Amos Goldberg giải thích chấn thương “là sự va chạm với một sự kiện vượt ngưỡng”. Còn “viết trong trạng thái bị chấn thương”, thì, “cây bút không chỉ là phương tiện để viết mà trước tiên và hơn hết, nó là một vật thể cho phép người ta bằng cách nào đó có thể nắm bắt được cái nỗi đau không thể chạm đến của mình.”. Và, “trong động thái viết này, người ta luôn hiểu rõ tình trạng bất khả tiếp cận của kinh nghiệm chấn thương và sự không phù hợp của cái biểu đạt với vai trò biểu hiện của nó và do đó, tiếp tục cuộc kiếm tìm bất tận những cái biểu đạt mới một cách đầy đau đớn. Khoảng cách cần thiết giữa chủ thể và thế giới như là một vũ trụ tượng trưng được duy trì. Một mặt, thế giới không hoàn toàn đánh mất ý nghĩa của nó (nó không “đảo lộn”); một mặt, cái thế giới mà nhà văn bị ném vào đó không được thừa nhận đương nhiên như là trạng thái tự nhiên của tồn tại nữa, […]”; “Bằng động thái viết, tôi cho rằng, nạn nhân đã cố gắng “đóng khung” chính mình trong vùng chấn thương để không rơi vào một trong hai hình thức tồi tệ hơn rất nhiều […]. […] viết một câu chuyện (như nhật ký của Szeps) trong thời kỳ Holocaust chính là viết một tự thuật/chuyện đời – không chỉ có nghĩa là một tự sự miêu tả lại cuộc đời của người viết mà còn theo nghĩa đen, trực diện nhất, câu chuyện thực sự cho phép đời sống khả hữu.” (Dẫn theo Nguyễn Thành Thi, 2011).
Văn học chấn thương là một khái niệm có từ hai nguồn cơ bản: thứ nhất, nó xuất hiện trong văn học Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa dưới hình thức một phong trào văn hóa, phản ánh nỗi đau của thời Cách mạng Văn hóa. Con người hỗn loạn, chia rẽ và xung đột, xung đột với lịch sử và thời đại. Thứ hai, nó cũng xuất hiện trong hệ thống sáng tác và các lý thuyết về văn học trong văn học phương Tây thế kỷ 20 khi con người phải chịu rất nhiều sang chấn tâm lý, những mất mát tổn thất tinh thần sau hàng loạt cuộc chiến tranh, xung đột chính trị xã hội. Văn học Việt Nam đương đại đã bắt kịp xu hướng của văn học thế giới, bắt đầu nhận ra và nghiên cứu vấn đề này thông qua nhiều tác phẩm tập trung vào bi kịch của con người được viết thời kỳ hậu đổi mới.
Biến động mạnh mẽ của thời cuộc đã làm xuất hiện những dạng thức con người với những chấn thương tâm lý nhất định, ví dụ: tình trạng mất niềm tin, nỗi lo âu đánh mất nhân tính, sự sợ hãi trước cái chết, ám ảnh về những mất mát, đổ vỡ, lạc lõng... Đó đều là những dạng tổn thương tâm lý khi bản ngã con người phải đối diện với bạo lực, chết chóc, biến động, khốn khổ, định kiến. Trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy mỗi nhân vật có một số phận, nhưng ở họ có một điểm tương đồng đó chính là dưới tác động của các yếu tố bên trong, bên ngoài đã để lại những tổn thương sâu sắc tác động ít nhiều đến hành vi, thái độ của con người.
