Thiết lập kiểu đọc mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận truyện ngắn alice munro qua một vài khái niệm tự sự của gerald genette (Trang 59 - 64)

2.1. Phù thủy của thiết kế truyện

2.1.3. Thiết lập kiểu đọc mới

Munro đã gọi tên “nether voices” chỉ sự nhắc nhở người đọc về những âm thanh, tiếng nói, giọng kể, những điều hiện hữu, những ý giấu mặt, hay cả những tầng ngầm nằm bên trong câu chuyện. Những âm thanh này như tảng băng trôi được gợi dẫn trong tinh thần của ta khi đọc các tác phẩm Munro. Bà chia sẻ những ngôi nhà truyện kể của mình đem đến chiều kích cả bề ngang, rộng và sâu. Nơi mọi ngóc ngách đều có thể được kết dẫn, miễn bạn phải là vị khách không vội vàng, ngồi nhấn nhá, hiểu xem liệu mình chọn lựa điều gì? Đang trầm mặc về những uẩn ức nào? Cách đọc này bởi “ngôi nhà của Munro thường là một cái bẫy, nếu chúng ta là những người đọc tinh ý và sẵn sàng tham dự vào cuộc thăm viếng ngôi nhà, thì những câu nói, những ý tưởng, những suy nghĩ của nhân vật sẽ đột nhiên khiến ta giật mình, buộc ta tìm cách định hình lại môi trường chung quanh, vị trí đang đứng,

và nguồn sáng chiếu lên vật.” (Đặng Thơ Thơ, 2014). Những chất liệu tốt khi chia

tách trật tự thời gian khiến cho kiến trúc ngôi nhà của Munro đạt được thành công trên. Mỗi ngôi nhà đều có vẻ ngoài bình thường, thoạt tiên ta chẳng biết nó có hấp lực nào trừ khi ta bước chân vào nó. Khi thì gian phòng khách có thể nhìn thấy từ cửa ngõ, có khi lại phòng thư giãn… Mỗi bước chân ta di chuyển như bị đánh tráo sang không gian khác bởi chất liệu của mỗi căn phòng là khác nhau. Ngay cả khi ta đã đoán chắc mình hiểu rõ căn phòng thì bất ngờ tiếng chuông báo thức hay cánh cửa mật thất mở ra bởi âm thanh bước chân mình vừa đến, khiến cho mọi thứ lại làm mới từ đầu bằng những ngả rẽ khác. Munro là vậy, chẳng bao giờ bạn đoán định được

điều gì sắp xảy ra với những câu chuyện. Như cách người vợ Franklin với độ tuổi bảy mươi mốt qua mấy chục năm hôn nhân bên chồng mình, bỗng nhận ra “nó dẫn

tôi trở ngược lại cuộc đời chung của hai chúng tôi, từ thuở ban đầu” (Alice Munro,

