9. Cấu trúc luận văn
3.3.3. Đa dạng các hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên
3.3.3.1. Mục đích, ý nghĩa
Ngoài hình thức bồi dưỡng thường xuyên do Sở GD&ĐT Đồng Tháp phối hợp với trường đại học tổ chức nhằm bồi dưỡng trình độ chuẩn và nâng cao trình độ, CBQL các trường THPT cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng GV trong nhà trường, tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng của GV. Việc tự học, tự bồi dưỡng là năng lực của người học, nhân tố quyết định sự phát triển của bản thân người học. Chất lượng giáo dục chỉ đạt đỉnh cao khi người GV biết tự bồi dưỡng và tạo ra năng lực sáng tạo trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.
3.3.3.2. Nội dung, cách thức thực hiện
Các hình thức tổ chức bồi dưỡng ĐNGV cần đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng trên cơ sở đề cao vai trò của cơ sở và ý thức tự học, tự bồi dưỡng của ĐNGV. Đây là biện pháp vừa mang tính thời sự, vừa mang tính mang tính chiến lược phát triển giáo dục. Việc làm này chẳng những giảm bớt các chi phí tốn kém khi mở các lớp bồi dưỡng mà còn là bước đột phá trong tư duy, trong cách thức tổ chức quản lý, chỉ đạo công tác bồi dưỡng và tất nhiên nó rất phù hợp với xu thế của thời đại: “đào tạo liên tục, bồi dưỡng thường xuyên, học tập suốt đời”. Các hình thức tổ chức bồi dưỡng nhằm tăng cường ý thức tự học của GV:
- Tổ chức cho GV nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm. Qua việc nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm, GV được bồi dưỡng nội dung về nghiên cứu khoa học. Trong quá trình nghiên cứu sẽ rèn luyện kỹ năng vận dụng, thu thập, xử lý thông tin và nâng cao được tính độc lập, tự tin, sáng tạo. Các đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành cần được hội đồng nhà trường đánh giá, thẩm định và có thể áp dụng để kiểm nghiệm kết quả. Ngoài hình thức nghiên cứu cá nhân có thể nghiên cứu theo nhóm, tổ chuyên môn.
- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa như tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm, thi GV chủ nhiệm giỏi, thi ứng xử sư phạm, các hoạt động tham quan, du lịch, học tập các trường tiên tiến điển hình, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... là những hoạt động rất bổ ích. Bồi dưỡng cho GV tình cảm với nghề
nghiệp, gần gũi với đồng nghiệp, thêm yêu quí HS, mở mang hiểu biết và luôn có ý thức để hoàn thiện mình về mọi mặt.
- Tăng cường tự làm và sử dụng đồ dùng trực quan. Việc sử dụng đồ dùng trực quan trong quá trình dạy học là phương tiện rất hữu hiệu để GV chuyển tải kiến thức đến HS. Khi GV có ý thức chế tạo và sử dụng đồ dùng trực quan vào giảng dạy sẽ góp phần làm cho giờ học thêm sinh động và phong phú. GV phải nghiên cứu kỹ bài để có thể lựa chọn, sử dụng chính xác đồ dùng nào, sử dụng như thế nào, sử dụng để đạt mục đích gì, yêu cầu gì. Qua việc tăng cường hiệu quả tự làm và sử dụng đồ dùng trực quan, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người GV cũng được nâng lên.
Như vậy, bồi dưỡng cho GV qua các hoạt động chuyên môn là hình thức bồi dưỡng rất đa dạng, phong phú và linh hoạt. Hình thức này cũng rất gần gũi và đem lại hiệu quả cho GV, bởi nó diễn ra hàng ngày ngay tại trường. Quá trình công tác của GV chính là quá trình kết hợp lý luận và thực tiễn để tích lũy những kinh nghiệm.
- Tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng của GV. Việc tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu phải hướng vào các mục tiêu cụ thể: tự học để bổ sung những kiến thức cơ bản còn thiếu, hoàn thiện và nâng cao tri thức đã có; tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, giác ngộ chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, hiểu biết sâu rộng về đời sống, văn hóa - xã hội; tự nghiên cứu để rèn luyện tư duy, nâng cao trình độ nhận thức.
Trước hết, hướng dẫn GV kỹ năng phân tích các hoạt động giảng dạy, giáo dục và các điều kiện cụ thể của bản thân, tìm ra những căn cứ xác thực cho việc lựa chọn các vấn đề để xây dựng các kế hoạch tự bồi dưỡng. GV phải thấy rõ những vấn đề đặt ra cần giải quyết, đây cũng là năng lực giải quyết vấn đề. Quá trình tự bồi dưỡng chỉ thực sự có chất lượng khi nào chính GV là người tìm ra vấn đề, có sự giúp đỡ từ tập thể và bản thân GV tiếp thu một cách tự nguyện.