“Tình trạng chấn thương tinh thần thường bắt đầu từ một “sự kiện va chạm quá ngưỡng” giữa cái tôi cá nhân với môi trường xã hội bao quanh” (Nguyễn Thành Thi, 2011). Nhân vật “y” trong truyện ngắn Cửa sau thành phố là nạn nhân của sự va chạm như thế, nó bắt nguồn từ việc “duy chỉ một lần thay vì gửi tiền qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm (phải chịu tốn cước phí), thì người mẹ “ngụy trang” tiền trong thư và gửi cho y (để khỏi mất một khoản). Nhưng, cuối cùng, y chỉ nhận được thư mà không thấy tiền đâu” (Trần Nhã Thụy, 2008). Không có tiền “y nằm ở nhà trọ nhịn đói đúng ba
ngày. Ba ngày y chỉ uống nước ở vòi phông- ten.” (Trần Nhã Thụy, 2008). Cho đến khi những người bạn cùng phòng trở về và mang theo một bức tranh mà tay nọ vừa đoạt giải của một cuộc thi cấp thành phố. Đang lúc đói bụng, y đứng dậy lao đến bức tranh xổ một tràng “Đẹp, đẹp quá, lả lướt vô cùng” và y bị đám bạn cười nhạo, “y choáng váng. Rồi y như rơi vào một cái lỗ đen (đại loại vậy). Một vòng xoáy cuốn tuột (cảm giác thế)” (Trần Nhã Thụy, 2008). Sau lần ấy y đổ bệnh, trong y luôn tồn tại một cánh cửa phía sau thành phố, mở ra một thế giới êm đềm, tuyệt diệu. Có thể y đã bị chấn thương tâm lý, y chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rơi vào hoàn cảnh cùng cực đến thế, đói khát, bị khinh bỉ bởi trước đó y nào có thiếu thốn gì. Sau cú sốc đó, y luôn tưởng tượng ra có một thế giới khác mà ở đó mọi người, mọi thứ đều diễn ra một cách hoàn hảo, những tạp nham của thế giới không thể nào xâm nhập được.
Quay cuồng theo vật chất, con người rơi trạng thái vô cảm, thờ ơ với cuộc sống, nhịp sống hiện đại càng gấp gáp, vội vã con người càng có xu hướng thu mình lại, con người tách biệt khỏi thế giới. Vì thế trong văn học hiện đại con người cô đơn là kiểu nhân vật xuất hiện có tần suất cao trong văn xuôi sau 1986. Thân phận con người với nỗi cô đơn tự thân trở thành mối quan tâm, trăn trở của văn học đương đại. Nhân vật nhà văn già trong truyện ngắn Người đàn ông và con chó nhỏ là một dạng người cô đơn điển hình trong xã hội. Trong mắt người ngoài ông là một người được xã hội trọng vọng săn đón, lúc nào cũng mang gương mặt xởi lởi, xã giao với mọi người xung quanh, thế nhưng bên trong ông là sự cô đơn, trống rỗng “ông cũng đã nghỉ đến cảnh về hưu sẽ ngồi chông chốc ở nhà, nhưng điều đó với ông cũng chẳng có gì buồn. Chỉ có điều ông cảm biết rằng cuộc sống của ông rồi đây sẽ thu vào một góc. Sống một góc nhỏ riêng mình rồi chờ phút ra đi” (Trần Nhã Thụy, 2011). Đâu đó trong tâm hồn ông là nỗi hoài niệm về tháng ngày tuổi thơ – quãng thời gian yên bình, tự tại và chân chất. Khi giữa con người và bộ mặt xã hội không có tiếng nói chung, con người dần cô lập mình để hạn chế
cũng như tránh những tác động từ bên ngoài, đó là một phương pháp để con người tự bảo vệ mình.
Lầm lũi ôm đắng cay vào mình, đó cũng chính là nhân vật pê-đê già trong truyện ngắn Người pê-đê già. Nhân vật này trong tác phẩm xuất hiện lặng lẽ. Người pê-đê già, lần xuất hiện đầu tiên: ngồi lặng yên hút thuốc trên mố cầu trong đêm vắng. Người pê-đê già, lần xuất hiện thứ hai: nằm hẳn xuống mố cầu, lưng thẳng, hai tay xuôi theo thân người. Người pê-đê già, lần xuất hiện thứ ba: vẫn tư thế nằm buông xuôi. Người pê-đê già, không còn lần xuất hiện nào nữa. Lão lặng lẽ yên ắng ở đấy rồi cũng lặng lẽ yên ắng biến mất. Điều gì khiến lão lặng lẽ một mình trong đêm tối? Những tay thanh niên khi biết chuyện cũng thử phân tích “Người pê-đê già này có vẻ gì đó bất an. Ông ta ngồi ở đó một mình chắc là rất cô đơn” (Trần Nhã Thụy, 2008). Người pê-đê già bất an và cô đơn. Có lẽ là vậy. Nơi mố cầu ông từng lặng yên ở đó, trên nền xi măng, có vẽ một hình nhân nhỏ như hình hài nhi. Phải chăng, vì mình là người đồng tính, chịu sự ghẻ lạnh, trêu chọc, coi khinh, cười nhạo, xem như đồ khác người suốt quãng đời nên luôn cảm thấy bất an? Phải chăng, vì mình là người đồng tính, chịu sự hắt hủi, tò mò, châm biếm, xem là người dị thường nên cả đời người, không có lấy một người bạn thật sự, tình yêu lại càng không, nên cảm thấy cô đơn? Một gia đình hạnh phúc với những đứa con là những điều ai cũng có quyền được có. Đồng tính không phải dị nhân, họ cũng là người, họ cũng có mưu cầu hạnh phúc, họ cũng có quyền được làm người, quyền được sống. Nhưng tiếc thay, cái xã hội vẫn còn nhìn họ bằng một cặp mắt không mấy tích cực, nên họ đành phải thu mình lại, gặm nhấm nỗi tủi cực, lặng lẽ sống.
