ĐIỆU MÚA GIỮA HAI NGƯỜI (Khi nổi giận mà chẳng đi đến đâu)
CẢM XÚC THAY CHO CHỒNG:
Đã từ lâu Sandra bất bình về thái độ thiếu phản ứng của chồng, mà không nhận thức được phần của mình trong điệu múa. Nàng không thấy là mình đã quá thành thạo, quá mau mắn trong việc biểu lộ tình cảm, đến nỗi nàng đã biểu lộ đủ cho cả hai. Như vậy, nàng đã bảo vệ chồng để anh khỏi phải cảm thấy những gì đáng lẽ anh phải cảm. “Công việc cảm xúc” – cũng như công việc lau chùi quét dọn – từ lâu đã được coi là “công việc của nữ giới”. Và, cũng như đối với việc nội trợ, người đàn ông sẽ không “nhúng tay” vào việc chia sẻ cảm xúc cho đến khi nữ giới thôi không sốt sắng làm giúp nữa.
Mặc dầu không chủ tâm, Sandra vẫn giúp chồng giữ vững sự “bất cập” của anh ta bằng cách càng cảm xúc “quá đáng” hơn. Cặp vợ chồng này có với nhau một hợp đồng vô thức: Sandra phụ trách việc biểu lộ cảm xúc, còn chồng nàng chuyên lo việc hoạch định hợp lý. Như vậy, Sandra đã cảm xúc thay cho chồng. Phản ứng xúc cảm của nàng chẳng những đủ để đáp ứng cho những mối căng thẳng trong gia đình liên quan đến cả hai, mà còn dư sức đáp ứng giùm cho chồng những căng thẳng riêng của
anh ấy, như trong hai trường hợp sau đây:
“Anh không biết nổi giận hả?”
Một tối nọ, chồng Sandra thuật lại cho nàng nghe một chuyện bất công ở sở làm mà chính anh là nạn nhân. Sau khi hỏi thêm vài chi tiết, Sandra bừng bừng nổi giận. Trong lúc cảm xúc đang mạnh mẽ như vậy, nàng chợt nhận thấy chồng trở nên lạnh lùng và có ý lảng tránh. “Chuyện như vậy mà anh không bất bình hả?”, nàng hỏi. “Anh thừa biết đó chính là cuộc sống của anh mà! Anh không cảm thấy gì hết sao?”… Tất nhiên chuyển xảy ra ở sở có gây cảm xúc nơi chồng của Sandra. Đó là chuyện sự nghiệp của anh, một bất công cho anh. Tuy nhiên, cung cách cũng như cường độ và thời điểm phản ứng của anh rất khác với vợ. Anh cũng đã “sử dụng” vợ để nàng phản ứng thay cho anh. Sự hùng hổ mau lẹ của nàng thật sự giúp anh nguội hẳn. Anh khỏi phải phẫn nộ, vì đã có vợ làm giúp việc đó. Nàng càng tỏ ra giận dữ, anh càng được thêm bình tĩnh.
Sandra đã bực mình – một cách có ý thức – vì chồng nàng tỏ vẻ thản nhiên trước sự bất công. Tuy nhiên trong vô thức, nàng đang giúp anh giữ vững sự lạnh lùng, bình tĩnh và “tư cách phái mạnh” của anh. Sách lược vô thức mà nàng đã áp dụng (chỉ trích chồng về việc không biểu lộ cảm xúc, không bày tỏ đúng mức thái độ bất bình) chỉ làm tăng thêm sự bực tức cho chính nàng. Sandra không thể làm cho chồng phản ứng cách nào khác hơn được nhưng chính nàng thì có thể làm khác. Một khi nàng có thể ngưng không cảm xúc thay cho chồng, điệu múa sẽ bị phá vỡ.