2016) trước cuộc gặp lại cô bạn gái Dolly thời trẻ của người chồng. Là Fiona như chết lặng “bà nhìn chằm chằm vào mặt ông trong một khoảnh khắc, như thể những cơn gió ào đến quất vào mặt bà. Quất vào mặt bà, quất vào đầu bà, giật tung tất cả thành vô vàn mảnh vụn” (Alice Munro, 2016) vì người chồng lâu năm của mình. Người tự dằn vặt bản thân trước những dối lừa vợ, người đau xót cho bệnh tật vợ mình mang. Gã lịch lãm đến thăm nom bà, ân cần tìm cách cho bà có thể ổn định tinh thần khi không còn người bạn Aubrey bên cạnh. Và nay quay trở lại khiến bà thấy đáng sợ, run rẩy “Bỏ rớt em. Bỏ rơi em” (Alice Munro, 2016). Đó chẳng phải là lời cho Aubrey hay chăng là lời dành cho Grant. Truyện Munro không cho ta đọc đơn giản đến thế. Gấp lại trang sách ta còn ngỡ ngàng không biết điều gì đã xảy ra. Người ta đã làm gì với chính cuộc đời của họ. Cách Johanna chọn lựa gã chồng kiểu ăn may có là đúng? Cách mà Carla bỏ trốn rồi quay trở về lại sai? Hay những con người ta chưa kịp biết họ đã làm gì, sẽ làm gì cho đời họ về sau. trong tất những khung truyện mà Munro cho họ đặt chân lên mốc thời gian của đời mình và trong đời kẻ khác. Hơn nữa việc xoắn ốc căn phòng khiến cho giới hạn ánh sáng của mỗi khung nhỏ thời gian đều hạ xuống, mập mờ. Munro cũng không phải là nhà văn dùng ngôn ngữ của mình để dựng nên thế giới, bà chỉ đơn giản mô tả thế giới bằng chính vật liệu ngôn từ mình có. Những mô phỏng về thế giới của bà chỉ ở dạng thô sơ nên truyện vì thế người đọc vừa chiêm ngưỡng hiện thực nhưng cũng vừa giải mã những tượng trưng mà truyện kể tạo nên. Vì thế “không khí truyện Munro luôn là sự ám ảnh bởi điều vắng mặt trong tác phẩm. Tất nhiên sự vắng mặt ấy nằm trong chủ

ý của bà” (Đặng Thơ Thơ, 2014). Những vắng mặt luôn là chủ đề của tác phẩm, nó

sẽ kêu gọi mọi người đọc kiến giải, thấu hiểu, nắm bắt về điều không thể nói mà Munro tinh tường sắp đặt. Không ai biết Jinny đã đối xử với Neal như thế nào, chỉ biết rằng ngày cô rời phòng khám với án tử trên tay mà người chồng vẫn hồn nhiên để lại vợ mình ngoài bãi ngô vào nhà người lạ uống vài hớp bia. Cô được mọi người

gọi tên “bà Neal tốt bụng”, người phụ nữ nhẫn nhịn. Và cũng chẳng ai biết sau cuộc dạo chơi tại Cầu phao với chàng trai Ricky, Jinny có thực sự tìm thấy chiếc phao cho chính mình. Hay cuộc đời của cô Alfrida liệu dấu hỏi lớn về người con cô đã sinh khi còn thời trung học nay bất ngờ tìm lại cô khi cô đã già do cô hay chính những người thân trong gia đình chọn lựa việc bỏ rơi con mình. Cũng như Greta rồi đi Về đâu sau những ngã rẽ đột ngột mình theo đuổi mọi gã trai vô tình gặp, người mẹ trẻ ấy sẽ dừng lại như thế nào khi ngay cô con gái bé nhỏ của mình cũng phải buông tay. Và Corrie lẫn Howard Người tình cứ mặc định là tình nhân trong sự thấp thỏm lo âu, giờ thêm sự nghi ngờ. Họ cũng như Jackson Xe lửa loay hoay vô định trên mọi chuyến đi, trôi lạc mình chỉ để né tránh bản thân mình có thể, rồi lạc trôi trong chính cuộc đời của mình. Là Carla những nhói đau trong ngực sẽ tiếp tục dày vò, hay chịu cảnh như một chiếc đầu lâu vừa tầm bàn tay cầm, mà rất có thể nó là của Flora. Là Juliet lẫn Penelope con mình sẽ mãi Nín lặng trong chuỗi ngày tiếp tục sống, họ vốn là tình thân nay lướt qua nhau như kẻ vô tình. Sự vô tình ấy cũng chính là nguồn cơn hai người già cả như Fiona và Aubrey mới tiến lại gần nhau, trong một hoàn cảnh bĩ cực mà chính người kể chuyện còn ngờ ngợ, chẳng dám thừa nhận rằng Fiona đã trêu đùa gã chồng mình, hay sự chuyển đổi khuôn mặt khi người chồng quay trở lại dẫn theo Aubrey. Munro luôn kể ít hơn những gì có thể nói để nói được nhiều hơn những gì mình có thể kể. Những hấp lực ấy là đủ để khiến ta đọc thẩm thấu, đọc theo kiểu của một nhà hiền triết phải ngồi suy tưởng lại những gì đã trải qua khi họ bị “mờ hóa” lí lịch, công việc, thân nhân và cả những tính cách. Munro chỉ chú ý đến cảm xúc và nội tâm. Những suy nghĩ là của nhân vật nhưng nó quá đỗi thân quen, quen đến mức ta nhận ra bên cạnh ta người đã sống như vậy, trong chính ta ta cũng đã sống như trên. Cuộc sống đầy nghịch lí và vô lí, ta vẫn vui vẻ chấp nhận thực tại rồi sống hoà nhập với những gì đang xảy ra, với những khao khát thầm kín. Dù ta có phản kháng bỏ trốn hay tự biến mình trở nên sa đọa trong ái dục thì đó cũng chính cuộc đời ta sống hết mình. Những nhân vật của Munro tận hưởng hết niềm vui trần thế cũng là một cách thức nổi loạn, là sự tích cực phản kháng lại tình cảm phi lý trong gia đình: sự cần mẫn đổi lại thứ vô tình, những thủy chung lợn cợn lại được đánh tráo bằng sự

