Những người có tâm hồn nghệ sĩ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 75 - 80)

Qua lăng kính của người nghệ sĩ dường như mọi thứ đều trở nên rất nghệ thuật. Trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy có không ít kiểu nhân vật dù không phải là nghệ sĩ nhưng họ lại mang tâm hồn rất nghệ sĩ, có những người tính cách đa sầu đa cảm, họ hay băn khoăn, suy tư nhiều trước những chuyện vừa xảy ra.

Đó có thể là nhân vật anh thợ xây, ngày vẫn miệt mài nơi công trường nhưng khi đêm về anh lại là một người rất khác “Anh Phương sinh hoạt với

anh em cũng bình thường. Nhưng trong những đêm khuya thanh vắng anh thường trèo lên chỗ dàn giáo cao nhất ngồi vắt vẻo rồi lấy ống sáo ra thổi” (Trần Nhã Thụy, 2000), hay đó là một người như kiểu của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Chợ chiều “Có lẽ vì tôi quá cô độc và lãng mạn. Tôi vốn thích ngồi một mình một cõi, thả hồn phiêu du theo áng mây trôi, dòng nước chảy, cánh hoa rơi... Mơ hồ trong tôi là sự tan vỡ, hòa quyện những mảng tâm linh cay đắng, êm đềm vào cõi mênh mông, huyền diệu tuyệt vời của thiên nhiên đất trời” (Trần Nhã Thụy, 2000). Họ ít nhiều cảm nhận được tâm hồn nghệ sĩ trong con người mình, và có lẽ vì thế nên cách ứng xử của họ trước cuộc đời cũng rất nghệ sĩ, không quá buồn, không quá vui mà chậm rãi thưởng thức nó, như một cách thêm gia vị cho cuộc sống.

Trong các truyện ngắn Quận mới, Đường chim bay nhân vật kể chuyện cũng là những người khá nhạy cảm trước cuộc sống và họ thích viết, họ cũng có viết, họ gửi gắm điều đó vào trong các trang văn của mình, lắm lúc sự bất lực trước cuộc sống, sự thất vọng đều được họ mang vào trang văn, bởi thế sẽ có những trang văn buồn man mác như lời nhận xét của một nhân vật “tập sách của ông tôi có trong tay. Vợ tôi cũng đọc nó. Cô ấy bảo, ông viết buồn” (Trần Nhã Thụy, 2004). Đôi khi chất nghệ sĩ giúp họ thể hiện thái độ của mình trước cuộc sống một cách độc đáo. Hồng trong Đệ tử Haiku là một kiểu nhân vật như thế. Một anh chàng tha hương, lam lũ với nghề bán than mà lại có cái sở thích rất nghệ sĩ, làm thơ mà lại là thơ có giá trị nghệ thuật cao, thơ Haiku. “Hồng là anh chàng mười chín tuổi từ quê vào thành phố, một mình tự kiếm sống tại một xưởng làm than tổ ong, bên bờ kinh nước ngầu. Trong xưởng, có một chái nhỏ, Hồng ở đó cùng với Vàng” (Trần Nhã Thụy, 2008). Một ngày tình cờ, anh ta nhặt được quyển sách làm thơ Haiku, thế là từ đấy, anh chàng tập tành làm thơ. Sẽ không có gì ngạc nhiên vì “văn chương vị nhân sinh” văn chương phải bắt nguồn từ đời sống, và người sáng tạo văn chương, hẳn là có tâm hồn nhạy cảm với đời, nhìn đời và sáng tạo ra những

tác phẩm làm đẹp cho đời. Hồng cực nhọc bán buôn với xưởng than, suốt ngày tủn mủn với chi tiêu, với cơm áo gạo tiền vì đồng lương ít ỏi nhưng cũng là một anh chàng có tâm hồn, biết quan sát cuộc sống và lấy chúng làm chất liệu thơ. Có thể cho rằng vì làm thơ nên Hồng mới chịu nhìn cuộc sống và vì yêu cuộc sống nên anh ta mới tập tành làm thơ để vun đắp cái tình yêu ấy. Cứ nhìn vào đề tài mà anh chọn làm thơ thì rõ, người nghệ sĩ là người tìm ra cái đẹp trong cái tầm thường. Ngồi ăn xôi ở hàng cây ven đường, hóng được mọi người đang bàn tán về đợt triều cường, Hồng làm thơ:

“Ướt lưng ta Tự bao giờ

Triều cường kỉ lục” (Trần Nhã Thụy, 2008)

Hồng thì thích soi gương, bạn của anh ta lại không hề soi gương dù làm việc ở tiệm làm kính, Hồng làm thơ về điều đó.

“Gương mặt trong gương Cất đôi mắt

Giữ biên nhận giao hàng” (Trần Nhã Thụy, 2008) .

Trời mưa đường ngập nước, Hồng lại làm thơ haiku “Giữa muôn trùng Nước ngập Chết lịm cái bu-gi” (Trần Nhã Thụy, 2008) Kẹt xe làm cản trở xe cứu thương, Hồng cũng sáng tác: “Người và xe Kẹt dưới mưa

Thoát dài tiếng khóc” (Trần Nhã Thụy, 2008) .

