Quản lý và quản lý nhà trường, quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 26 - 32)

9. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Quản lý và quản lý nhà trường, quản lý giáo dục

1.2.1.1. Quản lý

Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng, quản lý là tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, cơ quan.

F.W Taylor cho rằng: quản lý là biết chính xác điều muốn người khác làm và sau đó thấy rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất.

H. Koontz thì khẳng định: Quản lý là một hoạt động thiết yếu nó đảm bảo phối hợp những nỗ lực hoạt động cá nhân nhằm đạt được các mục đích của nhóm hay tổ chức.

Mục tiêu của quản lý là hình thành một môi trường mà trong đó con người có thể đạt được các mục đích của nhóm với thời gian, tiền bạc, vật chất, và sự bất mãn cá nhân ít nhất. Quản lý là một trong những loại hình lao động quan trọng nhất trong các hoạt động của con người. Quản lý đúng tức là con người đã nhận thức

Trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển điều phải dựa vào sự nỗ lực của cá nhân của một tổ chức, từ một nhóm nhỏ đến phạm vi lớn hơn ở tầm quốc gia, quốc tế và điều phải thừa nhận và chịu một sự quản lý nào đó. C. Mác đã viết: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy môtương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng”.[24]

Ngày nay thuật ngữ quản lý đã trở nên phổ biến, nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất. Có người cho quản lý là hoạt động nhằm đảm bảo sự hoàn thành công việc thông qua sự nỗ lực của người khác. Cũng có người cho quản lý là một hoạt động thiết yếu nhằm đảm bảo phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được mục đích của nhóm. Tuy nhiên theo nghĩa rộng, quản lý là hoạt động có mục đích của con người, cho đến nay nhiều người cho rằng: quản lý chính là các hoạt động do một hoặc nhiều người điều phối hành động của những người khác nhằm thu được kết quả mong muốn. Từ những ý chung của các định nghĩa và xét quản lý với tư cách là một hành động, có thểđịnh nghĩa: Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quảnlý nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Trong định nghĩa trên cần lưu ý một số điểm sau: Quản lý bao giờ cũng là một tác động hướng đích, có mục tiêu xác định; quản lý thể hiện mối quan hệ giữa hai bộ phận chủ thể quản lý và đối tượng quản lý, đây là quan hệ ra lệnh - phục tùng, không đồng cấp và có tính bắt buộc; quản lý bao giờ cũng là quản lý con người; quản lý là sự tác động, mang tính chủ quan nhưng phải phù hợp với quy luật khách quan; quản lý xét về mặt công nghệ là sự vận động của thông tin; quản lý có khả năng thích nghi giữa chủ thể với đối tượng quản lý và ngược lại.

Tác giả Harold Koontz, Cyril-Odonnel, Heinz Weihriech: “Quản lý là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã định [29, tr17].

Tác giả Trần Kiểm cho rằng: “Quản lý là những tác động có định hướng, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý trong tổ chức để vận hành tổ chức, nhằm đạt mục đích nhất định” [27, tr7].

Các khái niệm về quản lý của các tác giả trong và ngoài nước tuy khác nhau, song chúng ta có thể thống nhất khái niệm quản lý như sau: Quản lý là hệ thống những tác động hợp quy luật của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức.

Chức năng quản lý

Qua tìm hiểu hoạt động quản lý chúng ta có nhiều hướng tiếp cận như tiếp cận theo mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, phương pháp, quá trình quản lý...nhưng để các nhà quản lý thực hiện các hoạt động cụ thể, logic khoa học thì cách tiếp cận quản lý theo chức năng giữ vai trò quan trọng.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm khác nhau về phân loại chức năng quản lý, nhưng theo quan điểm quản lý hiện đại thì nền tảng của vấn đề là bốn chức năng cơ bản: kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.

- Chức năng kế hoạch: là chức năng hoạch định; dự báo, xác định các mục tiêu phát triển và quyết định những biện pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu.

- Chức năng tổ chức: đây là quá trình phân phối và sắp xếp nguồn nhân lực theo những cách thức nhất định để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

- Chức năng chỉ đạo: là quá trình tác động ảnh hưởng tới hành vi, thái độ của những người khác nhằm đạt tới mục tiêu với chất lượng cao.

- Chức năng kiểm tra: là quá trình đánh giá và điều chỉnh nhằm đảm bảo cho các hoạt động đạt tới các mục tiêu của tổ chức.

Bốn chức năng này được xem là bốn công đoạn lập thành một chu trình quản lý. Các chức năng này có quan hệ biện chứng với nhau, đan xen nhau. Nhà quản lý phải thực hiện trình tự từng chức năng, chức năng này là tiền đề của chức năng kia. Yếu tố kết nối các chức năng quản lý là thông tin quản lý và quyết định quản lý được thể hiện trong sơ đồ sau đây:

Hình 1.1. Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa các chức năng quản lý

Điều kiện tạo ra quản lý là phải có ít nhất một chủ thể quản lý là các tác nhân tạo ra các tác động và ít nhất có một đối tượng bị quản lý tiếp nhận trực tiếp các tác động của chủ thể quản lý tạo ra. Ngoài ra, môi trường quản lý còn có nhiều khách thể khác chịu các tác động khác của chủ thể quản lý. Tác động quản lý có thể là một hoạt động đơn giản, trong một thời gian ngắn mà cũng có thể là liên tục nhiều hoạt động phức tạp trong thời gian dài; phải có mục tiêu một quỹ đạo hoạt động đặt ra cho cả đối tượng và chủ thể. Mục tiêu này là căn cứ để chủ thể tạo ra các tác động; phải thực hành tác động một cách phù hợp với những đặc điểm, điều kiện và hoàn cảnh của khách thể quản lý.

