Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Virus học cúm gia cầm
2.2.5. Độc lực của virus
Độc lực của các chủng virus CGC có sự dao động lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là protein HA. Các nghiên cứu ở mức độ phân tử cho thấy khả năng lây nhiễm của virus phụ thuộc vào tác động của enzym protease vật chủ đến sự phá vỡ của liên kết hóa học sau khi dịch mã của phân tử ngưng kết, thực chất là sự cắt rời protein HA thành 2 tiểu phần HA1 và HA2. Tính thụ cảm của ngưng kết tố và sự phá vỡ liên kết của enzym protease lại phụ thuộc vào số lượng các axit amin gốc bazơ tại điểm bắt đầu phá vỡ các liên kết. Các enzym giống trypsin có khả năng phá vỡ liên kết khi chỉ có một phân tử arginin, trong khi đó các enzym protease khác lại cần nhiều axit amin gốc bazơ, vì thế đánh giá độc lực của virus trên cơ sở gây nhiễm cho gia cầm và sau đó phân tích sự sắp xếp các axit amin của các virus (Trần Hữu Cổn & Bùi Quang Anh, 2004).
Để đánh giá độc lực của virus cúm một cách khoa học, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp gây bệnh cho gà 3 - 6 tuần tuổi bằng cách tiêm tĩnh mạch 0,2 ml nước trứng đã được gây nhiễm virus với tỷ lệ pha lỗng 1/10, sau đó đánh giá mức độ nhiễm bệnh của gà để cho điểm (chỉ số IVPI). Điểm tối đa là 3 điểm và đó là virus có độc lực cao nhất. Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), virus nào có chỉ số IVPI từ 1,2 trở lên thuộc loại có độc lực cao (OIE, 1992; Nguyễn Tiến Dũng, 2004).
Trong thực tế người ta chia virus CGC ra làm 2 loại:
+ Loại virus có độc lực thấp - LPAI (Low Pathogenic Avian Influenza). + Loại virus có độc lực cao - HPAI (Highly Pathgenic Avian Influenza). Cho đến nay người ta thừa nhận chỉ có 2 subtype virus có cấu trúc kháng nguyên H5 và H7 được coi là loại có độc lực cao gây bệnh ở gia cầm, nhưng không phải tất cả các chủng mang gen H5, H7 đều gây bệnh (Horimoto & Kawaka, 1994).