Trần Nhã Thụy và quan niệm về văn chương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 31 - 37)

Các nhà văn đều có tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Tùy theo lí tưởng xã hội và quan điểm thẩm mĩ mà nội dung của mỗi tuyên ngôn nghệ thuật có những nét riêng biệt. Văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, Theo cách hiểu trước đây thì văn chương mang hàm nghĩa rộng bao gồm cả triết học, sử học, văn học. Theo nghĩa hẹp dùng để gọi các tác phẩm văn học, nghĩa hẹp hơn nữa là để chỉ tính nghệ thuật, vẻ đẹp của câu văn, lời thơ…

Khởi nghiệp văn chương từ khi còn rất trẻ, ngay từ thuở chập chững sáng tác, Trần Nhã Thụy đã nói lên quan niệm văn chương của mình: “Viết, là tự lưu đày bản thân” như Linda Lê nói hay “tự sát thương” mình, theo tôi cũng là theo nghĩa đó. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào (Phong Điệp, 2010).

Với Trần Nhã Thụy, văn chương thuộc về “những kẻ yếu, những người tầng đáy, những người chịu đựng lịch sử” và “văn chương không có chức năng lên án có chăng chỉ nói lên thân phận con người”. Một con người đã từng sống trong gian khổ, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống thì càng vững vàng hơn trong thử thách cuộc sống. Theo Trần Nhã Thụy nghề văn giống như một cái nghiệp không dễ gì chối bỏ. Anh viết về những người bạn văn chương, về những con người công nhân viên chức nghèo, những người trẻ đang chới với giữa những biến động khôn lường của cuộc sống. “Phải rất kĩ lưỡng với chính mình thì mới có thể sống lơ đãng mà giàu có. Cũng vậy, phải ăn nằm với văn chương đến mức đá vàng thì những nguồn sống ấy mới trôi chảy được trong cái vẻ tự nhiên của câu văn” (Thất Sơn, 2015). Đó dường như là cách Trần Nhã Thụy tìm mình trong khi tìm đến cái “tự tính” của đời sống. Cái thì hiện tại với các lát cắt (gợi đến những cách viết truyện ngắn khá

“cổ điển”) như cách Trần Nhã Thụy thường đưa người đọc tham dự vào các câu chuyện của mình, đó cũng là một cách làm hiển hiện cái đời sống ở dạng thuần giản chắt lọc. Như thể anh đã tìm được cách yêu cái số phận của mình, cái trời cho mình nên ung dung tự thích. Dù không thật tin một người còn trẻ, lại viết văn, lại dễ dàng mất đi cái nóng nảy, cái bức bối, cái ngột ngạt… Khi đến độ tiêu dao, người ta ắt sẽ không màng tới văn chương nữa mà văn chương vẫn tự đến - đó là một hình ảnh viên mãn đầy chất mơ tưởng.

Trần Nhã Thụy cho rằng văn chương chính là cuộc đời. Nhưng cái tôi trong văn chương (tác phẩm) khác với cái tôi ngoài đời. Cho dù có tác giả cố tình sao y lý lịch của mình vào tác phẩm thì cũng không thể đồng nhất đó chính là cái tôi “nguyên xi” của họ. Bởi, bản chất của văn chương là hư cấu, diễn giải. Do đó, theo nhà văn, dù người viết nào cố ý viết chuyện đời mình thật thế nào đi chăng nữa, thì vẫn lộ ra những khoảng trống và những khoảng trống đó chỉ có thể được lấp đầy bằng sự dụng công có đầu tư và nghiêm túc của người viết. Điều đó cũng để phân biệt đâu là một tác phẩm văn chương, đâu là tự truyện.

