4.3.1.1. Kết quả tạo miễn dịch dị chủng cho gà thí nghiệm
Để chuẩn bị nguyên liệu cho thí nghiệm, gà đã được gây miễn dịch bằng 2 loại vacxin phòng bệnh cúm gia cầm là Navet-vifluvac (clade 1) và Re-5 (clade 2.3.4). Ba tuần sau khi tiêm phòng vacxin, tiến hành kiểm tra đáp ứng miễn dịch dịch thể (sử dụng kháng nguyên đồng chủng với kháng nguyên vacxin).
Kết quả xác định hiệu giá kháng thể (HGKT) (hình 4.27) cho thấy: gà được tiêm vacxin Navet-vifluvac có HGKT trung bình đạt 5,0 log2 và gà được tiêm vacxin Re-5 có hiệu giá kháng thể trung bình đạt 7,6 log2. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Phạm Thành Nhương & cs. (2016), nghiên cứu HGKT bảo hộ khi sử dụng vacxin Navet-vifluvac đối với virus H5N1 cho kết quả 94% gà thử nghiệm được bảo hộ về mặt huyết thanh (HGKT ≥ 4 log2), cũng như nghiên cứu của Nguyễn Văn Cảm & cs. (2011) về mức độ bảo hộ kháng thể của vacxin Re-5 đối với virus H5N1 trên gà đạt trung bình 4,1- 8,3 log2. Như vậy, gà có đáp ứng miễn dịch ở trên ngưỡng bảo hộ (đường nét đứt màu đỏ hình 4.27) và đủ điều kiện để thử thách công cường độc.
Hình 4.27. Kết quả tạo đáp ứng miễn dịch trong thí nghiệm công cường độc bằng virus clade 2.3.2.1c
4.3.1.2. Kết quả công cường độc bằng virus H5N1 clade 2.3.2.1c
Kết quả theo dõi lâm sàng ở nhóm gà thí nghiệm và đối chứng sau công cường độc được trình bày ở hình 4.28.
Hình 4.28. Khả năng gây bệnh của chủng virus clade 2.3.2.1c ở gà có đáp ứng miễn dịch dị chủng
Nhóm gà đối chứng sau 1 ngày gây nhiễm virus, gà xuất hiện triệu chứng lâm sàng như: mệt mỏi, ủ rũ, chảy nước mũi, nước mắt. Sau đó gà chết rất đột ngột, chết 100% sau 3 ngày theo dõi. Những gà nuôi cách ly và không công cường độc, trong cùng thời gian theo dõi đều khỏe mạnh (không thể hiện).
Ở nhóm gà có đáp ứng miễn dịch trên ngưỡng bảo hộ chống lại virus cúm gia cầm clade 1 hoặc clade 2.3.4, chủng virus cúm clade 2.3.2.1c vẫn gây được bệnh ở mức ở mức độ nhất định, tóm tắt như sau. Gà tiêm vacxin Navet-vifluvac: sau 5 ngày đầu không có triệu chứng được ghi nhận, đến ngày thứ 6 và 7 có 20% gà (2/10 con) bị liệt chân, nằm bẹp, khó thở, dịch mũi chảy nhiều và chết sau đó. Những gà còn lại không có biểu hiện bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 10 ngày theo dõi là 80%. Gà tiêm vacxin Re-5: tiến triển bệnh ở nhóm này nhanh hơn nhóm vacxin Navet-vifluvac. Gà biểu hiện triệu chứng và chết rải rác từ ngày thứ 2 đến ngày 7 sau công cường độc với tỷ lệ 50% (5/5 con). Còn lại 50% gà khác không có biểu hiện bệnh và đều sống sót sau 10 ngày theo dõi. Như vậy, về mặt lâm sàng, chủng virus cúm gia cầm clade 2.3.2.1c vẫn có khả năng gây bệnh ở gà đã được gây miễn dịch dị chủng, với tỷ lệ tương ứng 20% và 50% (hình 4.28).