Thực không dễ cho Sandra để nàng có thể tự đổi thay cách hành động. Tuy nhiên ít lâu sau, nàng đã có được một thay đổi quan trọng một cách ngẫu nhiên, không cố ý. Một lần nữa chồng nàng bị đối xử bất công ở sở làm và anh lại kể cho nàng. Lần này Sandra đã lắng nghe một cách điềm đạm và bình tĩnh. Nàng đã không biểu lộ những tình cảm – vốn đáng ra là những tình cảm của anh. Nàng cũng đã không đề nghị những giải pháp cho vấn đề – vốn đâu phải là vấn đề của nàng. Thái độ mới này của Sandra đã giúp chồng nàng có đủ thời gian và khoảng trống cho chính anh. Quả thực, anh đã bắt đầu phản ứng và đối phó với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của mình. Anh tỏ ra thực sự chán nản, xuống tinh thần…Nhưng, khi nhìn ông chồng phải chiến đấu lao đao như vậy, Sandra chợt cảm thấy mình không an tâm chút nào. Nàng chợt hiểu là co dù nàng đã cố tình – chứ không phải ngẫu nhiên – tìm kiếm hay tạo ra kết quả đó (“cứ để cái anh- chàng-không-biết-phản-ứng này biểu lộ cảm xúc một lần xem sao!”) thì rồi nàng cũng sẽ cảm thấy bất an y như vậy. Nàng đã ngạc nhiên nhận ra rằng: một phần nào đó trong thâm tâm, chính mình muốn chồng vẫn giữ vai trò một người chồng bình tĩnh, lạnh lùng, mạnh mẽ như trước.
“Chuyện đáng giận như vậy mà anh không cho tôi giận!”:
Sandra cũng đã giúp chồng khỏi phải thừa nhận tình cảm giận dữ đối với cha mẹ anh. Nàng đã bảo vệ anh bằng cách chỉ trích họ và nổi giận với họ thay cho anh. Thế là
anh chuyển sang làm cái việc dễ dàng hơn, là bênh vực cha mẹ mình.
Chuyện này xảy ra vào dịp nàng sinh đứa con đầu lòng. Cha mẹ chồng của Sandra, vốn giàu có và thong dong, hầu như suốt năm ấy chuyển sang sống ở Paris. Cả hai không tỏ vẻ nồng nhiệt khi biết họ có cháu nội, và cũng chẳng tỏ ra thiết tha gì việc thấy mặt cháu. Sandra hết sức căm phẫn vì điều đó. Nàng nói thẳng với chồng rằng hai ông bà là những người lạnh lùng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Mấy năm sau nàng vẫn còn hằn học về thái độ thờ ơ đó, tuy nhiên nàng vẫn chỉ nói với anh, chưa hề một lần trực tiếp nói với ch mẹ chồng.
Chồng nàng xử trí ra sao? Anh bênh vực cho cha mẹ, nêu những lý lẽ bào chữa cho thái độ của ông bà. Điều đó chỉ khiến nàng giận dữ thêm. Lại một điệu nhảy nữa đã
được khởi sự, trong đó phản ứng của người này càng kích thích người kia phản ứng trở lại bằng một cung cách không những hệt như cũ mà còn mạnh hơn. Nàng càng bày tỏ với anh nỗi bất bình về bố mẹ chồng, anh càng ra sức bênh vực cha mẹ; anh càng ra sức bênh vực cha mẹ, nàng càng bày tỏ công khai hơn, mạnh mẽ hơn nỗi bất bình đó. Thực ra trong thâm tâm, anh còn giận cha mẹ mình hơn cả vợ nữa: dù sao thì họ cũng là cha mẹ anh, và anh là con họ. Nhưng bởi nàng đã biểu lộ sẵn những tình cảm giận dữ đó thay cho anh rồi, anh chỉ còn có thể nhận thức được một khía cạnh tình cảm khác – cũng có thật và cũng quan trọng – nơi bản thân anh: đó là lòng trung thành với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ mình “đang bị công kích”.
Thái độ của anh đối với cha mẹ anh được Sandra nhìn như là anh phản đối cơn giận của mình đối với cha mẹ chồng, điều này càng làm vấn đề thêm rắc rối. Thực ra,
việc cứ chăm chú vào những phản ứng của chồng như vậy đã làm Sandra quên mất đâu là vấn đề thật mà mình đang cần giải quyết.
Cha mẹ chồng của Sandra – vốn đi du lịch rất thường – mỗi năm ghé thăm vợ chồng nàng một lần. Năm đó, ông cụ đột ngột gởi đến một cái thư, báo trước về ngày giờ sẽ ghé thăm và ở lại bao lâu. Nhận thư của ông, Sandra không ngớt bực bội vì thấy vợ chồng mình đang bị ra lệnh hơn là được hỏi han. Nàng thúc ép chồng phải trình bày thẳng vấn đề với cha mẹ nhưng anh từ chối. Trước thái độ giận dữ của vợ, anh bèn đứng về phía cha mẹ, nêu những lý do thích hợp đã khiến hai cụ phải hoạch định giờ giấc như vậy.
