TRỞ LẠI MÁI NHÀ XƯA (Câu chuyện của Maggie)
TIẾN TỚI GIAO TRANH:
Nhiều tháng sau buổi trị liệu đầu tiên của Maggie, mẹ nàng lại đến thăm lần nữa. Lúc này thì bé gái đầu lòng của vợ chồng nàng vừa tròn hai tháng tuổi. Sự căng thẳng giữa nàng với mẹ đã lập tức vút cao, ngay từ lúc bà mẹ vừa mới mở va-li ra, rồi cứ thế leo thang trong suốt thời gian bà ở lại. Mới có con, nên “tinh thần chiến đấu” của Maggie tăng cao hẳn, và lần này nàng có vẻ ít ngần ngại trong việc cãi vã hơn thua với mẹ, đặc biệt trên đề tài săn sóc cháu bé.
Khi Maggie quyết định cứ để cho bé khóc chán rồi ngủ, bà bảo nàng hãy bế bé lên, nhấn mạnh cách nuôi con cẩu thả như vậy là rất có hại. Khi bé khóc đòi bú thì Maggie cho bú, bà lại khuyên phải cho con bú đúng giờ, trách nàng nuôi con như vậy là làm hư con. Và cứ như vậy tiếp tục…
Maggie đã không chịu ngồi yên nghe mẹ lên lớp và phẩm bình. Sử dụng tất cả những điều đã học hỏi được về y tế, về tâm lý hay về khoa chăm sóc trẻ sơ sinh, nàng bác ngay từng điểm sai mẹ nêu ra. Nàng thường xuyên tranh cãi với mẹ. Maggie càng đưa ra thêm chứng cứ, bà mẹ càng bám chặt vào ý kiến mình. Khi diễn biến đó đạt tới mức không thể chịu đựng được nữa, nàng đã giận dữ lên án mẹ là cứng nhắc, không thể nói chuyện gì được, không biết nghe lẽ phải và cứ thích điều khiển nàng. Mẹ nàng thế là cũng to tiếng quát gắt ngược lại, đến khi Maggie rút lui trở lại thái độ làm thinh thì bà cũng hậm hực tránh đi chỗ khác. Hai bên chỉ tạm dịu đi trong một thời gian ngắn, rồi lại nhanh chóng nổ ra một cuộc cãi vã mới.
Sang đến ngày thứ tư tính từ hôm mẹ tới thăm, Maggie đến phòng trị liệu và kể lại tôi rằng nàng chẳng còn chút xíu dũng lực nào nữa để chịu đựng, và bệnh nhức đầu thì đang trở lại hành hạ nàng kinh khủng. Một lần nữa, nàng kết luận rằng mẹ mình quả thực là “hết thuốc chữa”, và cay đắng tuyên bố rằng mình không còn chọn lựa nào hơn là trở lại câm lặng như xưa, gặp mẹ càng ít càng hay trong tương lai.
Cái gì đã sai trái ?
Một vấn đề có lẽ đã quá hiển nhiên với chúng ta khi nhận xét về cung cách tranh cãi hơn thua của Maggie đối với mẹ: nàng cứ cố sửa đổi mẹ hơn là nói rõ lập trường của mình và giữ vững lập trường đó. Đòi sửa đổi người khác, đặc biệt khi người đó là cha mẹ mình, là một việc làm tự nó đã thất bại. Có thể biết trước là mẹ của Maggie thế nào cũng bám chặt hơn nữa vào những tin tưởng của bà, trước ý đồ của con gái cứ muốn ép bà phải tự nhận là sai lầm. Maggie cần hiểu rằng: nàng không thể điều khiển hay sửa đổi những suy nghĩ và tình cảm của người khác. Càng cố làm như vậy với mẹ, Maggie chỉ càng làm cho mẹ bực mình thêm, và do đó mà càng làm mẹ chống lại bằng cách trở nên cực đoan hơn nữa.
Một vấn đề thứ hai mà có thể bạn đọc cũng thấy ra được, đó là Maggie vẫn chưa nhận định rõ nguồn gốc chính của sự giận dữ nơi nàng. Như vẫn thường xảy ra, hai mẹ con đã chỉ tranh cãi nhau trên những vấn đề giả. Cho em bé bú đúng giờ giấc hay cứ cho bú lúc bé khóc đòi, bồng ru bé ngủ hay cứ để mặc bé khóc chán thì thôi…tất cả những chuyện cãi vã đó chỉ là để che đậy một vấn đề thực: Maggie muốn độc lập với mẹ. Sự phản ứng dữ dội với mẹ đã khiến Maggie không còn đủ khả năng để làm sáng tỏ hoàn cảnh và lập trường của nàng. Chỉ khi nàng có thể dịu bớt và tự nhìn lại mình nhiều hơn, nàng mới có thể nhận rõ được vấn đề chính của mình là đâu, và xác định được những gì mình muốn để đối phó với nó. Nếu cứ đơn giản cho bùng ra những giận hờn chất chứa, thì không giúp được gì đáng kể cho việc giải quyết vấn đề . Việc bùng nổ như thế có thể đem lại sự khuây khỏa nguôi ngoai – đặc biệt cho người đã bùng nổ cơn giận – và thường thường, trong “bữa tiệc dữ dằn” đó, hai bên chỉ đãi đằng nhau bằng những lời công kích, kết tội cũ kỹ. Nhưng, giải pháp đó nếu có giá trị gì thì cũng chỉ là tạm thời.
