Nghệ thuật xây dựng nhân vật nhiều xung đột

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 84 - 87)

Theo Karl Marx, mâu thuẫn là một hiện tượng phổ biến tồn tại trong mọi sự vật, là động lực phát triển thế giới. Quá trình vận động của thế giới chính là quá trình phát triển và giải quyết các mâu thuẫn, mâu thuẫn giữ vai trò thúc đẩy xã hội phát triển (Nguyễn Thị Thu, 2013).

Bản chất của văn học là phản ánh đời sống con người và xã hội, vì thế trong các sáng tác văn học nhà văn phải xây dựng được cốt truyện mà ở đó tác phẩm bộc lộ được các mâu thuẫn đời sống, tức là các xung đột. Cốt truyện luôn được triển khai trên nền của những xung đột căng thẳng, nói cách khác, chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các mâu thuẫn đời sống. Xung đột hay “sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để

xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật” “là cơ sở và động lực thúc đẩy của hành động, xung đột quy định những giai đoạn chính của sự phát triển cốt truyện, trình bày, khai đoạn, thắt nút phát triển, đỉnh điểm, kết thúc” (Lại Nguyên Ân, 1999). Điều đó có nghĩa là việc xây dựng các xung đột có mâu thuẫn sẽ làm nổi bật một phần tính cách của nhân vật. Việc đặt nhân vật vào những mâu thuẫn xung đột góp phần tô đậm tính cách của nhân vật mà nhà văn chủ đích xây dựng, “xung đột là biểu hiện cao nhất sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tính cách trong một tác phẩm” (Phùng Hoài Ngọc và Nguyễn Hoàng Anh, 2011). Chính những xung đột tạo nên sự kịch tính, sự hấp dẫn, sự cuốn hút của tác phẩm. Việc xây dựng xung đột là một yếu tố thiết yếu trong một tác phẩm văn học nói chung cũng như truyện ngắn nói riêng. Sự xuất hiện của xung đột trong tác phẩm làm câu chuyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ, bên cạnh đó thông qua việc xây dựng, giải quyết các xung đột đặt ra chúng ta sẽ thấy được những dụng ý nghệ thuật của nhà văn, từ đó hiểu được tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, hiểu được những gì nhà văn gửi gắm qua cách lựa chọn phương hướng giải quyết vấn đề và tạo cho bản thân một phong cách nghệ thuật riêng độc đáo. Xung đột đóng vai trò quan trọng trong một tác phẩm văn học cả về mặt nội dung và nghệ thuật. “Chính qua những xung đột xã hội mang tính kịch sâu sắc được phản ánh vào tác phẩm thì sự thật nghệ thuật mới có khả năng đạt tới mức độ tập trung cao nhất” (Hà Thanh Vân, 2015). Ở các tác phẩm khác nhau của cùng thời đại, xung đột mang tính nhất định. Chẳng hạn một trong những vấn đề trung tâm của nghệ thuật cổ đại là xung đột giữa con người bị giới hạn trong những tiên cảm của mình và định mệnh khống chế nó. Ở thời trung cổ “đó là xung đột giữa thần linh và quỷ xứ, giữa tinh thần với cảm xúc trong bản chất con người; ở chủ nghĩa lãng mạn là xung đột giữa lý tưởng và thực tại, giữa cái cao quý với cái tầm thường; ở chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đó là xung đột đối kháng giai cấp, sự hình thành ý

thức tập thể chống lại đạo đức cá nhân chủ nghĩa” (Trần Đình Sử, 1998). Trong tác phẩm văn học, xung đột được nhà văn xây dụng ở nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau. Chúng ta thường thấy một số kiểu xung đột cơ bản như: xung đột giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa tính cách với tính cách, giữa các thái cực của tính cách tâm lý trong một nhân cách,… Văn học ở giai đoạn hiện đại các nhà văn nhìn xung đột từ góc nhìn nhân sinh: xung đột giữa vấn đề xã hội và bản năng sinh vật, giữa ý thức và tiềm thức… Xung đột làm thành hạt nhân của các đề tài nghệ thuật. Tính chất xung đột/ mâu thuẫn trong truyện do chủ đề mà nhà văn lựa chọn quyết định cùng với phương thức thể hiện chúng nên hết sức đa dạng và biến đổi theo dòng lịch sử. Nhưng tính chất đối kháng bề mặt này thực chất chính là một biện pháp mờ hoá xung đột thật sự ở bề sâu. Có hai cấp độ biểu thị xung đột: thứ nhất là dạng xung đột bản năng, thứ hai là dạng xung đột giữa chủ thể này và chủ thể khác.

Biểu hiện bề mặt của dạng xung đột thứ nhất là những truyện thường che giấu sự đối kháng bằng cách đặt trọng tâm truyện sang một vấn đề ngoại biên so với quan hệ giữa hai nhân vật chính.

Thiếu vắng các xung đột, người đọc được tiếp xúc với những truyện ngắn “nhẹ tênh” (hiểu theo nghĩa là tất cả đều diễn ra một cách nhẹ nhàng). Nhưng dưới cái vẻ “lành hiền” của cốt truyện ấy luôn luôn là những lớp sóng ngầm của những xung đột còn lớn lao hơn, dữ dội hơn. Những tình thế bi kịch, những số phận bấp bênh trong âu lo được xây dựng trong tác phẩm đã giúp nhà văn phân tích sự tồn tại, cấu trúc xã hội, cấu trúc đời sống tâm hồn con người hiện đại một cách chính xác và sâu sắc.

Nghệ thuật tổ chức xung đột là bằng chứng quan trọng của sự tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và kỹ thuật viết, đồng thời là dấu hiệu về sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật.

Nghiên cứu những truyện ngắn của Trần Nhã Thụy, chúng ta thấy rất rõ đó là những tác phẩm đều lấy con người, những chân dung trong cuộc sống

hằng ngày, những thân phận khác nhau làm cảm hứng chính, ở đó tồn tại những mâu thuẫn xung đột cơ bản, xung đột giữa con người với hoàn cảnh sống, xung đột con người với văn hóa mới, xung đột giai cấp giữa người nghèo người giàu, xung đột tư tưởng giữa cái truyền thống và cái mới mẻ, xung đột giữa những mặt tốt xấu trong một nhân cách. Qua đó nhà văn đã cho người đọc thấy một cái nhìn thấu đáo, tinh tế số phận con người chìm nổi của xã hội. Qua việc khảo sát các tác phẩm của Trần Nhã Thụy, người viết luận văn xem xét nghệ thuật tạo xung đột trong truyện ngắn của Trần Nhã Thụy ở hai bình diện là xung đột bên ngoài và xung đột bên trong.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)