Viết về những con người đô thị Vi Thùy Linh từng cho rằng “Đời sống vật chất càng tăng, xã hội càng phát triển công nghiệp hoá, con người càng cô đơn, bế tắc, bất an. Sự thực dụng, giả dối tràn lan. Đạo đức giả, bằng giả, cho đến khuôn mặt, cơ thể giả cùng không ít thứ ngụy tạo khác khiến người ta
sống trong mặc cảm, sự bấp bênh” (Vi Thùy Linh, 2013). Motif về con người với mặc cảm bị bỏ rơi cũng xuất hiện trong một vài sáng tác của Trần Nhã Thụy. Nhà văn đặc biệt quan tâm đến hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc mang nỗi lo sợ bị bỏ rơi. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Người mẹ là đứa trẻ bị bỏ rơi, được một người đàn bà làm nghề quét chợ nhận nuôi, nhưng rồi bà cũng mất. Nói về cuộc đời mình nhân vật gọi đó là một cuộc đời “trầm luân, hao khuyết”, sâu thẳm trong tiềm thức của nhân vật là sự thiếu thốn tình cảm, có lẽ vì thế mà nhân vật vừa gặp “mẹ” đã nảy sinh thứ tình cảm quý mến, anh thương cho cuộc đời bất hạnh của mẹ, và anh quyết định dọn đến ở cùng mẹ, anh luôn sợ một ngày nào đó mẹ sẽ bỏ lại anh, mẹ chết, anh chìm trong nỗi trầm mặc, đớn đau không ai hiểu thấu.
Cũng mang trong mình mặc cảm bỏ rơi, thằng Sanh trong truyện ngắn
Miền Đông là một đứa trẻ với những thương tổn sâu sắc về mặt tinh thần. Sanh trở thành đứa trẻ mồ côi sau thảm kịch của gia đình, nó gặp được Phùng, hai người một lớn một nhỏ nương tựa nhau, Phùng muốn gửi nó cho một nhà người quen cho nó đi học, thằng Sanh không chịu và nó đã bỏ đi. Những ngày sống chung với Phùng, thằng Sanh được sự chăm sóc của Phùng, Phùng thương nó như con, người ta cũng nghĩ rằng trẻ con rồi sẽ nhanh quên, nhưng không, chính nỗi sợ bị bỏ rơi, những dư chấn tâm lý khiến nó sợ hãi, nó chủ động rời đi như một cách để trốn tránh nỗi sợ, nó sợ rồi đây Phùng cũng sẽ bỏ nó như mẹ nó đã bỏ nó ở lại thế gian này.
Trong văn học, cái chết dù là về thể chất hay tinh thần đều là chủ đề của nhiều sáng tạo nghệ thuật và văn học. Chủ đề này xuất hiện rất lâu và cũ, nhưng theo thời gian với những cảm thức nghệ thuật khác nhau nó đã trở thành mối quan tâm của nhiều nhà văn. Cái chết là một biểu tượng kết thúc. Do đó, trong văn học, dù trực tiếp hay gián tiếp, người ta vẫn viết nhiều đề tài về cái chết, với cách thể hiện rất đa dạng và phong phú. Cái chết rõ ràng cho thấy sự rạn nứt lớn nhất giữa tinh thần và thể xác “Cái chết đối với họ là sự
mẫu thuẫn khi vừa ý thức về cái chết, vừa mang tâm lý chối bỏ cái chết, con người sợ hãi cái chết, nhưng trong vô tình con người lại cận kề cái chết hơn bao giờ hết” (Lê Thị Diễm Hằng, 2018).
Trần Nhã Thụy bằng cách nào đó biến cái chết thành một dạng thức đặc biệt để từ đó nhà văn tìm thấy sự biến dạng của đời sống tâm lý con người khi họ đối diện với cái chết. Những bông lúa chín phạt tôi, Người mẹ, Những
bước chậm của thời gian, Lũng Voi, Chú bé trên cầu... là các truyện ngắn thể
hiện rõ nhất, đậm đặc nhất những “triệu chứng” mang tính chất “tâm chấn” về những cái chết.