Một xu hướng nổi lên khá rõ rệt trong đời sống văn học hiện nay, đó là các nhà văn đang trình làng những cuốn sách có bóng dáng bản thân mình. Nó vẫn dán nhãn tiểu thuyết hay truyện ngắn, nhưng yếu tố tự truyện là có. Khi một nhà văn viết về chính mình thì thường có yếu tố nhu cầu tự thân và ảnh hưởng của trào lưu. Với Trần Nhã Thụy, tiểu thuyết thực sự là hư cấu. Chúng ta thường có những nhầm lẫn về lý thuyết. Ví dụ: thực tế khác sự thật. Thực tế là anh có một vợ hai con, nhà hai lầu, ba chiếc xe gắn máy,… Đó là thực tế. Không phải sự thật. Sự thật anh nghĩ gì tôi không biết, anh đang muốn giết ai (bằng ý nghĩ) tôi bó tay, anh đang buồn hay vui tôi cũng chỉ có thể phỏng đoán… Để biết sự thật của anh, tôi cũng không thể cưỡng ép anh nói ra. Nhưng, bằng công cụ là câu chữ, tôi có thể đi tới tận cùng sự thật của anh. Sự thật tận cùng (trong văn chương) chính là sự hư cấu. Tự do hư cấu. Còn tự

truyện kiểu “chuyện đời tự kể” thì đó là một thể loại khác rồi, dán nhãn tiểu thuyết là “ăn gian” đấy, tức là “tự ăn thịt mình”, điều ấy chứng tỏ rằng họ đang thiếu vốn sống (Phong Điệp, 2010).

Trước đây các nhà văn đi thực tế bằng việc xuống tận cơ sở, sống và làm việc ở đó hàng năm trời. Vốn sống của họ được tích lũy từ đó. Nhưng giờ đây, nhiều người cho rằng, thông tin chúng ta không thiếu, vốn sống của từng người vì vậy mà có thể được tích lũy bằng nhiều cách, chứ không nhất thiết là phải “ba lô trên vai”. Vốn sống tích lũy từ thực tế, nhưng cũng nảy sinh trong những liên tưởng sáng tạo. Nhưng nhà văn thu hoạch vốn sống khác nông dân (hay người đi du lịch). Những ghi ghép của nhà văn là để ứng dụng vào trang viết. Vốn sống được tích lũy bằng nhiều cách chứ không nhất thiết phải đi. Nhưng đi là để thay đổi không gian và tâm trạng sống, đi giúp cái nhìn mở ra ngoại cảnh và soi rọi nội tâm. Đi, đọc, viết. Nhà văn nào cũng mong được như thế. Thực tế là đã và đang có một xu hướng sáng tác phi thể loại, nhưng ở góc độ các nhà nghiên cứu và độc giả, họ lại đòi hỏi một sự rạch ròi về thể loại.

Trần Nhã Thụy không viết tự truyện nhưng thường viết tạp văn. Ở thể loại này suy nghĩ, tình cảm, tình huống có thể nói là rất gần với con người thật hằng ngày của nhà văn. Còn khi viết truyện ngắn thì thiết kế, cài đặt nhiều hơn. Viết tiểu thuyết thì quả là khó khăn hơn nữa. Khi viết tiểu thuyết, Trần Nhã Thụy đặc biệt chú trọng đến ngôn từ. Tức là nhà văn khi viết tiểu thuyết, theo Trần Nhã Thụy, là thường trực ra vào cái “ngõ nội tâm đó”, như là tự “sát thương” mình (Phong Điệp, 2010).

Văn chương là những góc nhìn riêng biệt. Nhiều người cho rằng, sâu sắc là phải ăn theo tư tưởng của nhà văn này, nhà văn kia. Cái gọi là tư tưởng hay bút pháp hiện đại, theo nhà văn, nó nằm ngay cách chúng ta lao động với con chữ, ứng xử với những chi tiết. Một nhà văn có trăn trở, có ý thức viết mới, thường tránh lặp lại những câu chữ tầm thường. Với Trần Nhã Thụy thì: “Tôi đang nỗ lực viết, chứ chưa dám nghĩ mình có được thành tựu gì. Ý nghĩa lớn

