ĐIỆU MÚA GIỮA HAI NGƯỜI (Khi nổi giận mà chẳng đi đến đâu)
CÂU CHUYỆN CỦA VỢ CHỒNG SANDRA:
- “Anh và chị, mỗi người nhìn cuộc hôn nhân của mình ra sao?”, tôi hỏi trong buổi
gặp gỡ đầu tiên với cặp vợ chồng này. (Sandra là người khởi xướng việc đến phòng gia đình trị liệu và đã yêu cầu chồng cùng đi). Thoạt tôi hướng tia nhìn vào người chồng, sau đó tới Sandra. Nàng lập tức thấy là được mời nói, bèn quay người về phía tôi, lấy hai bàn tay che mặt như để khỏi phải nhìn thấy chồng.
Bằng một giọng không che đậy cơn bực tức, Sandra kể lể một thôi những than phiền. Dĩ nhiên nàng nói về chuyện nàng trước. Và cũng dĩ nhiên, theo nàng nghĩ thì “vấn đề” là do nơi chồng.
- Trước hết – nàng bắt đầu – ảnh chỉ ham mê công việc, chẳng để ý gì đến đám con và tôi. Tôi dám chắc ảnh không còn biết quan hệ với mẹ con chúng tôi ra sao nữa! Anh sống trong nhà mà như khách trọ vậy! – Sandra ngừng lại, hít một hơi dài, rồi tiếp – Làm như ảnh giao hết việc nhà cửa, con cái cho một mình tôi. Hễ có chuyện gì cần tới ảnh, ảnh lại nói là tôi sao mà dễ xúc động quá, sao mà ưa lo lắng quá! Ảnh đâu có mặt ở nhà! Và có khi nào ảnh thèm nói với tôi về những chuyện ảnh lo lắng đâu?
- Khi ảnh về đến nhà và trong nhà có chuyện gì đó làm chị lo nghĩ, chị đã nhờ anh giúp đỡ ra sao? – tôi hỏi.
- Tôi nói với ảnh rằng tôi thiệt tình bực bội. Tiền nong trong nhà thì hết, đứa con gái lớn thì đau, bao nhiêu việc phải bỏ dở, còn thằng nhỏ thì làm tôi phát điên lên được… Vậy mà ảnh chỉ chăm chăm nhìn tôi rồi tỉnh bơ trách móc: “trễ giờ cơm tối rồi đấy”. Ảnh còn nói là tôi sao lúc nào cũng cứ nóng nảy về đủ thứ chuyện, lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề…Ảnh làm tôi muốn hét lên!
Sandra im lặng và chồng nàng thì không nói gì cả. Nhiều phút sau nàng lại tiếp tục, lần này còn ứa nước mắt:
- Tôi mệt mỏi lắm rồi! Ảnh coi tôi không bằng một góc ba cái công việc của ảnh! Ảnh làm như gắn bó gần gũi với tôi một chút là cực khổ lắm vậy! Ảnh cũng không để mắt coi mấy đứa nhỏ sống ra làm sao…Rồi khi nào ảnh muốn tỏ ra là cha, ảnh làm như thể chỉ có mình ảnh phải lo lắng cho tụi nó!
- Chẳng hạn ảnh đi phố mua cho con gái cái bàn trang điểm đắt tiền mà có lần con bé để mắt tới, không thèm hỏi tôi một tiếng! Chỉ sau khi mua rồi ảnh mới nói! – Khi kể lại chuyện này, Sandra quay sang nhìn chồng chăm chú, trong khi anh lảng tránh ánh mắt của vợ.
- Khi anh làm điều gì mà vợ không đồng ý, tỉ như vụ mua cái bàn, chị làm cách nào để cho ảnh biết? – tôi hỏi tiếp.
- Không có cách nào cả! – Sandra nhấn mạnh giọng – Thiệt là không có cách nào hết! - Không có cách nào cả về chuyện gì ?
- Nói chuyện với ảnh! Chạm trán với ảnh! Ảnh không chịu nói cho biết ảnh đang nghĩ gì. Ảnh không biết bàn hỏi với nhau sao. Ảnh không có trả lời trả vốn gì hết. Ảnh cứ ngồi im thin thít và muốn được để mặc ảnh một mình. Ngay cả lúc ảnh phản đối, ảnh cũng chả biết tranh cãi ra làm sao nữa. Hoặc là ảnh cứ lý luận cao siêu ở đâu đâu, hoặc là ảnh không thèm nói năng một câu, thậm chí ảnh còn dán mắt vô tờ báo hay là ngó chằm chằm vào tivi!
