Con người bất tín h phản tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 67 - 69)

Trong bối cảnh xã hội mới, truyện ngắn và tiểu thuyết đã và đang đảm lãnh trọng trách mở đường và bắt đầu từ đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Văn học nghệ thuật bắt đầu từ bỏ những "đại tự sự" để trở về với số phận của mỗi con người. Nhân vật ý thức - phản tỉnh trở thành motif nhân vật chính yếu, diễn tả sự phức tạp muôn mặt đời sống hiện đại, làm nên sắc diện nền văn học có nhiều đổi thay. Dưới ánh sáng thi pháp học đây được coi là những tiến bộ trong nghệ thuật văn chương.

Không nằm ngoài xu hướng sáng tác ấy, trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy có rất nhiều nhân vật mà trải qua biến đổi, xoay chiều, họ chợt nhìn lại chính mình, cũng như hành trình của chính họ để nhận ra chính “gương mặt” của mình. Trong truyện ngắn Ghi chú về những tấm gương, sau tai nạn phải từ bỏ giấc mơ đại học, Vàng đã kịp nhìn nhận lại bản thân sau những tháng ngày sống, làm việc ở thành phố bỏ lại gia đình với những người thân bị mù lòa ở quê. Vàng nhận ra được những gương mặt khác của cuộc sống, sự thâm sâu khó lường của lòng người. Hôm trước chị Xuyên vừa mang lại cho Vàng sự ấm ấp, nó làm Vàng xúc động, Vàng muốn hôn chị, nhưng hôm sau Xuyên đã có thái độ rất khác:

“Trông chị lạnh lùng như một người dưng. Chị dúi vào tay tôi một bọc giấy, “chị đã thanh toán tiền viện phí cho em rồi. Còn đây là ba triệu, coi như là tiền anh chị bồi thường tai nạn cho em. Đây là rủi ro ngoài ý muốn, em đừng thưa kiện làm gì. Mà có thưa cũng không ai xử đâu. Đấy là chị nói hết lý hết tình như vậy. Em cầm tiền rồi đi kiếm chỗ khác mà ở mà lo chữa trị tiếp con mắt. Em đừng về tiệm nữa” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Vàng đồng thời cũng nhìn thấy được những sai lầm của chính mình, Vàng muốn cởi bỏ tất cả để trở về con người nguyên sơ “trần truồng và thánh

thiện. Thánh thiện và trần truồng là hình ảnh thường trực của tôi ngày thơ bé trong một ngôi nhà có nhiều người mù” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Sự phản tỉnh của con người đôi khi chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất nhanh, nó giúp con người tìm ra câu trả lời cho những vấn đề mà họ vẫn băn khoăn, suy tư về nó. Hoài trong truyện ngắn Con chim bìm bịp không ít lần thắc mắc về ý nghĩa của con chim bìm bịp mà ông Chín Chim rất cưng, thậm chí vì kiên quyết không bán con chim mà ông bị bọn du côn đánh phải nhập viện rồi không lâu sau đó ông chết. Hoài đã không ít lần thắc mắc, Hoài hỏi Quyên, nhưng chính Quyên - cháu ông Chín cũng không biết được. Mãi cho đến khi ông Chín Chim nói những lời sau cùng trước lúc mất “Cháu ơi!...Con Quyên...! Con chim bìm bịp... Cái tên nó bịp nhưng mà... nó không bịp” (Trần Nhã Thuy, 2000). Hoài vỡ ra nhiều điều “anh ngẫm nghĩ về mấy câu trăn trối của ông Chín Chim. Thì ra con chim bìm bịp chỉ có một ý nghĩ giản dị ấy thôi. Nhưng điều giản dị ấy ẩn chứa một triết lý sống. Nó dạy anh biết nhiều điều” (Trần Nhã Thụy, 2000). Hoài nghĩ về mình, về con đường phía trước, về Quyên, về hạnh phúc và về cuộc đời.

Trong truyện ngắn Cô gái trên tàu, Xinh là một cô gái làm phục vụ trên tàu, cô bé là người khá hài hước, hay bông đùa, khi được anh bạn hỏi địa chỉ nhà, cô bảo “nhà em trọ… trên là trời, dưới là đất, trước mặt là dòng sông”. Cô bé cứ thắc mắc “ nhưng sao em thấy mọi người cứ sống trong giả dối”. Cô khó hiểu khi thấy những người thành đạt tuy đã có gia đình ấy thế mà vẫn cứ cặp kè, đi chơi với nhân tình. Và dường như chính Xinh đã nghiệm ra được bản chất vấn đề, xã hội đã thay đổi, người ta thích chạy theo những những giá trị ảo mà gạt đi những thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Cô xót xa, đau buồn khi họ xem đây là chuyện hiển nhiên, là một thứ vốn dĩ phải có của giới thượng lưu. Xinh bỏ việc ngay sau khi tỏ ý không đồng tình khi chủ tàu tổ chức tour cặp bồ. Ông chủ tàu nói về Xinh “tôi nghĩ nó là đứa vui vẻ, đơn giản. Hóa ra cũng phức tạp.” Thật ra, Xinh không phức tạp, cô là một người nghiêm túc

trong các mối quan hệ, cô cần sự chân thành, trung thực và cảm thấy không thể chấp nhận mọi người cứ sống trong giả dối. Câu nói mà Xinh rất tâm đắc là: cuối cùng thì mọi thứ son phấn phù phiếm đều trôi đi hết. Cái còn lại là sự giản dị và chân thật. Xinh khao khát sự chân thành ở đời, cô rời khỏi cái chốn phù hoa nhưng giả tạo ấy để đi tìm cho mình một nơi, ở đó người với người, đối đãi thật tâm với nhau.

Qua tìm hiểu các phức cảm được thể hiện trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy chúng ta thấy nhà văn có ý thức trong việc miêu tả trung thực các trạng thái tâm sinh lý, tình cảm phức tạp của con người hôm nay. Đó không phải là sự tình sắp đặt thêm thắt trong văn chương “mà là sự thôi thúc bên trong của nhà văn để trình bày phần hiển minh cao đẹp cũng như phần khuất lấp bản năng của con người” (Hồ Thể Hà, 2008). Chính nhờ đó mà nhân vật bộc lộ được chiều sâu của tiếng nói cảm xúc, ở tính đa chiều kích của nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)