Đào tạo và bồi dưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 32 - 34)

9. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Đào tạo và bồi dưỡng

1.2.2.1. Đào tạo

Đào tạo là một quá trình tác động đến con người, làm cho con người đó lĩnh hội và nắm vững tri thức – kỹ năng – kỹ xảo một cách có hệ thống nhằm chuẩn bị thích nghi với cuộc sống và có khả năng nhận được sự phân công nhất định, góp phần của mình vào sự phát triển của xã hội, duy trì và phát triển nền văn minh của loài người [11].

Đào tạo còn có thể hiểu là hình thức tác động, hình thành và trang bị cho người học sau khi hoàn thành việc học có một trình độ mới cao hơn trình độ cũ đã có trước đó, người học sau khi được đào tạo sẽ được nâng từ trình độ thấp hơn lên trình độ cao hơn và được chứng nhận bằng một văn bằng tương ứng.

1.2.2.2. Bồi dưỡng

Bồi dưỡng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: bồi dưỡng là làm tăng thêm về năng lực phẩm chất; bồi dưỡng là làm cho tốt hơn, giỏi hơn; bồi dưỡng là rèn luyện thêm cho những người vốn có khả năng trở thành những người giỏi hơn.

Bồi dưỡng theo nghĩa rộng là quá trình đào tạo nhằm hình thành nhân cách và những phẩm chất riêng biệt của nhân cách theo định hướng mục đích đã chọn. Theo nghĩa hẹp là trang bị kiến thức, kĩ năng nhằm mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: bồi dưỡng kiến thức lý luận, bồi dưỡng năng lực sư phạm [23].

Công tác bồi dưỡng được thực hiện trên nền tảng các loại trình độ đã được đào tạo cơ bản từ trước. Hoạt động bồi dưỡng là việc làm thường xuyên, liên tục cho mỗi GV, cấp học, ngành học, không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ để thích ứng với đòi hỏi của nền kinh tế xã hội. Nội dung bồi dưỡng được triển khai ở các mức độ khác nhau, phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Bồi dưỡng với ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp [18].

Như vậy, bồi dưỡng là quá trình cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng, thái độ để nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của người lao động về một lĩnh vực hoạt động mà người lao động đã có một trình độ năng lực chuyên môn nhất định qua một hình thức đào tạo nào đó. Bồi dưỡng có ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp, quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hay kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng các yêu cầu của lao động nghề nghiệp. Thực chất của quá trình bồi dưỡng là để bổ sung, cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu hoặc lạc hậu nhằm nâng cao trình độ, phát triển thêm năng lực

trong một lĩnh vực hoạt động chuyên môn, đồng thời nhằm mở mang hoặc nâng cao hệ thống tri thức – kỹ năng – kỹ xảo, chuyên môn đã có sẵn, giúp cho công việc đang làm đạt được hiệu quả tốt hơn.

Bồi dưỡng GV được coi là quá trình giáo dục nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm giáo dục tiên tiến, từ đó hoàn thiện năng lực của giáo viên. Theo tác giả Bùi Hiển và nhóm cộng tác, khái niệm bồi dưỡng GV được nhấn mạnh thêm về tính kế hoạch nhằm thỏa mãn nhu cầu nghề nghiệp của hoạt động bồi dưỡng, với các phương thức chủ yếu hiện nay ở Việt Nam là hình thức tập trung và thường xuyên.

Như vậy, bồi dưỡng GV là chỉ việc học tập nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị cho GV đang dạy học hay là sự tiếp tục phát huy năng lực tự học, tự đào tạo đã được tạo ra ở quá trình đào tạo ban đầu theo nhiều hình thức, bồi dưỡng GV là việc bổ sung những kiến thức còn thiếu hoặc đã bị lạc hậu, cập nhật thêm những kiến thức mới về các lĩnh vực khoa học giáo dục nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho GV để có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu mới ngày càng cao của sự phát triển giáo dục.

1.2.2.3. Mối quan hệ giữa đào tạo và bồi dưỡng

Đào tạo thường có thời gian dài hơn bồi dưỡng. Khái niệm đào tạo và bồi dưỡng chỉ là tương đối. Đào tạo được xem như là một quá trình làm cho người ta “trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định”, còn bồi dưỡng được xác định là quá trình làm cho người ta “tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 32 - 34)