nhất đối với tôi lúc này là vẫn còn đầy những dự định viết” (Thất Sơn, 2015). Cũng theo Trần Nhã Thụy, nhà văn thực sự có tài quá ít và có nhiều dạng nhà văn rất thông minh. Họ biết là nên kết thân với ai để được in sách đẹp, chơi với ai thì có được suất đi nước ngoài, quen với ai thì được giải thưởng. Viết mà lòng mình không tốt thì rất nguy hiểm. Thêm nữa, văn chương không phải là chỗ của tư duy ứng dụng. Với khoa học công nghệ thì có thể như thế. Trong văn chương anh phải tự tạo ra con đường của mình, phải có lối đi riêng. Có thể lần đầu anh viết dở, lần hai, lần ba cũng vậy, nhưng đến lần thứ n nào đó anh có thể khá hơn, đó là sự hấp dẫn lẫn thử thách khắc nghiệt của văn chương. Công việc viết văn nghiêm túc là một con đường rất khó nhọc. Nhưng có cảm giác, các cây viết hiện nay thay vì chọn con đường đi khó nhất trong văn chương thì lại chọn con đường dễ nhất. Chẳng hạn, chỉ cần 15 phút có thể tưởng tượng ra được một truyện ngắn, nhưng lại nhàn nhạt, không có một chút suy tư, nghiền nghẫm ở trong đấy.

Là một người viết, Trần Nhã Thụy tâm niệm người giỏi nhất là người mình chưa biết. Luôn học hỏi là điều hết sức quan trọng. Học trong cuộc sống bình thường, đọc chậm, viết ít nhưng cần có sức nặng trên trang viết. Đó là những điều muốn mình “thấm nhuần”. Mà muốn như thế là cả một quá trình phải luyện tập. Cũng như cách luyện đứng tấn trong khi học võ, một bài tập cần phải luyện hoài. Càng đứng tấn vững thì càng giỏi võ. Văn chương cũng vậy, rất cần phải luyện tâm, luyện viết thường xuyên.

Chính vì vậy mà Trần Nhã Thụy có khoảng thời gian viết có lẽ không giống ai. Đó là thời gian buổi chiều. Nhà văn thường dậy sớm, sau đó cà phê, rồi đi làm, cố gắng giải quyết công việc trong buổi sáng. Đến trưa thì về nhà, ngủ một giấc, rồi ngồi dậy viết. Nếu bị cuốn hút vào trang viết thì thường viết cho đến bữa cơm tối. Đó là nói thường vậy, nhưng cũng có khi Trần Nhã Thụy viết vào buổi sáng hay buổi tối. Nói chung là anh viết vào những lúc có thể. Đặc biệt, Trần Nhã Thụy không viết đề cương. Thường việc viết của anh

bắt đầu bằng một ý nghĩ hay hình ảnh gì đó, rồi viết. Trần Nhã Thụy viết chậm, không phải vì cầu toàn, mà kỳ thực chỉ có thể viết được khi có “tâm trạng viết”. Chú trọng việc viết nháp, làm tư liệu, ghi chú. ít khi anh viết được liền một mạch. Nhưng Trần Nhã Thụy hay nghĩ đến trang viết một cách liên tục. Những ý nghĩ này có khi kéo dài rất lâu sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Trong đời một nhà văn, nên làm việc liên tục (viết, xuất bản), nhưng lại có ý cho rằng nhà văn chỉ cần “dồn nén” cảm xúc và chiêm nghiệm của mình vào một tác phẩm “để đời”. Nhà văn người Colombia G. G. Marquez có nói đại ý rằng, đời mỗi nhà văn chỉ nên viết một cuốn sách để đời, nhưng vì không viết được một cuốn như thế, nên nhà văn phải… viết nhiều cuốn. Ý kiến đó cũng đáng lưu ý. Thà viết được một cuốn hay còn hơn viết một đống cuốn dở. Trên thế giới có những nhà văn âm thầm làm việc hàng chục năm, rồi mới xuất hiện. Đó là tư chất của những nhà văn lớn. Như thế việc làm việc liên tục (trên văn bản) và “dồn nén” cảm xúc vào một tác phẩm “để đời” về cơ bản là giống nhau. Nhưng, có lẽ nói như G.G.Marquez, viết nhiều tác phẩm thì… dễ hơn là viết một tác phẩm. Tất nhiên, nói như thế là loại trừ những nhà văn phải viết vì… nhuận bút. Hoặc là phải viết ít nhất hai tác phẩm để đủ tiêu chuẩn vào Hội nhà văn.

