Giọng điệu triết lí, suy ngẫm trước cuộc đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 101 - 105)

Văn học nhận thức và phản ánh cuộc sống, bên cạnh đó còn thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn trước những vấn đề của cuộc sống, của con người, là nơi để nhà văn kí thác, gửi gắm, khẳng định quan niệm của mình về nhân sinh, lý tưởng thẩm mỹ. Qua các tác phẩm của mình, Trần Nhã Thụy đã thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự, nhân sinh, giọng điệu đặc trưng đó được tạo nên từ nhiều nguồn cảm hứng: cảm hứng thương cảm và cảm

Trước những khó khăn bủa vây lấy chúng ta hằng ngày, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, Trần Nhã Thụy đã có những suy nghĩ rất độc đáo, rằng “Tôi nghĩ về điều kiện sống và những mối quan hệ. Không phải ai cũng có điều kiện tốt và quan hệ đẹp; nhiều người sống trong sự triển hạn và bỏ rơi. Nếu sống trong sự triển hạn và bị bỏ rơi mà không cảm thấy bất hạnh thì người đó chính là một nghệ sĩ” (Trần Nhã Thụy, 2004).

Hoà đời sống của riêng mình vào đời sống chung đang trong tốc độ phát triển như vũ bão của đời sống xã hội, Trần Nhã Thụy vỡ lẽ ra nhiều điều về con người, cuộc sống trước guồng quay gấp gáp của một thời đại hiện đại trong tác phẩm của mình. Trần Nhã Thụy nói rằng “Tôi thấy, chúng ta dường như chỉ sống quãng thời gian tuổi thơ đầy kí ức và dăm ba năm tuổi trẻ. Là dăm ba năm sống ý nghĩa, hết mình sáng tạo cống hiến thật sự rồi sau đó an phận làm một công chức bình thường” (Trần Nhã Thụy, 2004). Đó chính là đúc kết của một người từng trải, kinh qua những thăng trầm cuộc sống, để rồi nhận ra rằng tuổi trẻ chính là thời gian đáng quý nhất của con người. Hay nói về sự thành công hay thất bại trong cuộc sống Trần Nhã Thụy có cái nhìn rất thẳng thắn “Cuộc đời có thành công có thất bại là chuyện thường tình, không ai thành công mà không qua thất bại, như vậy là không công bằng, thành công hoài thì cũng gặp họa, như Napoleon bách chiến bách thắng nhưng cuối cùng bị phản bội và giết chết” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Giọng triết luận cho thấy sự xuất hiện rất rõ con người Trần Nhã Thụy, nhất là qua giọng trữ tình ngoại đề, qua sự hoà quyện giữa giọng điệu người kể chuyện và giọng của nhân vật trong truyện, chẳng hạn như trong truyện ngắn Chú bé trên cầu: “Tôi ú ớ kêu không thành tiếng; ngực tôi nhói đau khủng khiếp”… “nhưng tôi hoàn toàn không chút ngạc nhiên về mình. Tôi già rồi. Có còn tha thiết gì nữa đâu” (Trần Nhã Thụy, 2008). Con người thật kì lạ, muốn làm nhưng không dám vượt ra khỏi những rào cản của cuộc sống. Có khi, bằng giọng triết lí, Trần Nhã Thụy như muốn chuyển tải những chân lí vĩnh cửu của cuộc sống.

Những triết luận về đạo đức, nhân sinh của Trần Nhã Thụy cũng chính là những suy tư, khắc khoải của nhà văn về sự đổi thay, tha hoá nhân cách con người trong thời buổi kinh tế thị trường. Những câu chuyện của Trần Nhã Thụy cũng không nằm ngoài những trăn trở ấy, vấn đề đạo đức con người trước những thách thức của cuộc sống mới được nhà văn đặt ra, và giống như Trần Nhã Thụy đã từng viết “Cuối cùng thì mọi thứ son phấn phù phiếm đều trôi đi hết. Cái còn lại là sự giản dị và chân thật” (Trần Nhã Thụy, 2008). Với giọng điệu triết lí, truyện ngắn Trần Nhã Thụy đã chạm đến những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh nhức nhối: Đâu là tồn tại? Đâu là hạnh phúc? Và cuộc sống của chúng ta là gì? Gần như không một truyện ngắn nào của anh giải quyết được triệt để những vấn đề có ý nghĩa siêu hình ấy. Nhưng qua lời của nhân vật, chúng ta có thể thấy được những quan điểm mang tầm khái quát và suy tư của tác giả.

