Con người muốn vùng vẫy trước cuộc đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 52 - 56)

Những nhân vật trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy rất đa dạng, ở mọi lứa tuổi, giới tính; đầy đủ các nghề nghiệp từ người lao động chân tay đến những người trí thức; đủ mọi thành phần xã hội. Có những nhân vật là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, họ là người trí thức thì cũng có những người vất vưởng, sống ở

đáy xã hội; và họ sống ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Những nhân vật của Trần Nhã Thụy có cách sống khác nhau, biến cố cuộc đời của họ cũng khác nhau, nhưng tựu trung lại, trước những khốn cảnh họ chọn cách phản kháng và dĩ nhiên, cách họ phản ứng cũng rất khác nhau. Người trí thức có cách vùng vẫy kiểu trí thức, người lao động nghèo họ có cách chống lại của riêng họ. Những yếu tố tâm lý, tuổi tác và giới tính cũng sẽ cho ra những cách phản ứng khác nhau. Các cuộc đời không gói gọn trong phạm vi một thành phần nhất định, rập khuôn. Chính bởi sự đa dạng hoàn cảnh nên khi nói đến việc con người đứng trước sóng gió cuộc đời, họ vùng vẫy để thoát khỏi hoàn cảnh cùng cực này một cách hết sức đa chiều, độc giả có thể cảm thông tiếng lòng ỉ ôi của người nghèo khổ; hiểu được vì sao người giàu cũng khóc, thấu cảm cho tất cả những mảnh đời có trong các tập truyện ngắn của Trần Nhã Thụy.

Đời cơ bản là buồn… câu nói nghe có vẻ rất bi quan về cuộc đời. Vui, buồn, đau khổ hay hạnh phúc ở đời, đều là những cung bậc cảm xúc làm cuộc sống đa sắc, thú vị. Thế tại sao biết rõ điều đó, vẫn có kẻ khóc người cười trước nghịch cảnh? Cuộc sống tuy có lúc khó khăn nhưng phải hướng đến những điều tốt đẹp, nghĩ về những ngày mai tươi sáng, phải kháng cự, khiêu chiến với cuộc đời với ý nghĩ số phận này là của chính mình. Một nhân vật cũng khá thú vị của nhà văn Trần Nhã Thụy là nhân vật “y” trong truyện ngắn

Cả thảy gãy bốn ngón chân, cuộc sống của nhân vật y không kịch tính, không

có ngang trái với đời nhưng y gây ấn tượng với độc giả qua một tình tiết khá buồn cười, y muốn hết buồn ngủ. Một buổi sáng nọ, vừa ra khỏi nhà khoảng vài trăm mét, y cảm thấy “cơn buồn ngủ như một mũi tên được bắn phập vào một nơi nào đó trên cơ thể, khiến y mất kiểm soát” (Trần Nhã Thụy, 2011). Rà soát lại hết các nguyên nhân tại sao cơn buồn ngủ lại kéo đến mãnh liệt như thế, kết quả là không, trừ việc tối qua trong bữa cơm y có chuyện không vui với vợ, và dĩ nhiên, đó cũng không phải là lý do khiến y lâm vào tình cảnh

