CÂU CHUYỆN CHIẾC CHẢO CHIÊN:

Một phần của tài liệu Vũ khúc cơn giận ppsx (Trang 72 - 74)

e rằng nếu dám đưa ra những suy nghĩ khác biệt thì người kia có thể sẽ khó chịu và rời bỏ chúng ta, để chúng ta đứng cô đơn một mình.

CÂU CHUYỆN CHIẾC CHẢO CHIÊN:

Cách đây mấy năm, tôi đưa chị tôi đến một cửa hàng lớn và định mua tặng chị một cái chảo chiên đồ ăn không bị dính. Không đắn đo suy tính nhiều, tôi nhấc đại một chiếc trông cũng tốt mã, và tiến về phía quầy trả tiền. Chưa kịp bước được hai bước, bà chị đã cho hay là tôi chọn lầm chiếc chảo không tốt rồi! Không những giọng nói của chị tôi phản ánh một niềm tự tin chắc nịch, mà chị còn nêu ra thêm một lô những nhận xét kỹ thuật rất chi tiết về các loại nồi chảo, chỉ để cho thấy tôi đã chọn lựa sai- những chuyện này thì tôi vừa rất kém lại vừa ít quan tâm. Phản ứng đầu tiên của tôi, là một

lần nữa phải ngạc nhiên về bộ não bách khoa của chị. Nhưng trong lúc chị tiếp tục giảng giải thì tôi chợt nổi sùng. Ai hỏi ý kiến chị? Sao chị lại có thái độ như thể chuyện gì cũng rành rẽ như thế ? Thốt nhiên, tôi muốn gõ chiếc chảo đang cầm tay lên đầu chị một cú, nhưng tôi lại ngưng được. Rồi tôi hầm hầm quầy và quạu quọ trả tiền. Quả nhiên, cái chảo tôi mang về đó vừa kém chất lượng vừa mau hư, đúng hệt như chị tôi báo trước.

Khi thuật lại chuyện này với chị bạn Marianne Ault – Riché, người cùng điều khiển văn phòng nghiên cứu cơn giận với tôi, tôi vẫn còn mê muội chủ quan. Vì sao tôi nổi giận? Câu trả lời tưởng như đơn giản: Tại chị tôi quá khó tính! Tại cung cách của chị khác nào đã chê bai tôi, và tự cao tự đại rằng mình sành sõi về mọi thứ! Tôi cứ kết án chị tôi như thế mà không có một lời nào xét tới bản thân mình.

Marianne lắng nghe rồi trả lời nhẹ nhàng: “Tôi khoái được đi mua hàng với bà chị bạn! Tôi sẽ có dịp ngạc nhiên đến ngẩn người ra, bởi sao mà có lắm loại dụng cụ nấu ăn không dính đến thế! Chị của bạn quả là một tay sành sõi và biết nhiều!”.

Marianne đã nói đúng. Nếu hôm đó Marianne là tôi, chắc chị có thái độ tích cực đồng tình khác hẳn tôi. Thực vậy, cũng những điều tôi chỉ trích chị tôi, lại là những điều làm chị tôi được nhiều người mến phục, trong đó có cả ba má tôi. Đến lúc đó tôi mới nhận ra là có thể hiểu được mình hơn qua cơn giận của mình đối với người khác như thế nào – chính sự chỉ trích, trách móc người khác đã ngăn cản tôi hiểu được phản ứng nóng nảy của mình.

Tại sao sự góp ý và sự thông thạo của chị tôi lại làm tôi khó chịu? Vấn đề đối với tôi là gì? Liên hệ giữa chúng tôi đang kẹt trong mô hình cư xử nào? Và tôi giữ vai trò gì trong mô hình ấy? Chỉ sau khi đã ngẫm nghĩ những câu hỏi đó, tôi mới có khả năng nói với chị tôi những gì đã làm tôi bực mình, mà không phê bình cá tính và lối cư xử của chị.

