PHỦ NHẬN CƠN GIẬN, MỘT HÀNH ĐỘNG VÔ THỨC:

Một phần của tài liệu Vũ khúc cơn giận ppsx (Trang 69 - 72)

e rằng nếu dám đưa ra những suy nghĩ khác biệt thì người kia có thể sẽ khó chịu và rời bỏ chúng ta, để chúng ta đứng cô đơn một mình.

PHỦ NHẬN CƠN GIẬN, MỘT HÀNH ĐỘNG VÔ THỨC:

Đã có khi nào trong quan hệ công việc, bạn khởi xướng một cuộc tranh cãi để rồi lại chuyển từ cơn giận dữ sang khóc lóc, bối rối, xin lỗi hay tự chỉ trích ? Cách cư xử của Karen có lẽ là một cung cách quen thuộc – nếu không nói là phổ biến – của phái nữ chúng ta khi phải đấu tranh. Chúng ta có thể giải thích làm sao về sự kiện này? Những lý do sâu xa, vô thức nào đã thúc đẩy chúng ta phải chối bỏ cơn giận và dâng hiến một trong những gì quí giá nhất mà chúng ta có thể có: sự minh bạch của cái “tôi”?

Sợ “tiềm năng phá hoại” nơi mình:

Sự thất bại của Karen trong việc tự bảo vệ lập trường một cách rõ ràng và kiên quyết trước ông chủ, cũng là một “mô hình cư xử” mà nàng áp dụng trong nhiều mối liên hệ khác của nàng. Những lời giải thích mà nàng tự đưa ra cho mình thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng: “Tôi bị de dọa!”, “Thực tình là khi phải đối đầu với một người có uy quyền, tôi không thể tỏ ra cương trực được như người khác!”, “Có lẽ tôi không được tự tin lắm!”…Đúng là Karen thiếu tự tin thật, khi nàng nêu ý kiến ra mà không thấy có dấu hiệu được người khác đồng tình. Nhưng sự thiếu tự tin này còn che đậy một vấn đề nghiêm trọng hơn: Karen sợ làm sáng tỏ lập trường đúng đắn của mình, vì điều đó sẽ làm nàng phải tiếp tục bảo vệ cho nó. Làm như vậy, nàng có thể trở thành

một đối tượng cho ông chủ nổi giận, bất đồng ý, cũng như cuộc đấu tranh thực sự sẽ có thể xảy ra sau đó.

Những lý do thực tế cũng góp phần làm Karen phải sợ, chẳng hạn công việc của nàng có thể sẽ gặp khó khăn và bất trắc, hay thậm chí nàng có thể bị sa thải. Dĩ nhiên, nếu nàng đấu tranh thì mối quan hệ giữa nàng với ông chủ có thể sẽ căng thẳng, hay có thể nàng bị đánh giá là không đáng tín nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Karen còn có một nỗi lo vô thức sâu xa: đấu tranh sẽ làm nàng không kềm giữ được tiềm năng phá hoại của mình khi nổi giận, mặc dầu tiềm năng này chỉ có trong tưởng tượng, chưa hề một lần thấy ánh sáng mặt trời. Có phải nàng sẽ phá đổ tất cả nếu không kiểm soát được cơn giận không? Cứ như thể Karen sợ nếu cho nổ ra cơn phẫn uất, thì cả tòa nhà của công ty này sẽ cháy rụi! Karen, giống như hầu hết phụ nữ chúng ta, ít được hướng dẫn để tập biểu lộ cơn giận của mình một cách có kiểm soát, trực tiếp và hữu hiệu.

Thực ra không có gì đáng ngạc nhiên khi Karen lo ngại sâu xa về tiềm năng phá hoại lớn lao nơi nàng, và về tính chất dễ bị tổn thương nơi nam giới. Rất nhiều định nghĩa của ta về “nam tính” và “nữ tính” đã dựa trên nhận định rằng: nữ giới phải có chức năng như một người đồng hành vô hại và xây dựng bản ngã cho nam giới, để tránh cho nam giới khỏi cảm thấy bất lực và yếu kém. Vấn đề với Karen là: nỗi sợ hãi phi lý đó đã khiến nàng phải trả giá quá đắt. Không những nó khiến nàng đầu hàng không dám tranh đấu, mà còn khiến nàng còn tránh cả xác định quan điểm của mình, xin người khác giải thích giùm mình, và tránh nói lên những gì mình muốn. Tất cả những điều phải tránh này đều bị nàng xếp vào loại hành động có tiềm năng phá hoại, có thể gây xúc phạm và làm tổn thương người khác.