Đánh giá hoàn cảnh:
Maggie vẫn đang tả oán về một vụ cãi cọ khác với mẹ, cũng quanh đề tài chăm sóc cháu bé, tôi quyết định ngắt lời nàng:
- Cô biết không, tôi thực tình kinh ngạc về việc cô rất bênh vực mẹ – tôi nêu nhận xét. - Tôi mà bênh vực mẹ? – Maggie ngạc nhiên nhìn tôi như nhìn một người khùng – Mẹ tôi làm tôi phát điên lên được. Tôi không bênh vực mẹ! Tôi chống lại mẹ thì có!
- Chẳng có gì! Chẳng có gì thay đổi cả! – Maggie tuyên bố.
- Đúng vậy – tôi nói – Cô đã bênh vực mẹ cô như vậy đó. Cô lao vào những cuộc cãi vã không đưa đến đâu cả và không bao giờ đề cập trực tiếp đến vấn đề thật. Cô cứ tranh cãi với mẹ cô thay vì giúp bà hiểu rõ lập trường của cô.
- Lập trường của tôi ư ? Và vấn đề thật nào? – Maggie hỏi.
- Vấn đề ở đây là ai chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc cháu bé. Ai là người có quyết định sau cùng về việc đó? Lập trường của cô trên vấn đề này là gì?
Maggie im lặng một lúc lâu. Nét mặt bừng giận của nàng từ từ chuyển thành phiền muộn và lo âu:
- Vâng, hình như tôi đã không xác định rõ lập trường của mình.
- Có thể – tôi đáp – Vậy thì trước hết chúng ta hãy xem xét rõ hơn vấn đề này.
Sau cuộc trao đổi này, Maggie bắt đầu chuyển sang hướng mới. Nàng đã bắt đầu suy nghĩ kỹ về hoàn cảnh của mình thay vì bày tỏ cảm xúc về nó, và bắt đầu làm sáng tỏ
vị trí của mình hơn là cứ tiếp tục công kích mẹ. Trong tiến trình này, nàng dần dần có được cái nhìn mới hơn về “mô hình cư xử” giữa nàng với mẹ trong mối liên hệ mẹ con này. Nàng ngạc nhiên khám phá ra rằng: mình quả đã có mặc cảm phạm lỗi về việc không muốn mẹ xen vào gia đình của mình, nghĩ rằng cư xử như thế tức là muốn loại trừ mẹ khỏi gia đình riêng của mình. Một phần nào đó trong thâm tâm, nàng muốn “chia sẻ” với mẹ đứa con mình, để mẹ khỏi cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị mất giá. Maggie nghĩ tới vụ ly dị của cha mẹ – vốn xảy ra liền ngay sau việc nàng rời xa nhà, nhất là sau việc nàng lấy chồng – và nàng tự hỏi liệu những chọn lựa lúc đó của mình có dính líu gì tới sự đổ vỡ giữa cha và mẹ hay không? Tới lúc đó nàng mới tiết lộ thêm một thông tin quan trọng mà nàng đã quên không nói trong suốt thời gian chúng ta làm việc với nhau: mẹ nàng đã có lần phải điều trị bằng phương pháp chạy điện vì những triệu chứng bệnh tâm thần, việc này xảy ra ngay sau khi Maggie chào đời. Tuy nhiên, ban đầu Maggie đã không nhận thức được nỗi lo âu tiềm ẩn này của nàng: nàng e rằng mẹ nàng có thể khủng hoảng trở lại vào dịp nàng sinh con.
Trong những tháng kế tiếp, Maggie đã thám hiểm vào những khía cạnh khác nhau trong hợp đồng vô thức giữa hai mẹ con nàng. Nàng đã bắt đầu cảm thấy ít giận hơn và thông cảm mẹ nhiều hơn. Nàng cũng đã hiểu rõ hơn vì sao mọi người trong gia đình, kể cả nàng, đều cố gắng – một cách vô thức – bảo vệ mẹ khỏi cô đơn, khủng hoảng, bất kể là trong thực tế bà có thích được che chở như vậy hay không. Quan trọng hơn nữa, Maggie đã nhận ra, nơi những cung cách cũ của mình trong mối liên hệ với mẹ, nỗi ao ước của chính nàng muốn mọi việc vẫn được y nguyên: được mẹ
giữ riết trong vòng tay, được gần gũi mẹ như xưa. Và dù bấy lâu Maggie vẫn chọn thái độ tranh cãi hay thái độ làm thinh với mẹ mỗi khi phải tỏ lập trường về những vấn đề quan thiết của chính nàng, nàng cũng chưa bao giờ thực sự rời khỏi mái nhà của mẹ. Dù hồi đó nàng có dọn lên cung trăng mà sống đi nữa, nàng đã vẫn cứ muốn rằng mình mãi mãi chỉ là đứa con bé bỏng của mẹ.
Càng ít sợ, càng bớt cảm thấy phạm lỗi về việc tỏ ra quyết tâm độc lập với mẹ, nàng cũng sẵn sàng hơn trong việc tự sửa đổi phần mình trong mối liên hệ này. Nàng không muốn dự phần vào những cuộc cãi vã như xưa nữa. Nàng cũng không muốn làm thinh mỗi khi nổi giận vì bị mẹ phủ nhận khả năng làm mẹ và làm một người phụ nữ trưởng thành của mình. Maggie đã bắt đầu biết khẳng định sự độc lập của bản thân.