Cấp độ trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận truyện ngắn alice munro qua một vài khái niệm tự sự của gerald genette (Trang 35 - 36)

1.3. Thái (Voice)

1.3.2. Cấp độ trần thuật

Cấp độ trần thuật là khái niệm nhằm mục đích mô tả mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện trong không gian của truyện kể, đây là mối quan hệ dọc giữa các dạng thức kể lại câu chuyện. Như vậy, có thể xác định các cấp độ cơ bản của trần thuật là: người trần thuật đứng cao hơn so với câu chuyện mà người đó kể là ngoại thuật (người trần thuật cấp 1); người trần thuật cũng là một nhân vật trong tự sự đầu tiên do người trần thuật ngoại thuật kể lại là nội thuật (người trần thuật cấp 2). Có thể có người trần thuật nội thuật hoặc còn gọi là người trần thuật cấp 3, cấp 4. Câu hỏi để phân biệt: người trần thuật này có nằm trong một câu chuyện đang được một người trần thuật khác kể lại hay không? Tuy nhiên, theo nghĩa rộng hơn, các cấp độ trần thuật cũng bao gồm các mối quan hệ ngang giữa các trường hợp tự thuật (diegetic) khi kể lại một câu chuyện mà được kể bởi nhiều người kể chuyện tự thuật.

Với Genette, ông đề xuất thuật ngữ dựa trên mối quan hệ thời gian trần thuật và ngôi (person) để phân biệt thành hai loại cấp độ trần thuật là extradiegetic và intradiegetic. Người trần thuật cấp độ một kể lại các sự kiện xảy ra trong câu chuyện chính là extradiegetic. Các sự kiện của câu chuyện được kể lại không phải ở cấp độ đầu tiên mà thay thế bởi nhân vật khác, được biết đến dưới cái nhìn sâu sắc. Nếu

nhân vật này không nằm trong cấp độ một và kể lại một câu chuyện khác, hành động trần thuật của anh được xem cấp độ thứ hai là metadiegetic.

Các cấp độ trần thuật được coi là kết hợp giữa (1) giọng trần thuật (ai là người nói?), (2) thời gian của trần thuật (khi nào nói chuyện xảy ra, liên quan đến câu chuyện?). Và (3) định tiêu điểm (ai nhìn?). Cũng như thức trần thuật, bằng cách kiểm tra ví dụ minh hoạ chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện trong một câu chuyện nhất định. Ngoài ra, các hiệu ứng đọc khác nhau là kết quả của thay đổi trong cấp độ trần thuật, thường được gọi là embedding (trần thuật nhúng). Trong cốt truyện chính, tác giả có thể chèn các câu chuyện khác được kể bởi những người kể chuyện khác từ các tiêu điểm trần thuật khác. Đây là một kỹ thuật khá phổ biến làm tăng tính đa dạng cho hành động trần thuật và làm tăng sự phức tạp của trần thuật. Cũng như hiệu ứng gương lồng gương (mise en abyme) nhằm tạo ra tự sự đa cấp, một hình thái tự sự phát triển khá mạnh ở phương Tây.

Cũng có lúc các cấp độ trần thuật bị phá vỡ ranh giới. Đây là quá trình một nhân tố thuộc cấp độ giao tiếp thấp hơn (hoặc cao hơn) tham gia vào hoạt động của cấp độ giao tiếp cao hơn (hoặc thấp hơn). Ví dụ: nhân vật thiết lập giao tiếp với người trần thuật/người thụ thuật (hoặc tác giả giả định/độc giả giả định) hoặc người trần thuật/người thụ thuật tham gia vào hoạt động của nhân vật. Đôi khi nhà văn cũng sử dụng metalepsis, như là cách làm cố ý làm mờ đường ranh giữa thực tế và hư cấu. Metalepsis là một cách chơi với các biến thể trong mức độ trần thuật để tạo ra ảnh hưởng của sự dịch chuyển hoặc ảo tưởng. "Tất cả các trò chơi này, theo cường độ của các hiệu ứng, cho thấy tầm quan trọng của các ranh giới mà họ đánh giá sự khéo léo của họ để vượt qua, theo chiều hướng xác thực - một ranh giới chính là sự mô tả (hoặc hiệu suất): sự chuyển dịch nhưng là biên giới thiêng liêng giữa hai thế giới, thế giới mà trong đó người ta nói, và thế giới mà nó nói"(Gerald Genette, 1980) (Trang 236, NTH dịch từ bản tiếng Anh).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận truyện ngắn alice munro qua một vài khái niệm tự sự của gerald genette (Trang 35 - 36)