như thế này. Y cứ thế loạng chạng tay lái khiến thằng con ngồi sau yên xe liên tục phàn nàn, y làm mọi cách để chống chọi lại cơn buồn ngủ vô lí này, bằng tất cả các biện pháp từ “để thõng chân cà đế giày loạt xoạt xuống mặt đường” (Trần Nhã Thụy, 2011), chạy qua đoạn ngập nước vẫn “thả luôn hai chân xuống nước hy vọng cái lạnh có thể xua đi cơn buồn ngủ” (Trần Nhã Thụy, 2011), đến cả khi xe dừng chờ đèn ở ngã tư, y tranh thủ gục xuống, lúc này y cảm thấy bàn chân phải của mình bị một chiếc xe cán qua, nhờ cơn đau bất thình lình này đã khiến cho y choàng tỉnh nhưng “cơn đau không đủ mạnh để có thể làm cơn buồn ngủ tan biến hẳn” (Trần Nhã Thụy, 2011), y vẫn cứ buồn ngủ. Thêm một bánh xe cán vào, nhưng lần này là bên bàn chân trái, cơn đau dữ dội hơn nhưng cơn buồn ngủ còn mãnh liệt gấp bội. Thậm chí, trong lúc vật vã với giấc ngủ, y nhớ lại mấy lời của đồng nghiệp, nghĩ chuyện bậy bạ sẽ tỉnh táo, y cũng thử nghĩ bậy, kết quả y lại lịm vào cơn buồn ngủ khác. Và rồi, chập choạng thế nào y sực nhớ hôm nay mình phải đến buổi hội thảo, rồi u mê kiểu gì y không nhớ số phòng và rồi thuận tiện làm sao chỗ họp có một băng ghế, thế là y ngả lưng và ngủ một giấc đến chiều. Vậy cả quá trình nhân vật rất chật vật chống chọi cơn buồn ngủ thì có can dự gì đến sự vùng vẫy của con người với cuộc đời? Có lẽ nên quay lại với căn nguyên chuyện y không vui với vợ. Chả là y có nguyện vọng khi chết được chôn ở quê nhà, khi nghĩ đến đây, trong đầu y hiện lên “khung cảnh tịch vắng của khu vườn nằm dưới chân đồi” “chỉ có thiên nhiên và chim chóc” và ở đó, có “hàng dãy mộ tổ tiên, ông bà”, có cả những kí ức của quãng đời tuổi thơ y. Con người khi muốn tìm về thiên nhiên, tìm về những ngày tháng xưa cũ tươi đẹp bình yên tức là họ mong muốn hướng đến một cuộc sống an nhiên, và có thể nhân vật y, cũng có cái ao ước được sống một cuộc sống nhẹ nhàng không bon chen, tiếc là vợ y gạt phắt đi, quát y vì cái suy nghĩ quái đản. Y buồn, không phải là buồn về chuyện bị cô vợ quát, mà y buồn bởi từ lâu, nơi cuộc sống thị thành đầy tấp nập này, con người ta đã quá quen với việc phải len lỏi trong mớ hỗn độn xe

cộ; đã quá quen với những tiếng còi xe, tiếng nhạc xập xình từ các cửa hiệu, tiếng người nói cười huyên náo cả phố phường; quen với guồng quay điên đảo áp lực công việc nhưng dễ dàng làm ăn; quen luôn với cả nhịp sống nhanh, gấp thì tự dưng có ai ước ở một nơi thời gian chầm chậm trôi, mây lãng đãng bay, nơi hẻo lánh tịch mịch chỉ có tiếng chim và tiếng gió thì chắc là người điên. Y buồn vì hóa ra, mình không thể sống cuộc đời thanh nhàn như mong ước. Cơn buồn ngủ, phải chăng chính là hiện thân của cuộc sống đầy những mệt mỏi, áp lực này, y chống lại nó, như chính y đang chống lại cuộc sống thực tại của mình. Y trong truyện ngắn này, cũng là một kiểu người vùng vẫy trước cuộc đời.

Cũng chọn cách âm thầm vùng vẫy thoát khỏi cuộc sống bức bối đó là nhân vật Minh trong truyện ngắn Quận mới, thoáng nhìn thì thấy bình thường nhưng đó là cả một nỗi đau đáu, xót xa. Minh là dân tỉnh lẻ, học sư phạm, ra trường đi dạy được gần năm rồi mất việc nên thành ra thất nghiệp. Giờ đây, để bám trụ lại thành phố này, cô phải đi bán lỉnh kỉnh những món đồ ở cửa hàng tạp hóa. Việc cô xoay sở sống ở nơi thị thành này, âu cũng chỉ là cuộc mưu sinh nhưng qua đó, thấy được ở nhân vật là sự vùng vẫy với cuộc đời, Minh cố gắng bươn chải, đánh vật với cuộc sống cũng chính là cách cô đang tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt hơn ở phố thị, thoát khỏi sự khó nhọc nơi quê nhà.

Ngoài ra những nhân vật như Quyến, Kim Chi trong truyện ngắn Lũng Voi, Xinh trong truyện ngắn Cô gái trên tàu,… cũng là những dạng người như vậy, trước những trái ngang ràng buộc của cuộc sống họ không cam chịu, khi bản năng con người trỗi dậy họ chọn cách phản kháng, vùng vẫy, họ muốn thoát ra cái thực tại xám xịt mà họ đang đối diện.

Nói tóm lại, Trần Nhã Thụy đã khắc họa những số phận đầy trắc trở, đa đoan, hiếm có ai hạnh phúc nhưng ở họ vẫn mang trong lòng sự sâu sắc, sự nhạy cảm với những giông bão cuộc đời, họ không đầu hàng số phận. Nhà

văn Trần Nhã Thụy đã thể hiện sự nhân văn của văn chương với triết lý rằng dù trong mọi hoàn cảnh nào, dù kết quả có ra sao, cũng hãy một lần là chính mình, hãy cố phấn đấu để giành lấy những gì mình xứng đáng có được, đừng buông xuôi bất lực với cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)