vụng trộm… là khao khát vượt lên chính mình trong khuôn khổ chật hẹp không gian mình sống. Đọc Munro vì thế phải tìm mã chìm trong khung thời gian bị bỏ sót. Những thứ chưa nói lại là sự cảm nhận và biểu hiện mình của con người, là sự tưởng tượng về những khả năng có thể của thế giới nội tâm con người. Ta phải tự xâu chuỗi, lắp ghép những chuyển biến thời gian từ trước, sau, trong quá trình trần thuật để hiểu được những gì đang xảy ra. Một hấp lực mà Daniel Menaker, biên tập tiểu thuyết New Yorker khẳng định: “Bà ấy là nhà văn rất hiện đại và tìm tòi thực nghiệm dưới cái vỏ ngoài của một nhà văn cổ điển. Giống như William Trevor, bà đã thâm nhập qua nhiều chuyện kể đôi khi đến đúng ngay những sự kiện và những chủ đề, và bà hé mở tấm màn che cho bạn nhìn vào bên trong đến khi bạn thấy được điểm cốt lõi của những gì bà ấy đang làm. Bạn có cái cảm giác mà bà cố gắng giúp bạn có được, đến điểm bừng sáng tâm lí cảm xúc đích thực, nhưng cái đó luôn luôn có hình thức như một sự đầu hàng về mặt triết học đối với điều không thể biết trong những động cơ và tính cách của con người, một sự không chắc chắn mang tính hiện sinh trong những gì khiến con người hành động. Và đối với tôi điều này dường như rất quan trọng và rất trừu tượng – nhưng không đánh giá với tính phong phú sinh

động của các nhân vật của bà.” (Hiếu Tân, 2013).

Thêm nữa với kết cấu phân mảnh, chỉ cần bạn dịch chuyển nhân vật, chọn lựa góc nhìn từ nhân vật đó, rồi tự mình soi rõ những gì người kể điều khiến đã làm câu chuyện trở nên mới mẻ hơn. Ghét, thân, thương, yêu, cưới: Johanna, Ken Boudreau, Mc.Cauley, Sabitha, Edith. Cầu Phao: Jinny, Neil, Helen, Ricky. Đồ đạc gia đình: Cô Alfrida, vợ chồng anh họ, cháu gái, người con bỏ rơi. An ủi: Nina, Lewis, Ed Shore, Bruce, Kitty, Paul Gibbings. Tầm ma: Tôi, Mike McCallum, Sunny. Cột và dầm: Lorna, Polly, Brendan, Lionel. Điều còn ghi nhớ: Meriel, Pierre, Asher, Cô Meriel. Chị Queenie: Tôi, chị Queenie, Vorguilla, Leslie, Andrew. Gấu trèo về qua núi: Grant, Fiona, Kristy, Aubrey, Marian. Về đâu: Greta, Peter, Katy, Greg, Laurie, Harris. Thị trấn bạch dương: Vivien Hyde, Mary, Reddy. Li hương: Ray, Isabel, Leah. Sỏi đá: Tôi, ba mẹ, người mẹ kế, dượng Neal, Chị Caro, chú chó Blitzee. Tổ ấm: Tôi, dì Dawn, dượng Jasper, Bernice, Mona Cassel. Lòng kiêu hãnh: Tôi,