Sandra cảm thấy chính mình phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này. Nàng rất có lý để nghĩ như vậy: nàng đã thúc ép chồng phải hành động, nhưng anh đã không làm (mà anh không làm cũng phải thôi, vì từ đầu đến giờ, nàng đã tỏ lộ giùm anh hết mọi nỗi bất bình của anh rồi!). Sandra sau đó đã có một hành động mà đã khiến cho cả hai mối quan hệ của nàng (với chồng và với bố mẹ chồng) đều thay đổi.
Nàng đã thừa nhận rằng việc mình quả thực bực bội cha mẹ chồng trước hết là việc riêng của mình, chính mình phải đối phó. Thế là nàng đối phó. Trong một bức thư – không tấn công, không trách móc – nàng đã chỉ giải thích với cha mẹ chồng là mình cần được hỏi ý kiến trước, để có thể sắp xếp tiện lợi cho cuộc viếng thăm của ông bà thêm phần mỹ mãn. Nàng bày tỏ lập trường của mình với lời lẽ nồng nàn nhưng minh bạch, thẳng thắn, không ở thế bị động nữa. Nàng ngạc nhiên thấy nỗi ấm ức bấy lâu của mình với cha mẹ chồng bắt đầu tan biến đi, và cảm thấy tự tin hơn trong việc phát biểu những gì mình không đồng ý. Nàng cũng ngạc nhiên vì sau đó cha mẹ chồng đã trả lời bức thư của nàng một cách nồng nhiệt, còn cám ơn thái độ thẳng thắn của nàng nữa. Đó là bước đầu tiên mà trong đó Sandra đã biết tự đảm nhận phần mình trong mối liên hệ với cha mẹ chồng. Và nếu cứ theo đường lối đó, nàng sẽ càng ngày càng
có thể liên hệ trực tiếp, “mặt đối mặt” với từng người trong họ – với cha chồng và với mẹ chồng.
Chồng của Sandra – lo lắng về thái độ khẳng định của vợ – thoạt tiên chống lại việc nàng viết lá thư. Theo cung cách đặc biệt của anh, anh nêu lên một lô những lý luận trí thức để ngăn cản nàng. Tuy nhiên, Sandra vẫn dứt khoát làm thay đổi sự việc. Nàng tránh cãi lại, vì kinh nghiệm đã cho nàng thấy cãi cọ như vậy chẳng đi đến đâu. Nàng giải thích với anh rằng nàng không phản đối quan điểm của anh, nhưng dù vậy nàng vẫn phải quyết định cho riêng mình về cách đối phó như thế nào và khi nào, đối với những vấn đề mà nàng nghĩ là quan trọng.
Khi chồng của Sandra không thấy nàng tiếp tục phê bình, công kích cha mẹ nữa, thì chúng ta có thể đoán trước điều sẽ xảy ra là: những vấn đề chưa được giải quyết trong mối liên hệ giữa anh với cha mẹ bắt đầu nổi lên trên bề mặt ý thức của anh. Anh bắt đầu cảm thấy một thúc đẩy “từ bên trong” đòi anh phải tự lo lấy việc của mình.
Người phụ nữ khi giận dữ một cách vô hiệu quả (như Sandra giận cha mẹ chồng nhưng lại xả cơn giận đó ra với chồng) hay khi biểu lộ cơn giận với cảm xúc thái quá, thì không làm cho “người đàn ông của mình” e ngại chút nào. Trái lại nếu nàng cư xử như vậy, nàng có thể giúp anh ta cứ lạnh lùng, bình thản theo nam tính, trong lúc chính nàng lại bị coi là ấu trĩ và vô lý. Nếu nàng biết làm sáng tỏ những vấn đề và biết sử dụng cơn giận để đạt tới những gì khác hơn, mới mẻ hơn, thì đổi thay sẽ xảy ra. Nếu nàng thôi không “phản ứng thái quá” – phản ứng thay cho cả anh ta – và bắt đầu hành động cho chính nàng, thì anh chàng “bất cập” và “không biết phản ứng” kia có lẽ sẽ bắt đầu thừa nhận và đối phó với những âu lo của mình.