Trong văn chương, Trần Nhã Thụy đề cao phong cách viết thật, nói thật, chẳng thế mà anh nhà văn quèn trong Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh lại có có một tuyên ngôn: Nếu làm nhà văn thì không nên bắt chước người khác, tuyệt đối không được ăn cắp, chẳng hay ho gì mà phải đứng trên vai của người khác (Trần Nhã Thụy, 2011).

Anh nhà văn quèn trong tạp văn Nhà văn quèn và đạo diễn lừng lanh

phải chăng lấy nguyên mẫu từ chính Trần Nhã Thụy. Cái anh nhà văn ấy không quên thực tế hoàn cảnh của mình. Một anh nhà văn quèn đang sống trong mâu thuẫn và bế tắc. Cuộc sống khó khăn mâu thuẫn và bế tắc ấy bỗng nhiên đem đến cho anh ta cơ hội hợp tác với đạo diễn lừng danh. Nhưng

không biết phải làm thế nào. Anh đã từ chối hợp tác với đạo diễn lừng danh, mặc dù theo lời đạo diễn nói, họ xem ra là một cặp phản ứng nhanh rất hiệu quả (Trần Nhã Thụy, 2011). Nguyên nhân vì sao anh ta từ chối? Là vì anh ta không thể, không thể viết một cái mà phải ăn cắp hay dựa dẫm trên rất nhiều cái của người khác mà ông đạo diễn yêu cầu. Vấn đề không phải đạo đức hay ngạo mạn, mà đó là do những thói quen từ khi còn rất bé. Khi còn bé, anh ta đã được dạy rằng Nếu làm nhà văn thì không nên bắt chước người khác, tuyệt đối không được ăn cắp, chẳng hay ho gì mà phải đứng trên vai của người khác(Trần Nhã Thụy, 2011). Có lẽ chính sự kĩ lưỡng và nghiêm khắc trong sáng tác văn chương đó đã tạo nên một nét riêng biệt trong văn chương Trần Nhã Thụy, một thứ văn chương đáng được thưởng thức và yêu mến. Tiểu kết: Vấn đề con người trong văn học không phải là một vấn đề quá mới mẻ, nhưng chưa bao giờ là vấn đề bị bỏ quên của văn học, thậm chí nó còn là mối quan tâm hàng đầu của người cầm bút. Tùy theo từng giai đoạn của xã hội cũng như tùy vào cảm quan của người sáng tác mà con người qua các thời kì khác nhau, qua ngòi bút của những nhà văn khác nhau sẽ có những đặc tính khác nhau. Trong văn học Việt Nam đặc biệt là văn học Việt Nam đương đại vấn đề con người được các nhà văn hết sức lưu tâm. Là một nhà văn trẻ có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà, Trần Nhã Thụy cũng đã góp tiếng nói riêng của mình trong việc tạo dấu ấn cho văn học Việt Nam đương đại, đặc biệt là thể hiện ở cái nhìn về con người và điều đó sẽ được người viết nghiên cứu cụ thể ở chương hai và chương ba của luận văn.

Chương 2. QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN TRẦN NHÃ THỤY

NHÌN TỪ CÁC KIỂU LOẠI NHÂN VẬT

Như đã nói ở trên, quan niệm nghệ thuật về con người là một vấn đề quan trọng của văn học nói chung và quá trình sáng tạo của nhà văn nói riêng. Qua việc cấu thành các nhân vật trong sáng tác của mình nhà văn đã đưa vào đấy những quan niệm, những cái nhìn mới mẻ sâu sắc của mình về con người. Trong các tác phẩm truyện ngắn, Trần Nhã Thụy đã tạo ra được một hệ thống các nhân vật đa đạng và phong phú, đó chính là kết quả của quá trình nhào nặn từ thực tiễn cuộc sống và những suy tư, trải nghiệm riêng của nhà văn. Do vậy, việc tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy nhìn từ các kiểu loại nhân vật chính là bước đi thiết thực để đến với chiều sâu của các tác phẩm, cũng như nhìn nhận chính xác cái tầm của nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)