4.3.1.3. Biến đổi bệnh lý gây ra bởi virus cúm clade 2.3.2.1c ở gà có đáp ứng miễn dịch dị chủng
Kết quả kiểm tra bệnh tích đại thể của toàn bộ số gà ở các lô thí nghiệm được thể hiện ở bảng 4.1.
Bảng 4.1. Bệnh tích đại thể trên gà ở các lô thí nghiệm sau công cường độc
TT Biến đổi bệnh lý
Số con biểu hiện/ số con thí nghiệm
Đối chứng Re - 5 Navet- vifluvac
1 Mào, tích thâm tím, phù nề 5/5 0/10 0/10
2 Xoang miệng, mũi nhiều dịch nhầy 3/5 0/10 0/10
3 Lỗ huyệt xuất huyết 5/5 0/10 0/10
4 Xuất huyết cơ đùi, cơ lườn 5/5 8/10 0/10
5 Xuất huyết mỡ vành tim 4/5 0/10 0/10
6 Phổi phù, sung huyết, xuất huyết 5/5 9/10 8/10
7 Dạ dày tuyến xuất huyết 3/5 0/10 0/10
8 Ruột xuất huyết 4/5 9/10 0/10
9 Tuyến ức sung huyết, xuất huyết 2/5 0/10 0/10 10 Túi Fabricius sưng, phù, xuất huyết 3/5 0/10 0/10
11 Não sung huyết 5/5 0/10 0/10
12 Gan xuất huyết 3/5 3/10 0/10
Ghi chú: bệnh tích quan sát được ở 2 nhóm thí nghiệm trở lên được đánh dấu
Ở nhóm gà đối chứng, có thể thấy chủng virus cúm thuộc clade 2.3.2.1c gây bệnh tích điển hình của bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao, đó là hiện tượng sung huyết, xuất huyết ở hầu hết các cơ quan nội tạng, với tỷ lệ xuất hiện mỗi loại bệnh tích dao động từ 40%- 100% (cột 3, bảng 4.1). Những bệnh tích trên giống với gà mắc bệnh cúm gia cầm được miêu tả ngoài tự nhiên (Lê Văn Năm, 2004) hoặc trong điều kiện thí nghiệm (Nguyễn Thị Thúy Mận & cs., 2017), với sự giống nhau là bệnh tích đại thể biểu hiện ở hầu hết các cơ quan, đặc biệt là ở đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Ngược lại, chủng virus thuộc clade này chỉ gây bệnh tích ở một số cơ quan nội tạng của nhóm gà đã có miễn dịch bằng clade 2.3.4 (cột 4, bảng 4.1) hoặc miễn dịch bằng clade 1 (cột 5, bảng 4.1). Đáng chú ý, bệnh tích phổi tích nhiều dịch phù, sung huyết và xuất huyết lan tràn toàn bộ phổi (hàng 8, bảng 4.1) đều quan sát được ở nhóm gà đối chứng và ở hai nhóm gà được gây miễn dịch dị chủng. Tóm tắt biến đổi bệnh lý đại thể nêu trên được trình bày ở hình 4.29.
Ghi chú: (A) lỗ huyệt xuất huyết; (B) tuyến ức có các điểm xuất huyết; (C) mỡ vành tim có biểu hiện xuất huyết lấm chấm; (D) sung huyết ở lớp màng não; (E) phổi phù, xuất huyết tràn lan; (F; I) xuất huyết cơ đùi; (G; J) ruột xuất huyết; (H) phổi phù và sung huyết; (K) gan xuất huyết; (L) phổi phù, sung huyết và
xuất huyết; Mũi tên chỉ các điểm xuất huyết ở tổ chức.