- Được rồi – tôi nói – Tôi nghĩ là đã hiểu cách Sandra nhìn vấn đề. Bây giờ đến lượt anh. Anh nhận định vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của anh ra sao?
Chồng của Sandra tuần tự nói, kiểm soát và cân nhắc giọng nói, gần như anh cố tình làm ra vẻ anh cũng giận dữ không kém gì chị: “Sandra không “tự lập” đủ, không tự giúp mình đủ. Cô ấy luôn luôn muốn tôi phải bồng trên tay! Tôi nghĩ vấn đề chính là ở chỗ đó”. Rồi anh ngưng bặt – đột ngột – như thể anh đã nói đủ cho cả ngày rồi. - Sandra mềm yếu và phải nương tựa vào anh, nhờ anh giúp như thế nào? Anh có thể cho một ví dụ đặc biệt ?
- Ừm…Thực khó nói! Cô ấy hành hạ tôi đủ thứ, đó là một chuyện. Hay…tôi về đến nhà là đã 6 giờ chiều, tôi mệt và muốn có được một chút yên tĩnh, thì cô ấy cứ làm ầm ĩ lên với những chuyện về tụi nhỏ hay là chuyện của cô ấy, hoặc cô ấy than thở hết chuyện này đến chuyện nọ…Tôi vừa ngồi xuống ghế, mong được nghỉ ngơi chừng năm phú, thế là cô ấy xáp lại và bàn luận về những chuyện làm như động trời lắm – như chuyện cái thùng rác bị hư! – Lúc này thì anh quả đã giận thật, nhưng vẫn giữ gìn kỹ lưỡng giọng nói sao cho giống như đang bàn chuyện trời trăng mây nước vậy. - Có phải ý anh muốn nói là anh cần một khoảng cách nào đó? – tôi hỏi.
- Không hẳn là vậy – anh đáp – Tôi muốn nói là Sandra hay phản ứng quá đáng. Cô ấy rất đa cảm. Cô ấy tưởng tượng ra vấn đề, trong khi thực ra không có gì quan trọng cả.
Chuyện nào cũng thành chuyện lớn được hết!…Và…vâng, có thể là ý tôi muốn nói như vậy, tôi cần một khoảng cách, xa hơn một chút nữa.
- Thế còn những đứa con? Liệu anh có…- tôi chưa kịp dứt câu thì anh đã ngắt lời: - Sandra là một bà mẹ quá ư mắc mứu với bầy con – Rồi anh giải thích cặn kẽ, như thể một bác sĩ đang chẩn đoán bệnh nhân – Cô ấy quá ư lo lắng về con. Cô ấy hưởng tính đó từ bà mẹ. Giá như bà có dịp gặp bà ngoại các cháu, bà sẽ hiểu!
- Anh có lo lắng cho bọn trẻ không? – tôi hỏi.
- Chỉ khi nào có điều gì đáng lo. Với Sandra thì tựa như cô ấy phải lo suốt ngày.
Thật không thể đoán trước được là cặp vợ chồng này lại “cột chặt vào nhau” (trong điệu nhảy) sâu xa đến thế! Tuy nhiên, trong buổi gặp đầu tiên này, họ xuất hiện như một cặp chỉ có một điểm chung duy nhất: trách móc. Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, mỗi người đều nhìn thấy nơi người kia nguồn gốc của tất cả những khó khăn trong đời sống hôn nhân giữa họ. Và khi đến với nhà trị liệu để được làm một cuộc trị liệu gia đình, mỗi bên đều ngầm quan niệm rằng sẽ chỉ có kết quả khi nào người kia
được “sửa đổi”, được “uốn nắn”.
Chúng ta hãy xem xét kỹ những chi tiết trong câu chuyện của vợ chồng Sandra, có nhiều điều học hỏi được lắm. Mặc dầu hoàn cảnh mỗi cặp mỗi khác, nhưng cái cách mà họ sa lầy thì rất giống nhau.
“Anh ấy cứ lạnh lùng!” – “Cô ấy quá đa cảm!”
Những lời than phiền này ra như rất quen thuộc? Điểm then chốt trong những lời trách móc nhau của cặp vợ chồng này đáng là tiếng chuông cảnh giác cho nhiều cặp khác. Thái độ xa cách, không động lòng, không sẵn sàng giúp đỡ của chàng là nguyên do khiến nàng nổi giận: “Chồng tôi lẩn tránh không đối mặt với tôi, cũng chẳng hề chia sẻ với tôi những tình cảm thực của anh ấy”, “Chồng tôi sống trong nhà mà lầm lì như một cái máy”, “Chồng tôi không chịu trao đổi, bàn bạc chuyện gì cả”, “Chồng tôi quá mê đắm công việc”. Và quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chàng than phiền ngược lại rằng: “Vợ tôi hay phản ứng quá đáng”, “Vợ tôi sao mà dễ dàng trở nên phi lý quá”, “Vợ tôi ưa lải nhải về đủ thứ chuyện trên đời”, “Tôi ước sao cô ấy thay đổi và chấm dứt cái tật nói dai và hung dữ”.
