Những người làm nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 69 - 75)

Kiểu con người nghệ sĩ không hiếm trong các sáng tác truyện ngắn của Trần Nhã Thụy, người nghệ sĩ ở đây bao gồm những người sáng tạo nghệ thuật. Nổi bật trong tác phẩm của Trần Nhã Thụy là hình ảnh nhà thơ già, anh nhà văn, một nhà văn sồn sồn, một cô nhà thơ trẻ, một nữ họa sĩ trẻ, một cô

diễn viên trẻ, một cô ca sĩ, một anh nhạc công... Họ thường xuất hiện với một đặc điểm chung đó là không tên, cuộc sống khá chật vật, thậm chí rất nghèo như cái cách nhà văn trong truyện ngắn Linh tinh chuyện linh chi dí dỏm nói về mình nói riêng và giới nhà văn nói chung “nhà văn thì làm đếch gì có tiền đô. Giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, nhậu.” (Trần Nhã Thụy, 2008), hơn nữa ở họ là thái độ tương đối bất cần đối với cuộc sống. Dễ thấy hình tượng những nhân vật nghệ sĩ như vậy trong một loạt truyện ngắn: Phong cảnh Tây Liêu, Dưới cơn mưa tầm tã, Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh, Cô gái trên tàu, Xảy ra

ở thị trấn thứ ba... Có thể đây là nhân vật chính của tác phẩm, cũng có thể họ

là nhân vật chứng kiến câu chuyện, cũng có thể sự xuất hiện của họ như là một sự tình cờ thú vị của nhà văn. Qua các tác phẩm này, Trần Nhã Thụy đã thể hiện những bộ mặt, những góc cạnh của những người nghệ sĩ, đồng thời bộc lộ quan điểm về cuộc đời, ý nghĩa của cuộc sống. Ở đó, người nghệ sĩ cũng giống như bao người khác, cũng có những bi kịch của riêng họ, họ cũng đang phải vật vã mưu sinh, tự vấn trước cuộc đời.

Hình ảnh những người nghệ sĩ ít nhiều khiến ta liên tưởng đến chính tác giả, đôi khi ta ngờ ngợ đó là chân dung của Trần Nhã Thụy giữa đời thường bởi ở họ luôn có một thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, luôn trăn trở đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Nghệ thuật là vì điều gì?” thông qua các tác phẩm của mình. Nhân vật nhà văn quèn trong truyện ngắn Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh lại gợi lên cho ta về một Trần Nhã Thụy bất cần đời nhưng đầy nguyên tắc. Nhà văn quèn liệu có phải là hình bóng của Trần Nhã Thụy, người tự nhận là nhà văn quèn (ngoài đời thật không ít lần Trần Nhã Thụy dí dỏm gọi mình là nhà văn quèn, nhà văn hạng hai) bởi vì đã không quên hoàn cảnh của mình. “Bế tắc và mâu thuẫn. Là một nhà văn mà đã lâu lắm rồi không viết được một cái truyện ngắn nào hoàn chỉnh. Toàn là những dở dang. Đó là bế tắc. Lại tiếp tục mâu thuẫn khi nghĩ mình vẫn còn có thể nghĩ ra một cái gì đó hay ho để viết chứ không phải vay mượn ý tưởng của ai”

(Trần Nhã Thụy, 2011). Rõ ràng là hắn tự nhận là không biết tự lượng sức mình. Một dịp hắn có cơ hội được hợp tác với một đạo diễn để viết kịch bản cho một bộ phim sắp tới nhưng hắn đã từ chối hợp tác với đạo diễn lừng danh, mặc dù nếu hợp tác, họ có thể sẽ thành công. Hắn không cho là vậy, hắn không thể. Hắn không thể viết một cái mà phải ăn cắp hay dựa dẫm trên rất nhiều cái của người khác. Vấn đề không phải là đạo đức hay ngạo mạn, mà đó là do những thói quen từ khi còn rất bé. Khi còn bé, không biết ông già hắn nghĩ sao mà cứ hay bảo hắn: “Nếu làm nhà văn thì không nên bắt chước người khác, tuyệt đối không được ăn cắp, chẳng hay ho gì mà phải đứng trên vai của người khác” (Trần Nhã Thụy, 2011). Ông già hắn không biết có oán thù một tay nhà văn nào đó không mà cứ lảm nhảm mãi như thế. Có lẽ cũng bởi thế mà sau này hắn theo nghề viết văn và trở thành một nhà văn quèn. Buồn cười thế đó. Hắn có thể lừa dối vợ để đi ngủ với gái, nhưng lại không thể viết những cái mà mình thấy không phải. Mà nói cho cùng thì tất cả cũng chỉ là thói quen thôi. Qua nhân vật nhà văn quèn ta thấy được sự nghiêm túc của Trần Nhã Thụy với nghiệp cầm bút với quan niệm nhà văn phải là người sáng tạo ra được những tác phẩm của riêng mình chứ không phải là một sự sao chép của bất kì ai. Trần Nhã Thụy thẳng thắn nhấn mạnh rằng văn nghệ sĩ có thể giúp đỡ nhau, có thể được độc giả, khán giả, thính giả và cả xã hội cổ vũ, nhưng sự cổ vũ ấy cũng chỉ ở vòng ngoài, còn khi sáng tạo thì không ai tham gia cùng người nghệ sĩ được. Người nghệ sĩ phải luôn luôn sáng tạo, tìm tòi những đề tài mới, hình thức mới.