Còn đây là cánh cửa sau lưng thành phố. Đã nhiều lần trong giấc mơ gã thấy có một cánh cửa khổng lồ nằm sau lưng thành phố. Mỗi chiều xuất hiện một cánh tay khổng lồ để mở cánh cửa đó ra. Cửa mở. Để đón chúng ta về một miền êm đềm, tuyệt diệu. Đôi khi, gã thử mở cánh cửa đó bằng chính cánh tay của mình nhưng tuyệt vọng. Cánh cửa đó quá nặng so với sức lực gã. Những lúc như thế gã không biết mình có biểu hiện gì của bệnh tâm thần không (?) Nhưng, đã có một cánh cửa như thế trong gã. Còn anh ta? Có lẽ anh ta đã quyết mở cánh cửa đó bằng tất cả sức lực của mình (Trần Nhã Thụy, 2008).

Truyện ngắn Thèm hôn có một giọng kể hấp dẫn và hài hước, xen lẫn những lời bình luận thi vị. Tác giả làm như đang kể một câu chuyện nhẹ nhàng của đời thường. Nhưng bên dưới giọng điệu hài hước kia là câu chuyện

“cười ra nước mắt” về sự phá sản của đời sống tinh thần trước sức ép của nhu cầu vật chất. Người chồng sau ngần ấy năm chung sống với vợ bỗng thèm hôn, hôn như một cách thức của tình yêu, ấy thế mà cô vợ thì ngược lại, mỗi ngày đều nhắc với chồng việc cô ấy thèm heo quay. Giọng thản nhiên, che giấu nhiều trăn trở đã khiến Trần Nhã Thụy thực hiện được một ẩn ý quan trọng: nhường quyền suy nghĩ và đánh giá lại cho người đọc. Phải chăng khi người ta đã là vợ chồng, thì những gì thuộc về tình yêu trở nên xa xỉ, phải chăng đời sống vật chất chính là điều quyết định đời sống tinh thần?

Giọng điệu triết lí trong văn Trần Nhã Thụy không hề gượng ép hay giả tạo. Trái lại, rất chân thành, bởi đó chính là những đau đắng và trải nghiệm trong đời mà anh đã quan sát, thể nghiệm và trải qua. Từ sự đồng cảm với thân phận của người trẻ, anh triết lí về nỗi cô đơn, bất hạnh của họ như chiêm nghiệm chính mình sau những mất mát đắng cay:

Càng về sau anh càng nhận thức rõ rằng , cuộc sống thực chất là một “bài tập”. Bài tập chính là phải bước đi những bước thăng bằng, như đi trên dây, luôn luôn là như vậy, nếu không sẽ bị té nhào, té từ độ cao và không có bảo hiểm. Phải tập sống, tập chịu khó tìm kiếm công việc, tập giữ gìn sức khỏe, tập củng cố niềm tin, tập tỏ sự thiện chí và lòng biết ơn, tập một vài trò tiêu khiển, tập một số mánh khóe v.v… và v.v… Và đừng bao giờ nghĩ là không cần tập” (Trần Nhã Thụy, 2011).

Từ góc nhìn của nhà văn, Trần Nhã Thụy để cho nhân vật của mình khái quát về một tương lai tốt đẹp, dù họ phải sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Quả thực, bằng sự đồng cảm với số phận và khao khát hiện sinh của nhân vật, tác giả đã gợi trong lòng người đọc những trăn trở và suy ngẫm. Suy cho cùng, triết lí rút ra từ truyện ngắn Trần Nhã Thụy: làm thế nào chúng ta có thể tìm giữ được vẻ đẹp tâm hồn trước cuộc sống này, liệu những người

quanh ta có cảm thấy hạnh phúc hay không. Điều đáng chú ý là: dẫu cay đắng, cảm thông thì giọng triết lí của anh cũng không cay độc, gai góc mà nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Những lời triết lí ấy bật ra tự nhiên từ trái tim nhạy cảm và sự trải nghiệm cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Dường như mỗi truyện ngắn của anh đều vươn tới sự khái quát đời sống. Bởi vậy, sử dụng giọng điệu triết lí là cần thiết để có được sự cô đọng, súc tích của tác phẩm trong hình thức thể loại tự sự ngắn. Cùng với giọng trữ tình tha thiết, giọng triết lí suy ngẫm đã làm nên đặc sắc riêng về giọng điệu cho truyện ngắn Trần Nhã Thụy, góp phần làm nên và khẳng định phong cách truyện ngắn của tác giả này trên văn đàn Việt Nam đương đại.

Tất cả các sắc thái giọng điệu đều biến hóa đan cài tạo nên cái nhìn đa diện, đa chiều góp phần giúp tác giả Trần Nhã Thụy đi sâu khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người và khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong sáng tác của nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)