Sợ xa cách:

Karen còn một nỗi sợ lớn hơn nỗi sợ trên nữa, và nỗi sợ này cũng khuất sâu trong tiềm thức. Nàng thà phủ nhận cơn giận còn hơn là phải diễn đạt rõ ràng suy nghĩ, tình cảm khác biệt của mình, và khuyến khích người kia cũng làm như vậy, bởi điều đó chắc chắn khiến nàng phải kinh nghiệm một nỗi lo “xa cách” hay “cô đơn”. Trong các chương trước, chúng ta cũng đã thấy Maggie kinh nghiệm nỗi lo đó khi nói chuyện một cách trực tiếp và trưởng thành với mẹ; Sandra cũng vậy, khi thẳng thắn xin lỗi chồng (vì nàng đã quá đòi hỏi đeo bám anh), cũng như khi hành động theo cung cách tự lãnh trách nhiệm nhiều hơn về chính hạnh phúc của nàng; Barbara lẽ ra cũng đã kinh nghiệm nỗi lo đó nếu biết chấm dứt cãi vã và bình tĩnh nói với chồng về quyết định tới phòng trị liệu của mình.

Ngay cả khi chúng ta đã đạt được mức độ độc lập và tách biệt nhiều hơn, và đã biết khước từ lề lối cãi vã, trách móc trong tương giao với người khác, thì “nỗi lo xa cách”

vẫn cứ còn xuất hiện đâu đó trong ta như thường. Thậm chí chỉ mới nghĩ tới khả năng có thể tiến tới độc lập và tách biệt, là ta đã cảm thấy nỗi lo đó rồi. Đôi khi “ nỗi lo xa cách” này căn cứ trên những lý do thực sự đáng sợ, chẳng hạn trong những hoàn cảnh mà chúng ta lâm vào thế bí (ví dụ: “Tôi rất tiếc, tôi muốn lắm, nhưng không thể làm điều anh nhờ!”), thế cùng đường (ví dụ: “Tôi có thể bị mất việc!”; hay nặng hơn: “Mối tương giao quá quan trọng này của tôi có thể bị đổ vỡ!”. Tuy nhiên, trầm trọng và quyết liệt hơn, là “nỗi lo xa cách” của chúng ta có nguồn gốc rất sâu và rất xưa, xưa vì ngay từ thuở còn sống với cha mẹ trong gia đình gốc, và sâu vì đã in đậm vào những kinh nghiệm ấu thời của chúng ta. Các mối liên hệ gia đình của chúng ta – do tập tục văn hóa – thường có một quy luật bất thành văn là: không cho phép các thành viên được tô đậm sự độc lập cá tính và sự tách biệt. Con gái trong gia đình càng nhạy cảm nhiều hơn với đòi hỏi đó, và dễ bị áp lực phải học cách khéo léo bảo vệ mối liên hệ “chúng ta”, hơn là khẳng định sự tự trị của cái “tôi”.

Karen không nhận thức được nỗi lo xa cách nơi mình, nhưng chính nó đã khiến nàng phải chuyển từ lập trường minh bạch và vững chãi lúc đầu thành nước mắt và sầu khổ. Thái độ đau khổ này đã đẩy ông chủ vào vai kẻ an ủi nâng đỡ, và nhờ thế tạo lại cho nàng cảm giác mối liên hệ giữa hai bên vẫn tốt đẹp – điều đó giúp nàng được an tâm trở lại, mặc dầu ở đây có sự phản bội bản ngã. Karen đã sa lầy quá lâu trong mô hình cư xử này, nàng mong phục hồi hòa khí và tình thân trong các mối liên hệ bằng cách khóc lóc, làm lành sớm, tự trách mình và biến mình thành một kẻ vụng về, lầm lẫn. Trọng tâm của vấn đề là, (giống như Maggie ở chương 4), Karen cần trở lại gia đình gốc của nàng, để nỗ lực làm cho sự độc lập và tách biệt trở nên rõ ràng và vững chắc hơn nữa ngay trong những mối liên hệ ruột thịt. Nếu Karen có thể đạt được tiến bộ trong việc này, nàng sẽ nhận ra là mình có thể sử dụng cơn giận hiệu quả hơn trong các mối liên hệ ngoài xã hội, sẽ thấy mình bớt sợ sự xa cách và cô đơn, và thấy mình vẫn đứng vững trên đôi chân của chính mình.