Trước hết, tôi sử dụng cơn giận như một dụng cụ để hiểu mình muốn gì, và sau đó, xác định ranh giới nào tôi cần giữ để trở nên độc lập đối với chị tôi. Giống như Maggie đã nói với mẹ nàng, tôi yêu cầu chị tôi là từ nay chỉ khi tôi hỏi thì mới hãy cho ý kiến. Phản ứng của chị tôi cũng dễ hiểu: chị khó thông cảm vì sao tôi lại muốn khước từ những lời khuyên có lợi và lành mạnh, chính chị cũng hoan nghênh nếu có ai đó cho chị lời khuyên tốt dù chị không yêu cầu. Để giải thích với chị, tôi kể lại những kinh nghiệm làm phận em gái của mình:

- “Chị biết đấy, suốt đời em coi chị như một ngôi sao sáng. Em luôn luôn ngước nhìn chị như một người có thể trả lời mọi câu hỏi. Em cứ nghĩ chị là người biết hết mọi điều và làm được mọi chuyện. Và em cảm thấy em thực thấp so với chị, vì chẳng có thể giúp gì ngược lại cho chị. Thực ra, càng thấy khớp trước sự sáng chói của chị, em

càng phản ứng lại bằng cách cố tình non kém đi…Chị vẫn là người rất quan trọng đối với em. Điều em muốn làm, chỉ là gắng điều chỉnh lại thế quân bình trong mối tương quan giữa hai chị em mình, và em làm điều ấy cho chính em. Em nghĩ điều có thể giúp em là: được tạm tránh những lời khuyên và giúp đỡ của chị một thời gian. Điều đó có vẻ kỳ quặc và vô ơn, vì chị bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng dù sao, đó vẫn là cách tốt nhất cho em vào lúc này”.

Tôi đã nói những lời trên bằng một cung cách hoàn toàn lãnh trách nhiệm phần mình, và ngỏ ý xin chị tôi hãy tự thay đổi một chút – ngưng cho lời khuyên – để giúp tôi. Khi chia sẻ tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của mình với chị (kể cả sự ghen tị của tôi khi cả gia đình xem chị như một vì sao sáng), tôi đã làm được một bước tiến quan trọng để phá vỡ một trong những mô hình cư xử cũ của chúng tôi – trong đó chị tôi là người giúp đỡ và tôi là kẻ chịu ơn, chị tôi đóng vai “quá đáng” còn tôi đóng vai “bất cập”. Trong quá khứ, chị tôi càng tỏ vẻ khôn ngoan hiểu biết, tôi càng phản ứng lại bằng cách tự từ bỏ bản ngã trong một trạng thái đầu óc mù mờ. Nay, khi tôi bày tỏ nguyện vọng muốn đóng góp gì đó với chị, chị đã đáp ứng bằng cách chia sẻ một vài vấn đề riêng của chị với tôi. Sự thay đổi này đem lại kết quả rất hiển nhiên, đến nỗi chị tôi công nhận cách nhìn nhận vấn đề của tôi là có giá trị. Sau cùng, mối liên hệ giữa hai chị em chúng tôi đạt được thế quân bình, tôi không còn mặc cảm vì thấy mình cứ ở vị trí thấp kém trong trò chơi cò cưa đã kéo dài rất lâu này nữa. Hôm nay, tôi thật tình coi trọng lời khuyên của chị – dù có được xin hay không – về bất kỳ đề tài nào, kể cả đề tài cái chảo chiên không dính.

Việc sử dụng cơn giận như một khởi điểm để hiểu rõ chính mình hơn, thực ra không đòi hỏi chúng ta phải tự phân tích tâm lý hay phải chuẩn bị đầy đủ những lời giải thích dài dòng như tôi đã làm với chị tôi. Nếu không nhận ra nếp cư xử lâu đời trong mối liên hệ giữa chị em tôi, tôi có thể đơn giản xin chị tôi đừng mau mắn cho lời khuyên nữa, chỉ vì tôi cảm thấy không thích như vậy, dù chẳng hiểu tại sao. Điều cốt yếu là chúng ta biết “lắng nghe” cơn giận của mình, để rồi có thể nói lên với người kia lời yêu cầu của mình một cách rõ ràng minh bạch nhất, nhân danh những gì thực sự bản ngã mình muốn hay không muốn, chớ không phải dùng cơn giận như một quyền uy phán xét những hành vi và thái độ của người kia, hay đòi buộc người kia phải sửa đổi.

Cơn giận của chúng ta là một dụng cụ hữu hiệu để cải thiện mối liên hệ, nếu chúng ta tin chắc và nhớ luôn rằng nó giúp chúng ta hiểu biết thêm về chính mình chớ không phải về người khác.

Một phần của tài liệu Vũ khúc cơn giận ppsx (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w