1.2.1.2. Quản lý nhà trường

Quản lý nhà trường là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp qui luật của chủ thể quản lý nhà trường đến đối tượng quản lý, làm cho nhà trường vận hành theo đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, thực hiện mục tiêu kế hoạch đào tào của nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu chung của giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kế hoạch hóa Tổ chức Chỉ đạo Kiểm tra Thông tin, Quyết định

Theo tác giả Đặng Quốc Bảo “Trường học là một thiết chế xã hội trong đó diễn ra quá trình đào tạo giáo dục với sự hoạt động tương tác của hai nhân tố thầy – trò. Trường học là một bộ phận của cộng đồng và trong nguồn máy của hệ thống giáo dục quốc dân, nó là đơn vị cơ sở.” [14]

Tác giả Phạm Minh Hạc thì cho rằng: “quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và từng học sinh” [21]

Quản lý nhà trường bao gồm hai loại tác động quản lý:

Quản lý nhà trường là những tác động quản lý của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho hoạt động giảng dạy-giáo dục và học tập của nhà trường. Quản lý nhà trường cũng bao gồm những chỉ dẫn, quyết định của các thực thể bên ngoài nhà trường nhưng có liên quan trực tiếp tới nhà trường như cộng đồng được đại diện dưới hình thức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm định hướng sự phát triển của nhà trường, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thực hiện phương hướng phát triển đó.

Quản lý nhà trường là những tác động do chủ thể quản lý bên trong nhà trường thực hiện, bao gồm các tác động để: quản lý giáo viên, quản lý học sinh, quản lý quá trình dạy học và giáo dục, quản lý cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học, quản lý tài chính trường học, quản lý lớp học như nhiệm vụ của giáo viên, quản lý quan hệ giữa nhà trường và cộng đồng.

Như vậy, quản lý nhà trường còn được coi là: Tập hợp những tác động tối ưu (cộng tác, tham gia, hỗ trợ, phối hợp, huy động, can thiệp) của chủ thể quản lý tới tập thể giáo viên, học sinh và cán bộ viên chức khác trong nhà trường. Hướng vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhàtrường mà trọng tâm là hoạt động dạyhọc và giáo dục. Thực hiện có chất lượng mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới.

Chủ thể, khách thể và đối tượng trong quản lý nhà trường:

Khách thể của quản lý nhà trường là trạng thái hoạt động của nhà trường, là mức độ ổn định và sự thực hiện Điều lệ nhà trường, mục tiêu và kế hoạch đào tạo của nhà trường.

Đối tượng của quản lý nhà trường là đội ngũ giáo viên, học sinh, cán bộ và nhân viên nhà trường với những hoạt động giảng dạy, giáo dục của giáo viên, hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh và các hoạt động khác, cùng các phương tiện và điều kiện để thực hiện các hoạt động đó.

Mục đích của công tác quản lý trường học:

Bảo đảm kế hoạch phát triển giáo dục: tuyển chọn học sinh vào lớp đầu cấp đúng theo số lượng và chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, duy trì số lượng học sinh đang học và hạn chế đến mức thấp nhất học sinh lưu ban, bỏ học.

Bảo đảm chất lượng và hiệu quả giảng dạy, giáo dục: tiến hành các hoạt động giáo dục theo đúng chương trình và đảm bảo yêu cầu đối với môn học và các hoạt động giáo dục.

Xây dựng đội ngũ GV của trường có đủ phẩm chất, năng lực, đồng bộ về cơ cấu, có đủ loại hình để đảm bảo giảng dạy giáo dục học sinh đạt chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thích hợp, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ thiết thực cho giảng dạy và giáo dục.

Xây dựng và hoàn thiện môi trường giáo dục trong nhà trường, thống nhất giáo dục với địa phương, cộng đồng,…

Thường xuyên cải tiến công tác quản lý, lãnh đạo trường học theo tinh thần dân chủ hóa nhà trường, tạo hoạt động đồng bộ, có trọng điểm, có hiệu quả các hoạt động dạy học và giáo dục.

1.2.1.3. Quản lý giáo dục

Quản lý giáo dục là một bộ phận của quản lý xã hội. Hiện nay, các nhà nghiên cứu lý luận giáo dục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về QLGD:

- Theo tác giả Đặng Quốc Bảo “ QLGD theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội” [15, tr17].

- Tác giả Trần Kiểm cho rằng:

+ Đối với cấp vĩ mô: “QLGD được hiểu là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ cấp cao nhất đến các cơ sở giáo dục là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển Giáo dục và Đào tạo thế hệ trẻ mà xã hội đặt ra cho ngành Giáo dục” [28, tr 36-37].

+ Đối với cấp vi mô: “ QLGD thực chất là những tác động của chủ thể quản lý vào quá trình giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo mục tiêu đào tạo của nhà trường” [28,tr 38-39].

Tóm lại, có nhiều khái niệm về QLGD, song có thể khái quát: QLGD là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm tổ chức, điều khiển hoạt động của khách thể quản lý thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra. QLGD từ cấp vi mô đến tầng vĩ mô đều hướng tới việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (đầu vào) dành cho giáo dục để đạt được những kết quả (đầu ra) có chất lượng cao.

Quá trình QLGD là một quá trình diễn ra những tác động quản lý, quá trình này diễn ra khi có chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. QLGD nằm trong phạm trù quản lý xã hội, nó có các đặc trưng sau: QLGD là loại hình quản lý nhà nước, QLGD thực chất là quản lý con người, QLGD vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông ở thành phố cao lãnh, tỉnh đồng tháp (Trang 26 - 32)