Quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)

1.2.2.1. Quản lí trường đại học

Quản lí là một hoạt động tất yếu khách quan diễn ra ở mọi tổ chức dù quy mô nhỏ hay lớn, đơn giản hay phức tạp. Xã hội phát triển thì kéo theo đó là sự sự hợp tác giữa các cá nhân trong quá trình thực hiện công việc mà một người không thể tự thực hiện được để đạt được mục tiêu chung. Các Mác đã nói: “Quản lí là một chức năng đặc biệt nảy sinh từ bản chất xã hội của quá trình hoạt động. Khái niệm quản lí được định nghĩa khác nhau dựa trên cơ sở những cách tiếp cận khác nhau của các tác giả:

Theo F.W. Taylor, “Quản lí là biết chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó biết được rằng họ đã hoàn thành công việc đó một cácch tốt nhất và rẻ nhất” (Nguyễn Hữu Hải, 2014).

Theo Henry Fayol, quản lí là một tiến trình bao gồm tất cả các khâu lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra các nổ lực của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt mục tiêu đã định trước (Nguyễn Hữu Hải, 2014).

Parker Follett cho rằng: “Quản lí là nghệ thuật đạt mục tiêu thông qua con người” (Nguyễn Hữu Hải, 2014).

Tiếp cận dưới góc độ hoạt động của một tổ chức, Nguyễn Ngọc Quang cho rằng: “Quản lí là tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lí tới những người lao động nói chung là khách thể quản lí nhằm thực hiện được những mục tiêu dự kiến” (Nguyễn Ngọc Quang, 1989).

Tác giả Nguyễn Lộc cho rằng hoạt động có sự tác động qua lại giữa hệ thống và môi trường. Do đó, quản lí được hiểu là việc đảm bảo hoạt động của hệ thống trong điều kiện có sự biến đổi liên tục của hệ thống và môi trường là chuyển động của hệ thống đến trạng thái mới thích ứng với hoàn cảnh mới (Nguyễn Lộc, 2010).

Theo tác giả Trần Kiểm thì quản lí là những tác động của chủ thể quản lí trong việc huy động, phát huy, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực

(nhân lực, vật lực, tài lực) trong và ngoài tổ chức (chủ yếu là nội lực) một cách tối ưu nhằm đạt mục đích của tổ chức và hiệu quả cao nhất (Trần Kiểm, 1997).

Tóm lại, Quản lí là tác động có định hướng, có kế hoạch của chủ thể quản lí

lên đối tượng quản lí trong tổ chức để vận hành tổ chức nhằm đạt mục tiêu nhất định.

Khái niệm quản lí giáo dục được xem xét dưới hai góc độ: quản lí giáo dục ở cấp vĩ mô và quản lí giáo dục ở cấp vi mô. Quản lí giáo dục ở cấp độ vĩ mô được hiểu là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật..) của chủ thể quản lí giáo dục đến tất cả các mắc xích của hệ thống giáo dục nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc tổ chức, huy động, điều phối, giám sát và điều chỉnh... các nguồn lực để hệ thống giáo dục vận hành đạt mục tiêu phát triển giáo dục (Nguyễn Phúc Châu, 2010, tr.19).

Quản lí giáo dục ở cấp độ vi mô được hiểu là hệ thống những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật..) của chủ thể quản lí một cơ sở giáo dục đến đội ngũ giảng viên, giáo viên, nhân viên, người học và các lực lượng tham gia giáo dục khác trong và ngoài cơ sở giáo dục đó, nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục (Nguyễn Phúc Châu, 2010, tr.20).

Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lí nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lí giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh” (Phạm Minh Hạc, 1986).

Tác giả Trần Kiểm quan niệm “Quản lí nhà trường là một chuỗi hoạt động quản lí mang tính tổ chức sư phạm của chủ thể quản lí đến tập thể giáo viên và học sinh, đến các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm làm cho quá trình giáo dục và đào tạo vận hành một cách tối ưu tới mục tiêu dự kiến”(Trần Kiểm, 2006).

Tác giả Nguyễn Lộc cho rằng “Việc quản lí nhà trường phổ thông là quản lí hoạt động dạy và học tức là làm sao đưa hoạt động đó từ trạng thái này sang trạng thái khác để dần dần tiến tới mục tiêu giáo dục”(Nguyễn Lộc, 2010).

Như vậy quản lí nhà trường là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật) của chủ thể quản lí nhà trường (hiệu trưởng) đến khách thể quản lí nhà trường (giáo viên, nhân viên và người học...) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục. Từ đó có thể hiểu quản lí trường đại học là hệ thống những tác động có mục

đích, có kế hoạch của chủ thể quản lí trường đại học đến các hoạt động của nhà trường do đội ngũ giảng viên, sinh viên và các các lực lượng giáo dục thực hiện và hỗ trợ nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của trường đại học.

1.2.2.2. Quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học

Quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lí trường đại học đến đội ngũ viên chức hành chính nhằm mục tiêu phát triển đội ngũ viên hành chính đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững mạnh về chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ phục vụ hoạt động đào tạo của của trường đại học.

Quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học tiếp cận theo các nội dung quản lí nhân sự bao gồm 5 nội dung quản lí như: (1) quy hoạch đội ngũ viên chức hành chính, (2) tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức hành chính, (3) đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức hành chính, (4) đánh giá đội ngũ viên chức hành chính và (5) tạo môi trường, điều kiện làm việc cho đội ngũ viên chức hành chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí đội ngũ viên chức hành chính trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)