Thậm chí nghe lời bạn rủ đi tắm ở bể nước hỏng bên đường, thích thú vì được một bữa tắm mát nên Hồng về trễ, bị chủ mắng, Hồng cũng làm thơ, nhưng không phải trách móc, mà là nói về cái trải nghiệm vui vẻ mà anh ta vừa trải qua:

“Cột nước Nhảy cẫng

Mát suốt mấy trưa hè” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Toát lên ở Hồng là sự tận hưởng cuộc sống. Đến cả cái lúc anh ta rời đi khỏi xưởng than, không làm haiku nữa, anh ta cũng làm bài thơ về điều đó, như sự tổng kết, một cuộc chia tay đầy trân trọng, “giã từ những buổi sớm cầm sách dưới bóng xanh xà cừ”:

“Ngã vào sớm Hôn vào đất

Nghi lễ thường ngày” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Một điều khá ấn tượng trong các truyện ngắn của Trần Nhã thụy đó là chân dung những người “nghệ sĩ đường phố”. Ở đây “nghệ sĩ” có thể hiểu là những con người đạt đến trình độ điêu luyện, chuyên nghiệp với công việc của mình. Nếu đã đọc qua truyện ngắn Chàng bán mía độc giả khó có thể quên hình ảnh một anh chàng bán mía với từng động tác chuyên nghiệp, thành thạo, dứt khoát:

“Cái mũ lật ngược sợi dây xuống cổ, để lộ một gương mặt rắn rỏi, thuần chất. Tay áo thun được xắn cao đến sát nách, để lộ cánh tay dài rắn chắc. Anh chàng đứng hơi dạng chân, tay cầm một con dao róc mía liên tục. Những đốt mía được róc phẳng, sạch bong. Xong, chàng vun dao chặt từng khúc mía. Những khúc mía lìa ra rớt nhẹ nhàng xuống một tấm bao tải đã được gấp lại.

Cứ như thế anh chàng mải mê làm việc. Không một chút vọng động. Chỉ có anh và những cây mía. Cả tâm trí và tình cảm anh như đang cùng những cây mía. Khi những khúc mía lìa nhẹ xuống tấm bao tải, cái nhìn anh như rớt theo đó. Hai cánh tay anh hoạt động liên tục, uyển chuyển, chính xác. Anh chàng chỉ đứng cách cô vài mét mà như đang đứng ở một cõi khác.” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Ở những thành phố lớn như Sài Gòn không khó tìm một người bán mía như thế, nhưng lắm khi chúng ta chẳng để ý mấy đến họ, đến công việc của họ, nhưng với cái nhìn của một nhà văn, Trần Nhã Thụy cho thấy anh chàng bán mía giống như một nghệ sĩ thực thụ, đang trình diễn thứ nghệ thuật khiến người khác mê đắm. Một trường hợp khác, anh chàng giữ xe bình thường ở một quán ốc ai ngờ rằng lại có một tâm hồn khoáng đạt, tự do như thế, “anh chàng, có lẽ chỉ đang ở tuổi vị thành niên. Dáng mảnh khảnh, tóc bồng bềnh, khuôn mặt đẹp sáng ngời... anh chàng hầu như mặc đi mặc lại một hai bộ đồ cũ, nhưng khá sạch sẽ. Chàng trẻ măng thường khe khẽ hát trong khi làm việc” (Trần Nhã Thụy, 2008). Chàng trai trẻ măng tỉ mỉ, chỉn chu trong công việc của mình, anh cẩn thận dắt từng chiếc xe thật ngay ngắn, canh chỉnh từng chút một cho thật ngay hàng, dẫu khi quán vắng hay đông khách chàng trẻ măng vẫn cứ làm “công việc tẻ nhạt” ấy một cách nghiêm túc. Dù ai đi qua quán ốc cũng cười, ai nhìn chàng giữ xe cũng cười, anh chàng vẫn cứ thế tiếp tục công việc của chính mình “vẫn loay hoay nhấc đít xe, dựng chống đứng, xịch qua xịch lại. Khi hàng xe ngay thẳng hoàn hảo rồi, anh chàng lại đổi vị trí từng chiếc xe, dắt qua dắt lại, rồi nhấc đít xe dựng chống đứng, xịch qua chỉnh lại. Nhảy qua xe nằm dài trên xe, cảm giác anh chàng rất nhẹ, có thể từ từ theo gió bay lên” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Cuộc sống đầy áp lực dễ khiến người ta khô cứng, chai sạn cảm xúc, nhưng qua những câu chuyện được phác họa từ bức tranh đời thường của Trần Nhã Thụy với những con người có đời sống tinh thần phong phú giúp người đọc có thêm cái nhìn mới về cuộc sống với muôn màu muôn vẻ. Tái dựng con người dưới góc nhìn nghệ thuật là một dấu ấn đáng ghi nhận trong sáng tác truyện ngắn của Trần Nhã Thụy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)