Ngoài ra, cần phải cung cấp cho GV cách thức xây dựng qui trình giải quyết vấn đề, hướng dẫn cách thu thập thông tin và xử lý dữ liệu, kỹ năng đọc tài liệu…; tổ chức các hoạt động báo cáo và thảo luận góp ý của tập thể vào kế hoạch tự bồi
dưỡng của GV; tổ chức các hoạt động báo cáo kết quả tự học, tự bồi dưỡng. Bởi vì, tự học, tự bồi dưỡng là quá trình sáng tạo. Tự học, tự bồi dưỡng không chỉ là hoạt động độc lập mà cần đặt trong hoạt động giao lưu với tập thể sư phạm, vì trong quá trình nghiên cứu, GV có điều kiện để sửa chữa, điều chỉnh. Sau khi nghiên cứu GV có thể trình bày báo cáo nhận thức về những yêu cầu nhiệm vụ mới đối với nhà giáo; về đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn; về phương án giải quyết một bài dạy khó; về kinh nghiệm giáo dục học sinh hoặc trình bày kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học hiện đại.
Phương thức tổ chức bồi dưỡng GV trực tuyến, qua tài khoản trường học kết nối, học tập qua mạng internet, ... tạo điều kiện để giáo viên rèn luyện kĩ năng công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác.
Để đảm bảo tốt các nội dung trên CBQL nhà trường cần thực hiện các công việc sau:
- Có kế hoạch để bồi dưỡng GV trong từng năm học ở phạm vi nhà trường. Việc bồi dưỡng GV tại trường phải thực hiện theo chủ đề và từng giai đoạn trong năm học. Vào đầu năm học, thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, CBQL phân tích nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giáo dục,… .Giữa năm học, có thể bồi dưỡng GV thông qua hội thảo chuyên đề. Một số chuyên đề có thể mời chuyên gia báo cáo, trao đổi như: chuyên đề cải tiến phương pháp dạy học, chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, chuyên đề về làm và sử dụng đồ dùng dạy học, chuyên đề giáo dục học sinh cá biệt hoặc mời các ngành chức năng báo cáo các chuyên đề về an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường,…
- Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn căn cứ nội dung bồi dưỡng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp. Có thể chia các nội dung học tập thành những phần nhỏ, mỗi GV được phân công nghiên cứu một nội dung và trình bày trước nhóm, các GV tham dự góp ý kiến bổ sung.
- Tăng cường dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm giờ dạy. Đây là biện pháp đem lại hiệu quả tương đối tốt. Vì qua dự giờ, thăm lớp, GV được đánh giá, rút kinh
nghiệm giờ dạy của mình từ khâu chuẩn bị, bắt đầu bài giảng, tiến trình bài giảng và kết thúc. Việc dự giờ, thăm lớp thường xuyên sẽ tạo cho giáo viên thói quen chuẩn bị bài kỹ trước khi lên lớp. Qua xếp loại các giờ dạy, GV sẽ tự đánh giá được năng lục của mình để từ đó có hướng phấn đấu.
- Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi – soạn giảng ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm. Biện pháp này tăng thêm hiệu quả của các bài soạn và các tiết dự giờ, thăm lớp. Qua đó sẽ lựa chọn được những GV có đầu tư tốt cho giờ dạy, có năng lực chuyên môn tốt để làm lực lượng nòng cốt cho hoạt động chuyên môn, họ có ý thức tốt, có chuyên môn vững vàng, luôn cố gắng trau dồi bản thân để có thể mang lại hiệu quả cao trong công tác. Mặt khác, đây là lực lượng có ảnh hưởng rất lớn tới tập thể GV.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá trình độ chuyên môn của GV. Hiệu trưởng tổ chức quán triệt một cách chắc chắn nội dung của các tài liệu về quy chế chuyên môn do Sở GD&ĐT ban hành và các văn bản hướng dẫn về thực hiện công tác chuyên môn. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng hoạt động, từng yêu cầu phù hợp đối với GV, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của người kiểm tra và người được kiểm tra.
3.3.3.3. Điều kiện thực hiện biện pháp
- Giáo viên cần có tinh thần tự học, tự nghiên cứu, trao đổi cùng đồng nghiệp. - Cần có sự trang bị cơ sở vật chất, các phương tiện đáp ứng hoạt động bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV phải phù hợp thực tế của mỗi đơn vị.