Oneida, cha Ida. Người tình: Corrie, Lillian, Howard. Xe lửa: Jackson, Belle, Ileane, cha Belle. Thấp thoáng mặt hồ: Nancy, Sandy. Dolly: Tôi, Franklin, Dolly. Trốn chạy: Carla, ông bà Jameison, Clark, chú dê nhỏ Flora. Tình cờ, Sắp rồi, Nín lặng: Juliet, Penelope, Eric, Ann, Irene, Don, ông bà Sam, Heather. Đam mê: Grace, ông bà Traver, Neil, Maury, Gretchen. Báng bổ: Lauren, Harry, Eileen, bà Delphine. Mắc lỡm: Robin, Daniel, Adzic, Joane. Thần lực: Nancy, Ginny, Wilf, Tessa, Ollie. Con

mắt, Đêm, Giọng nói, Cuộc đời yêu dấu: Tôi, Chị Sadie, Peggy, Diane, bà

Netterfield, ba mẹ tôi. Bằng thủ pháp “phi trung tâm hóa” mỗi nhân vật xuất hiện tại ngôi nhà truyện kể, Munro luôn cho ta góc nhìn đa chiều. Đọc Munro, không chỉ cần thời gian nhấn nhá tĩnh tại suy nghĩ, mà còn cho phép ta thay đổi trường nhìn. Bởi các lát cắt từ nhân vật, những cuộc tường thuật cảm xúc nội tâm đều đủ để mỗi nhân vật có được cuộc đời rõ nét trong căn nhà. Chỉ là ta bỏ đi cái bản ngã của chính ta hoặc chính nhân vật kể chuyện, để đặt mình vào trong những nhân vật khác, ta sẽ phát hiện ra rằng ngôi nhà hôm nay thật khác biệt. Cái nhìn của cô bé Lauren có phần chững chạc so với độ tuổi, hay cái nhìn hối lỗi của bà Delphine còn ba mẹ cô bé thì vội vã, khiên cưỡng. Hay Tessa của Thần lực có biết mình bị mắc bẫy, cũng như Ollie bình thản sống sau những toan tính, để lại Nancy tự đặt mình vào cuộc đời của cả hai để hiểu, rồi soi luôn đời mình. Ai sẽ là người đáng được lưu tâm? Câu trả lời: Ai cũng trở nên đáng thương. Khi ta hiểu họ ta thấy gần gũi hơn, yêu đời hơn. Kinh Phật cũng dạy hiểu càng sâu thì thương càng rộng. Hiểu càng rộng thì thương càng sâu. Hiểu sâu thương lớn là vậy. Truyện Munro vì thế “kể những câu chuyện lớn lao về những con người có đời sống bề ngoài nhỏ bé […] Bà là người bảo vệ lớn cho những kẻ bên lề bình thường, của những người không thể vừa văn với cuộc đời ở những điểm tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, những người cần một đời sống tốt đẹp

hơn thứ được đem đến cho họ.” (Michael Cunningham, 2006). Nên việc đọc truyện

ngắn Munro, ta tìm được bí ẩn quanh truyện kể, chỉ là ta có thực tâm ghi chú bằng cách đọc điềm tĩnh và đặt mình trong mọi con người đang sống như thế nào trong khung truyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp cận truyện ngắn alice munro qua một vài khái niệm tự sự của gerald genette (Trang 59 - 64)