- “Chị biết đó, em đã nghĩ nhiều về mối liên hệ giữa hai chị em mình Em cần phải xét xem vì sao em thấy khó nhọc quá mỗi khi phải tự quyết định và gánh vác chuyện gì.
CÒN HƠN TỰ GIÚP MÌNH
Khẳng định “bản ngã” hay “trở nên chính mình”, công việc đó sau cùng chính chúng ta phải tự làm, không ai có thể làm thay chúng ta – dù họ có cố thử hay dù chúng ta có nhờ cậy. Cuối cùng, chính tôi phải xác định mình nghĩ gì, cảm thấy gì và tin tưởng gì. Tuy nhiên, việc làm đầy thách thức và đơn độc này lại không thể hoàn tất trong sự tự cô lập. Chúng ta chỉ có thể hoàn tất được nó khi quan hệ với tha nhân và biết nhờ những mối liên hệ đó mà hiểu thêm về mình.
Nhưng khi nói: “Đây là công việc mà mỗi chúng ta phải tự làm!”, hãy coi chừng là bạn sẽ nản chí và thất vọng nếu ngây thơ tin rằng phần lớn những đổi thay sẽ có thể thực hiện được dễ dàng, nhanh chóng, hay nghĩ rằng cuốn sách này có thể giúp mình sống hạnh phúc mãi về sau nếu mình kỹ lưỡng làm theo những lời khuyên. Điều tôi hy vọng chỉ là mang lại cho độc giả một cái nhìn mới về cơn giận. Chỉ cần áp dụng một hay hai bài học trong sách này, bạn đã có thể đem lại một đổi thay đáng kể trong đời sống của bạn. Nhưng cả tôi lẫn bạn đều cần hiểu rằng sự đổi thay lâu dài sẽ không xảy ra suôn sẻ theo các bước định sẵn. Đa số các phụ nữ được kể lại trong sách này đều đã được hỗ trợ bởi một quá trình trị liệu tâm lý dài hạn.
Điều thứ hai bạn phải coi chừng: “mỗi người phải tự làm” không có nghĩa là hãy tự cô lập mình với các bạn nữ khác. Tôi đã từng nhấn mạnh trong cuốn sách này tầm quan trọng của việc học hỏi kinh nghiệm nơi người thân và chia sẻ với họ những kinh nghiệm của mình. Bây giờ xin được nói thêm một điều mà tôi tin là có tầm quan trọng chủ yếu: chúng ta phải liên kết với toàn thể gia đình nữ giới, chia sẻ những gì đang thực sự xảy ra với chúng ta và học hỏi những kinh nghiệm của người khác. Chính nhờ quá trình liên đới và chia sẻ những gì giống và khác nhau giữa các phụ nữ chúng ta, chúng ta mới có thể vượt qua được những huyền thoại mà tập tục văn hóa đã sản sinh ra, chi phối các gia đình va áp đặt vào bản ngã ta. Trước đợt sóng thứ hai của phong
trào tranh đấu cho nữ quyền, nhiều phụ nữ trong chúng ta vẫn đang âm thầm phiền muộn trong giận dữ và bất mãn, cứ phải bận tâm duy nhất vào câu hỏi: “Tôi có sai lầm điều gì không?”. Tuy nhiên, cùng với những phụ nữ khác, chúng ta có thể thôi tự trách mình và bắt đầu nghi vấn về những vai trò, những qui định cũ từng áp đặt lên chúng ta.
Sau hết, khi đinh ninh rằng “phải tự làm”, chúng ta dễ có nguy cơ chỉ hạn hẹp tập trung suy nghĩ vào những vấn đề riêng của mình mà không để ý tới những điều kiện xã hội đã sản sinh và duy trì chúng. Cuốn sách này nói nhiều về những cơn giận riêng tư và sự đổi thay cá nhân, nhưng kinh nghiệm của phong trào đấu tranh cho nữ quyền đã chỉ ra rằng chính những cái ta tưởng là riêng tư đó lại mang tầm vóc của cả cộng đồng. Có nghĩa là: vị trí của mỗi chúng ta trong những mối liên hệ mật thiết, riêng tư lại rất có liên quan đến vị thế của chúng ta trong mọi lãnh vực xã hội và văn hóa, rất có liên quan đến mức độ nữ giới chúng ta được đại diện, được có thẩm quyền, được nêu lập trường trong những vấn đề của xã hội. Sự sa lầy của mỗi chúng ta trong những mối liên hệ thân thiết cũng mang tầm vóc vị thế sa lầy chung của nữ giới trong xã hội. Do vậy, thực là chưa đủ nếu mỗi phụ nữ trong chúng ta chỉ biết học thay đổi cung cách hành xử trong những mối liên hệ riêng tư của mình. Nếu chúng ta không đồng thời thách thức và làm thay đổi những cơ chế xã hội vốn giam giữ nữ giới trong thế bị lệ thuộc và phải tự từ bỏ bản ngã ở bên ngoài gia đình, thì những gì xảy ra bên trong
gia đình sẽ cứ mãi tiếp tục là vấn đề cho tất cả chúng ta.
Tôi tin rằng phụ nữ ngày nay không thiếu những người đi tiên phong trong quá trình thay đổi cá nhân và xã hội. Và chính phái nữ chúng ta phải đi tiên phong! Khi sử dụng cơn giận để tạo ra những mô hình cư xử mềm dẻo và linh động hơn, chúng ta không có sẵn những khuôn mẫu để theo. Dù vấn đề phải đối phó là đấu tranh với chồng hay là cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử của thế giới, cả phái nam lẫn phái nữ đều có truyền thống lâu đời là trách móc đối phương hơn là tìm hiểu các mô hình cư xử. Điều thách thức chúng ta, chính là biết thận trọng lắng nghe những cơn giận của mình và biết sử dụng chúng để thực hiện những đổi thay – đồng thời cũng biết gìn giữ tất cả những gì là giá trị truyền thống của nữ giới mà chúng ta thừa kế. Nếu làm được vậy, chúng ta sẽ là những nhà tiền phong tuyệt vời.