Trong truyện ngắn Linh tinh chuyện linh chi một vấn đề khác được đặt ra đó là vấn đề giá trị của tác phẩm đối với người đọc. Có một nhà văn tầm cỡ

“Qua báo chí, nhà văn này vẫn thường được mô tả như một anh hùng Lương Sơn Bạc với mắt to, râu rậm, uống rượu như uống nước lã, nói năng văng mạng và khi viết lách thì chẳng vị nể ai. Hễ thấy điều gì “chướng tai gai mắt” là ông ta “phang” tuốt. Không chỉ viết văn mà ông

còn viết phê bình, kịch bản điện ảnh, sân khấu, viết báo... ở lĩnh vực nào bộ râu xồm xoàm của ông cũng nổi tiếng. Ông nổi tiếng đến mức mỗi khi có tác phẩm nào ra đời thì các báo lại tranh nhau đưa tin” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Nhưng trong cơn thập tử nhất sinh ông nhà văn cần nấm linh chi ngàn năm để chữa bệnh và người phụ nữ giữ cây nấm ấy lại rất quý dân văn nghệ sĩ. Theo cách nói của bà thì “văn nghệ sĩ là bọn người khổ nhất trần gian” và điều kiện vô cùng đơn giản để được cây nấm đó là “tôi quý dân văn nghệ, nhưng không cho đại trà, tràn lan, mà chỉ cho những ai có khả năng làm cho tôi... xúc động!” (Trần Nhã Thụy, 2008). Ấy vậy mà chừng đó tác phẩm của nhà văn tầm cỡ lại chẳng khiến bà xúc động, “bà không nhỏ một giọt nước mắt nào cả” (Trần Nhã Thụy, 2008). Trần Nhã Thụy đã khéo đặt ra một tình huống rất độc đáo để bàn về sứ mệnh của nhà văn nói riêng và giới văn nghệ sĩ nói chung, một nghệ sĩ lớn không phải là một người có số lượng tác phẩm đồ sộ mà mà điều họ cần làm là phải tạo ra những tác phẩm có giá trị, chạm vào trái tim người tiếp nhận, khơi dậy những cảm xúc chân thật, sâu kín, chạm đến trái tim của người thưởng thức.

Nhân vật bố của Giác trong truyện ngắn Phong cảnh Tây Liêu hiện lên như hình ảnh một nhà thơ già, gàn dở. Lão làm rất nhiều thơ nhưng những bài thơ viết xong lại vứt gầm giường, không bao giờ trò truyện với người lạ, suốt ngày uống rượu, người toàn bốc mùi hôi thối. Cuộc đời lão gặp quá nhiều bi kịch, vợ bỏ, cho bạn ở nhờ ngôi nhà cuối cùng thì bị bạn của mình lừa cho một vố mà suốt đời này lão cũng sẽ không hết bàng hoàng và đau lòng. Lão say xỉn là để quên đi cái thực tại tàn khốc này, lão sống như cái xác chết. Qua bao biến cố thì đối với bố Giác, cuộc sống chỉ còn ý nghĩa để tồn tại mà thôi nhưng tâm hồn của nghệ sĩ vẫn còn đó. Khi viết về cuộc sống của mình, về những bất mãn, chán chường của mình, nhà thơ chỉ viết vỏn vẹn một câu “Thanh bình đã chết trong tôi như con muỗi đã chết trong cái mền mùa đông”

(Trần Nhã Thụy, 2004). Ngay cả khi nhân vật tôi đọc được dòng thơ trên cũng đã hoài nghi về vấn đề ai là người đã viết ra câu đó, cũng có đôi chút ngạc nhiên khi biết đó là do bố Giác chấp bút vì không ai nghĩ rằng một “xác sống” lại có thể viết được những dòng như thế. Có lẽ chỉ trong giấc ngủ thì con người bất hạnh này mới tìm thấy được sự an nhiên, đó là khi “Khi tôi ngoáy lại bất ngờ thấy nhà thơ há miệng hớp một chút ánh trăng. Hoa quỳnh nhàu rũ một làn hương” (Trần Nhã Thụy, 2004).