Hành động theo cách khác:

Nếu Karen có thể làm lại tất cả từ đầu, nàng sẽ làm cách nào để chuyển cơn giận của mình thành hành động có hiệu quả? Trước hết, nàng có thể chuẩn bị kỹ hơn để đương đầu với biện pháp đối phó của ông chủ – ở đây là việc ông mượn lời người khác để gián tiếp phê bình nàng và đánh lạc hướng vấn đề nàng nêu lên. Nàng không nên tìm cách kiểm soát hay thay đổi những phản ứng của ông ta (mà dù có muốn, nàng cũng không thể làm được), đồng thời cũng đừng để những phản ứng đó điều khiển được mình. Nàng có thể bình tĩnh nghe hết những gì ông ta nói, rồi cứ khẳng định lại lập trường. Cũng chẳng phải là điều gì trầm trọng lắm, nếu đôi khi nàng có hơi bị lúng túng hay vụng về.

Nàng sẽ làm gì nếu những tác động qua lại giữa hai bên có lúc gây cho nàng xúc động quá mạnh, chẳng hạn những lời “tàn nhẫn” của ông chủ khiến nàng muốn bật khóc? Trong trường hợp này, nàng có thể tìm kế hoãn binh để phục hồi phong độ. Nàng có thể nói: “ Tôi cần chút thời gian để sắp xếp lại tư tưởng. Xin ông vui lòng để khi khác rồi chúng ta sẽ trở lại chuyện này!”.

Giả như ông chủ vẫn nhất mực từ chối việc sửa đổi lại bảng xếp hạng, Karen có thể có nhiều cách để ứng xử tiếp theo. Chẳng hạn nàng có thể đề nghị với ông chủ tham khảo ý kiến của một thành viên thứ ba nào đó có đủ thẩm quyền. Hay nàng có thể kết luận đơn giản: “Thôi được, nếu ông vẫn quyết định như vậy thì tôi cũng chịu thôi. Điều quan trọng là tôi nói lên được thắc mắc của tôi chứ không để bụng ấm ức. Tôi vẫn có thể làm việc vui vẻ như bình thường”. Hoặc nàng có thể nói: “Thôi được, ông có lý của ông. Nhân tiện xin ông cho biết tôi phải làm gì để có thể được xếp hạng “xuât sắc” ? Tôi đã quyết định phấn đấu để đạt điều đó”…Dù Karen có biết sử dụng cơn giận của mình khéo léo đến đâu chăng nữa, nàng cũng không thể chắc chắn là sẽ

khiến được ông chủ thay đổi ý kiến hay “lẽ công bằng phải toàn thắng”. Điều nàng có thể, là nói lên lập trường, xác định những chọn lựa, và chịu trách nhiệm về chúng.

Karen càng bình tĩnh, sáng suốt, thì ông chủ càng có thể phán đoán chính xác hơn về nàng. Và phần còn lại là của ông, tự ông biết ông muốn làm gì hay không muốn làm gì. Phải chăng ước muốn vô thức của Karen là mong có một ông chủ “tốt bụng” hơn là một ông chủ sáng suốt?

Câu chuyện Karen chứng minh rằng chúng ta có thể bị cản trở không sử dụng cơn giận hữu hiệu được vì hai nỗi lo vô thức: sợ tiềm năng phá hoại của cơn giận nơi mình và sợ mối liên hệ trở nên xa cách. Trong một số trường hợp khác, có thể vấn đề không phải vì chúng ta sợ sáng suốt, mà vì thiếu sáng suốt. Giận đến nỗi mất khôn thì cũng là lẽ thường. Nhưng cả những cơn giận thiếu sáng suốt cũng giúp chúng ta có thể hồi tâm quan sát chính mình, hiểu rõ thêm về cái “tôi” của mình, khi chúng ta tìm cách trả lời câu hỏi: “Cái gì nơi người kia đã làm co tôi giận vậy?”. Dưới đây là một thí dụ riêng tư mà tôi xin chia sẻ với bạn đọc.

Một phần của tài liệu Vũ khúc cơn giận ppsx (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w