Hình 4.29. Bệnh tích đại thể ở gà có đáp ứng miễn dịch dị chủng sau khi công cường độc bằng chủng virus clade 2.3.2.1c
Ở nhóm đối chứng thấy biểu hiện bệnh tích ở nhiều nội quan, ví dụ như: lỗ huyệt xuất huyết (hình 4.29A), tuyến ức có các điểm xuất huyết (hình 4.29B), mỡ vành tim có biểu hiện xuất huyết lấm chấm (hình 4.29C), sung huyết ở lớp màng não (hình 4.29D), phổi phù, xuất huyết tràn lan (hình 4.29E), xuất huyết cơ đùi cũng gặp ở một số con (hình 4.29F), ruột xuất huyết (hình 4.29G). Ngoài ra, túi Fabricius sung huyết, dạ dày tuyến sung huyết, manh tràng xuất huyết, xoang mũi chứa nhiều dịch cũng quan sát được ở nhóm này (không thể hiện). Ở nhóm gà sử dụng vacxin Re-5 có một số bệnh tích của cúm gia cầm như: phổi phù và sung huyết (hình 4.29H), xuất huyết cơ đùi (hình 4.29I), ruột xuất huyết (hình 4.29J), gan xuất huyết ((hình 4.29K). Ở nhóm gà được gây miễn dịch bởi vacxin Navet-vifluvac chỉ thấy biểu hiện ở phổi (phù, sung huyết và xuất huyết; hình 4.29L), các cơ quan nội tạng như: khí quản, não, mỡ vành tim, dạ dày tuyến, ruột, tuyến tụy, v.v... không có bệnh tích.
4.3.1.4. Kết quả xét nghiệm virus clade 2.3.2.1c bài thải sau công cường độc
Định lượng ARN của virus bài thải (sau đây gọi là định lượng virus) ở các nhóm gà được thực hiện vào ngày thứ 3, thứ 10 và khi gà chết sau công cường độc (hình 4.30).
Ghi chú: ngày 3 (D3), ngày 10 (D10), ngày gà chết (Dx) sau công cường độc. Đường nét đứt màu đỏ biểu thị ngưỡng dương tính (Ct ≤ 35) và âm tính (Ct > 35) với virus cúm
Hình 4.30. Hiện tượng thải virus ở gà có đáp ứng miễn dịch dị chủng sau công cường độc bằng chủng virus clade 2.3.2.1c
Kết quả phân tích ở trên (hình 4.28, hình 4.29) cho thấy việc sử dụng vacxin đã bảo hộ về mặt lâm sàng ở ngưỡng 50%-80%, làm giảm mức độ tổn thương nội tạng của gà khi bị nhiễm virus cúm gia cầm thể độc lực cao clade 2.3.2.1c. Trong điều kiện thí nghiệm này, đáp ứng miễn dịch tạo ra không là tình trạng miễn dịch vô trùng (non-sterilizing immunity) khi công cường độc bằng virus clade 2.3.2.1c, với biểu hiện là hiện tượng thải virus (hình 4.30). Gà ở nhóm gây miễn dịch dị chủng (bằng virus vacxin clade 1 hoặc clade 2.3.4) thải mầm bệnh ít nhất đến ngày thứ 7 sau công cường độc (Ct ≤ 35, mũi tên, hình 4.30). Tuy nhiên ở ngày thứ 10, toàn bộ gà sống sót không còn thải virus (Ct trung bình là 40,00). Những gà chết trong vòng 10 ngày theo dõi, lượng virus bài thải với giá trị Ct trung bình dao động từ 29,71 đến 32,83. Ngược lại, gà ở nhóm đối chứng chết 100% và bài thải lượng lớn virus (Ct trung bình là 20,79).
Như vậy, đáp ứng miễn dịch dị chủng (đối với clade 2.3.2.1c) không bảo hộ hoàn toàn gà thí nghiệm về mặt lâm sàng và hiện tượng thải virus. Ở chiều ngược lại, có thể nói virus thuộc clade 2.3.2.1c đã vượt qua ở mức độ nhất định đáp ứng
miễn dịch dị chủng gây ra bởi virus thuộc clade 1 và clade 2.3.4. Nhận xét trên cho thấy sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu về lưu hành biến chủng virus cúm để kịp thời có điều chỉnh công thức vacxin nhằm tạo ra đáp ứng miễn dịch vô trùng ở gia cầm được tiêm vacxin phòng bệnh.