Yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 50 - 52)

9. Cấu trúc luận văn

1.5.1. Yếu tố khách quan

Thứ nhất, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo sứ mệnh to lớn là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vấn đề mà nhiều quốc gia đều nhận thấy và đặt ra đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại mới.

Có thể nói, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự bùng nổ tri thức. Hệ quả là làm cho sản xuất và mọi lĩnh vực đời sống văn hóa, giáo dục sẽ phải đổi mới nhanh chóng về nhận thức cũng như lối sống của cộng đồng. Để tránh khỏi lạc hậu, thích ứng kịp thời với sự thay đổi từng ngày, từng giờ của sản xuất cũng như đời sống, cá nhân và cộng đồng, không thể không trang bị những kiến thức, kỹ năng mới, điều chỉnh ứng xử phù hợp với những cái mới đang liên tục xuất hiện.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật cũng đặt ra những yêu cầu cần phải đổi mới của hệ thống giáo dục, trong đó có ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý giáo dục và giảng dạy.

Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo, ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn

2008-2013 đã chỉ rõ: “Phát triển nguồn nhận lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa quyết định sự phát triển CNTT của đất nước” [4, tr 1].

Thực tế cho thấy những năm gần đây, CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Vì vậy, người CBQL một mặt phải chú ý trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới; mặt khác phải trang bị cho bản thân và GV kiến thức tin học để khai thác và xử lý thông tin cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và phụ thuộc lẫn nhau giữa nhiều quốc gia. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống, giáo dục ở Việt Nam cần có sự thay đổi để thích ứng với những biến đổi của toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa yêu cầu nền giáo dục tri thức cao đòi hỏi sự sáng tạo ra tri thức, sử dụng kiến thức khoa học, công nghệ vào sản xuất. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần đổi mới về tư duy, hướng cộng đồng về một xã hội học tập với nền kinh tế tri thức.

Thứ ba, vai trò, vị trí người giáo viên cũng có những thay đổi căn bản và ngày càng quan trọng. Người giáo viên không chỉ thuần túy truyền đạt kiến thức mà còn giúp cho học viên có cách thức tiếp cận các kiến thức rộng lớn bên ngoài nhà trường. Giáo viên và người học cần có sự trao đổi, hợp tác, khám phá và sáng tạo. Giáo viên không chỉ thường xuyên kiểm tra, đánh giá về phương pháp học tập mà còn động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của học viên trong quá trình dạy học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức

hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy và học.

Vì thế, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đầu tư cho giáo dục con người mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được việc khai thác sử dụng các nguồn lực khác. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy đầu tư vào giáo dục cho phát triển nguồn lực con người mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hơn. Mặt khác, hiệu quả đầu tư cho phát triển con người có độ lan tỏa đồng đều, mang lại sự công bằng hơn về cơ hội phát triển cũng như việc hưởng thụ các lợi ích của sự phát triển. Vì vậy, việc đầu tư cho giáo dục con người và phát triển con người là điều hết sức cần thiết và không nên chờ đợi

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là lực lượng đóng vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật và toàn cầu hóa. Do đó, đội ngũ CBQL, GV phải được đào tạo, bồi dưỡng và không ngừng học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội và vượt qua những thách thức, khó khăn, để có thể đáp ứng được những yêu cầu trong giai đoạn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)