Trước hết, với Trần Nhã Thụy cái chết chính là một sự giải thoát, mọi khổ ải và bi lụy của đời người kéo dài khiến người ta mất dần ý thức sống, họ trông chờ cái chết như là con đường chấm dứt những đớn đau về thể xác lẫn tâm hồn. Hình ảnh người mẹ trong câu chuyện cùng tên là một ví dụ, cuộc đời mẹ đã trải qua quá nhiều nỗi đau “mẹ có bảy người con cả thảy. Trải qua ba đời chồng. Người nào cũng chết bất đắc kỳ tử. Cái duyên sum họp ra duyên bẽ bàng. Người ta bảo mẹ là gái sát chồng” (Trần Nhã Thụy, 2000). Mẹ sống những năm tháng của tuổi già với người con gái, nhưng cô gái lại bị người ta lừa, không chồng mà lại có con, mẹ buồn, cuộc đời mẹ là những bi kịch chất chồng bi kịch, tuổi già mẹ nhận ra mình chẳng còn làm gì được, bàn tay giờ khô cứng vụng về, người phụ nữ ấy cả đời chịu nhiều tủi nhục, chẳng mong gì hơn là được chết, làm mọi cách để mình nhanh chết. Vì như cái cách mẹ mẹ nói, sống vô dụng, sống u buồn thì thà mẹ chết đi còn hơn. Và mẹ chết thật vào một ngày trời mưa, dường như chỉ đến lúc ấy nhân vật mới thật sự có được hạnh phúc mà cả đời từng khao khát.
Cái chết trong truyện ngắn của Trần Nhã Thụy không chỉ là cái kết tất yếu mà đồng thời còn như một sự giải thoát khỏi bi kịch của con người. Mặt khác cái chết còn được sử dụng để tái hiện lại sự tan vỡ của thế giới và những chấn động khó kiểm soát trong thế giới tinh thần của con người. Trong truyện
ngắn Những bông lúa chín phạt tôi, cái chết của người em vì căn bệnh tiêu chảy đã ám ảnh nhân vật tôi suốt ngần ấy năm trời cũng như những tiếc nuối giá như. Người ta dễ mủi lòng, dễ thông cảm, dễ trải lòng với thế giới ngoài kia, nhưng với những gì thân thuộc với họ, họ thường im lặng. Và thật đau xót, khi những người thân thuộc với ta lại là những người phải đón lấy những đau khổ, buồn bã mà ta trao cho họ.
Cái chết vì thuốc độc của ba mẹ con nhà nghèo trong truyện ngắn Lũng Voi, hay những cô gái chết vì đầm mình cả ngày dưới sông để tìm rùa, ba ba bán cho ông chủ Bích có sức ám ảnh ghê gớm không chỉ với Quyến, với tôi mà còn cả người đọc. Đó là minh chứng cho sự xói mòn các giá trị tinh thần. Nó còn có ý nghĩa như hồi chuông cảnh tỉnh về một thời đại mà con người dần trở thành nô lệ cho đồng tiền.
Trần Nhã Thụy trong những sáng tác của mình đã đặt nhân vật ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, không phải để họ cảm nhận sự đáng sợ của nó mà là để họ biết trân trọng cuộc sống. Trong truyện ngắn Những bước
chậm của thời gian nhân vật “tôi” đã từng suýt chết đuối, và điều đó ám ảnh
tôi trong một thời gian dài, nó thường xuất hiện trong giấc mơ những hình ảnh đáng sợ lặp đi lặp lại “đêm nào, tôi cũng thấy mình chìm đến tận đáy. Chìm mãi xuống. Rồi vụt bồng lên cùng với những tiếng la hét kinh sợ” (Trần Nhã Thụy, 2004). Sau lần đó, tôi không dám tập bơi, tôi bỗng thấy xúc động khi nhìn thấy những người chết nằm trong cỗ quan tài được khiêng qua con đường làng, thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ về cái chết, những việc sau khi con người chết đi, tôi lắng nghe những bước chậm thời gian trôi qua, và hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của thời gian.
Từ quan niệm đa chiều về con người, nhân vật trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy đã được soi rọi đến tận thấu đời sống bên trong, những vùng mờ vô thức; những mặc cảm, những giằng xé trong tâm hồn.