tin như: Lươn (Nghệ An) được nuôi bằng… thuốc tránh thai; nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin Xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng…Thiết nghĩ nếu xảy ra sự việc xuất hiện thông tin trái thanh long muốn đẹp phải sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật độc hại, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng ở thị trường trong nước là trước tiên, sau đó đến các đối tác xuất khẩu quay lưng gây thiệt hại kinh tế rất lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long trên địa bàn huyện châu thành, tỉnh long an (Trang 94 - 96)