Đặc biệt là chính những điều hai bên than phiền về nhau lại là những phẩm chất đã thu hút họ đến với nhau. Tỉ như Sandra bị hấp dẫn bởi sự chừng mực, vững chải của
chồng và chàng thì phải thán phục về sự mẫn cảm, hồn nhiên của vợ. Khả năng trực giác, nhạy cảm của nàng khi tiếp cận với thế giới bên ngoài đã quân bình hóa khả năng hợp lý, dè dặt của anh – và ngược lại. Những gì đối nghịch thường hấp dẫn nhau, đúng không?
Hai đối cực quả có hấp dẫn lẫn nhau, nhưng không phải luôn luôn hòa hợp hạnh phúc với nhau mãi mãi. Một mặt, thực là yên tâm khi sống với người nào biểu lộ phần bản ngã của chính mình mà mình ngại không muốn biết tới. Tuy nhiên về mặt khác, sự thuận lợi này phải trả cái giá không tránh được của nó. Người đàn bà khi cứ biểu lộ tình cảm không chỉ riêng cho mình mà còn cho cả chồng nữa, thì rồi ra sẽ có lúc hành xử một cách “cuồng loạn” và “phi lý”. Người đàn ông khi cứ ủy thác cho vợ làm thay “công việc tình cảm”, sẽ mất lần khả năng tiếp xúc với phần quan trọng đó của bản thân, và đến lúc cần phải huy động nguồn cảm xúc thì có thể anh ta sẽ nhận ra tâm hồn mình trống rỗng quá chừng.
Trong đa số các cặp vợ chồng, người đàn ông giữ vị trí thấp kém trong trò chơi cò cưa, xét về phương diện tình cảm. Chúng ta đều biết có những người đàn ông tuy thật khéo tay, có tài làm những công việc tỉ mỉ, tinh tế, nhưng vẫn không thể cảm biết là vợ mình đang chán nản hoặc xuống tinh thần. Có thể ngay từ hồi còn ở với cha mẹ trong gia đình cũ, anh ta ít có được những liên lạc về cảm xúc với những thành viên khác trong nhà và cũng thiếu một người bạn thân để thổ lộ tâm tình. Đây là “nam tính” mà xã hội chúng ta nuôi dưỡng: người đàn ông thấy quen thuộc trong thế giới sự vật và ý tưởng trừu tượng, nhưng ít liên hệ cảm thông được với người khác, ít lắng nghe thế giới nội tâm của chính mình, ít sẵn lòng – và cũng ít có khả năng – để “bám trụ” khi mối liên hệ gặp mâu thuẫn và căng thẳng. Theo cách phân công truyền thống, nam giới được khuyến khích phát triển loại thông minh trước nhưng họ lại bị sút kém về loại thông minh sau, dù cả hai đều quan trọng. Phần đông họ là những người thiếu khả năng trong việc cảm xúc tương xứng với hoàn cảnh, với thực tại. Và, những chàng “bất cập” này có khuynh hướng chỉ tìm liên hệ với những nàng “quá đáng” – trong cùng lãnh vực mà các chàng yếu kém. Chẳng phải do ngẫu nhiên mà tính cách “đa cảm”, “cuồng loạn”, “quá đáng” của người đàn bà thường được tạo thành dưới cùng một mái nhà có người đàn ông “vô cảm”, “lạnh lùng”, “bất cập”.
Trò chơi cò cưa trong cuộc sống hôn nhân như vậy khó mà đạt được thế quân bình, bởi khi hai bên càng cố đạt tới thế quân bình, đặc biệt trong những lúc gặp căng thẳng, những giải pháp của họ chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Người vợ quá nhạy cảm càng đòi chồng biểu lộ tình cảm chừng nào thì càng chỉ thấy ông chồng trở nên lãnh đạm chừng nấy, có khi đến độ như vô cảm xúc. Người chồng lạnh lùng, trí thức càng dùng lý luận khuyên người vợ bình tĩnh lại chừng nào thì cô vợ càng như bị khích động thêm. Đúng theo mô hình cư xử của những cặp bị sa lầy: bên này cứ giữ nguyên
bước nhảy cũ trong khi tìm cách sửa đổi bước nhảy của bên kia. Ở đây, chính giải pháp nhằm giải quyết vấn đề lại trở thành một vấn đề nữa.