Yêu cầu và mục tiêu bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 36 - 38)

9. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Yêu cầu và mục tiêu bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông

Bồi dưỡng đội ngũ GV là để nâng cao, hoàn thiện trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ hoặc ngoại ngữ, tin học nhằm nâng cao nhận thức, trang bị, bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Bất cứ loại hình bồi dưỡng nào cũng không ngoài mục tiêu là nâng cao trình độ cho ĐNGV, nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng GD, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tùy theo từng đối tượng, từng yêu cầu mà công tác bồi dưỡng đề ra những mục tiêu phù hợp.

Hiện nay, công tác bồi dưỡng ĐNGV THPT nhằm đạt các mục tiêu: bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ; bồi dưỡng nâng cao trình độ trên chuẩn; bồi dưỡng thường xuyên; bồi dưỡng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học đáp ứng tiêu chuẩn ngạch GV.

Việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển nhà trường. Bởi vì chất lượng giáo dục của nhà trường phần lớn do ĐNGV quyết định.

Nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm phát triển giáo dục nước nhà là tăng cường xây dựng ĐNGV và CBQL giáo dục một cách toàn diện theo hướng chuẩn hóa. Chất lượng ĐNGV trong nhà trường được thể hiện: đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về trình độ đào tạo và có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Mục tiêu của việc bồi dưỡng ĐNGV THPT nhằm phát triển phẩm chất, đạo đức, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho GV; phát triển khả năng tự học, tự bồi dưỡng của GV. Việc bồi dưỡng GV nhằm hướng tới đạt các chuẩn:

- Về trình độ: bồi dưỡng chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học để đáp ứng việc giảng dạy và tiêu chuẩn chất lượng theo chức danh nghề nghiệp GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.

- Về kỹ năng nghiệp vụ sư phạm: bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV mới; nâng cao kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học, xử lý các tình huống sư phạm góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra còn chú trọng bồi dưỡng khả năng nghiên cứu khoa học trong ĐNGV.

Theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở giáo dục phổ thông. Mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GV là "làm căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện

phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" của chính mình, đồng thời "làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục" [7, Điều 2].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 36 - 38)