Cống hiến cho nghệ thuật, hết lòng vì nghệ thuật, tìm thấy ở nghệ thuật niềm tin và lẽ sống, đó chính là đặc điểm của kiểu nhân vật nghệ sĩ trong truyện ngắn của Trần Nhã Thụy. Không ít lần ta thấy họ băn khoăn về nghiệp cầm bút, ý thức trách nhiệm về việc sáng tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ là những người luôn luôn trăn trở cho sự sáng tạo. Nhà văn không thể nào chấp nhận sự dậm chân tại chỗ của mình. Nếu chúng ta nhìn thấy một nhà văn, một nghệ sĩ đích thực nào đó có vẻ thanh thản thì có lẽ chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong tâm hồn họ vẫn luôn luôn xao động, nghiền ngẫm về cuộc sống và về văn chương nghệ thuật. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Xảy ra ở thị trấn thứ ba là một nhà văn đi tìm cảm hứng sáng tác. Hắn luôn ý thức việc tìm kiếm đề tài, đối tượng mới cho sáng tác của mình bởi vì hắn cảm thấy cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa khi buộc mình vào thế giới vật chất tầm thường, khi đánh mất chính mình. Hắn tìm đường lên chùa, tìm cách gột rửa lại tâm hồn đang ngày càng trở nên tầm thường của hắn, hắn muốn được tắm tại cái giếng của chùa, được ăn một bữa cơm chay rồi trở về thành phố chứ không phải ở lại cái thị trấn với cô bồ nóng bỏng của mình. Nhà văn muốn tìm lại con người mình, xóa bỏ những ham muốn thể xác, đó là một lựa chọn khó khăn và không kém phần đau khổ.

Các văn nghệ sĩ sáng tác rất cần sự lặng lẽ trong cõi nhân sinh để sinh thành tác phẩm. Sự tĩnh lặng cho các văn nghệ sĩ sống sâu sắc với nhiều người, mới ngộ ra nhiều điều mà sự ồn ào thường xóa mất. Người nhạc công

trong truyện ngắn Câu chuyện tình yêu đã từng xúc động biết bao khi nhìn thấy ánh trăng rọi qua các tòa nhà, một cảnh đẹp như thế nhưng hai người ăn mày bên dưới mái hiên nhà vẫn yên lặng mà ngủ, bỏ qua một cảnh đẹp như thế “họ vô tâm quá. Đêm nay trăng sáng” (Trần Nhã Thụy, 2000). Nhưng rồi chính người nhạc công ấy lặng người vì một hình ảnh đẹp hơn bội phần khi thấy một hình ảnh khác của hai vợ chồng người ăn mày trong đêm trăng đó, anh ngây người ra nhìn “hai người ăn mày đang đứng tắm dưới những tia nước đẫm ánh trăng vàng. Họ tắm gội một cách say sưa, vui sướng như thể đã từ lâu không được gội rửa. Khuôn mặt họ bỗng trở nên sáng, đẹp diệu kì.” (Trần Nhã Thụy, 2000). Sự ngây người của anh nhạc công như có một điều gì đó vừa mới vỡ ra, đấy mới chính là cái đẹp thật sự của cuộc sống. Trần Nhã Thụy hiểu rằng cuộc sống ồn ào thường tỉ lệ nghịch với sự chiêm nghiệm, sự lắng đọng, sự sâu sắc. Những người nghệ sĩ là những con người đa cảm, trước những phức tạp, hỗn độn của cuộc sống, họ tỏ ra cực kì nhạy bén. Trong truyện ngắn Người pê- đê già, một nhà văn đang tìm ý tưởng mới cho những trang viết của mình đã thấy một người pê-đê già ngồi ở mố cầu “có vẻ gì đó bất an. Ông ta ngồi ở đó một mình chắc là rất cô đơn!” (Trần Nhã Thụy, 2008). Chính hình ảnh đó khiến nhà văn ban đầu tò mò, nhưng sau đó là muốn thấu hiểu và cuối cùng là sự đồng cảm với hình ảnh về người pê- đê cô đơn ám ảnh mãi trong tâm hồn nhà văn. Tâm hồn nhạy cảm là sự thể hiện trái tim giàu cảm xúc của nhà văn, đó là lúc nhà văn thâm nhập vào đối tượng với một trái tim nóng, chuyển hóa đối tượng khách quan thành cái nhìn chủ quan và đưa cái nhìn ấy vào nhân vật.

Người nghệ nhân vẽ tranh kính trong truyện ngắn Thời gian xao động lại mang trong mình cảm xúc rất khác, “thiên hạ gọi lão là người vẽ tranh kính cuối cùng. Người vẽ ngược cuối cùng. Cuối cùng - lão chẳng thấy được tôn vinh chút nào, trái lại hơi sợ hãi với ý nghĩ đơn độc trong miền cảm xúc và thế giới tư duy ngược của mình” (Trần Nhã Thụy, 2008). Đó phải chăng là

mong muốn của nhà văn, nghệ thuật phải là sự tiếp nối, người nghệ sĩ không chỉ ôm khư khư thành tựu của chính mình để rồi bị quên lãng theo thời gian, cái đẹp phải được lưu giữ và hiện diện giữa đời.

Những “văn nghệ sĩ” trong các truyện ngắn của Trần Nhã Thụy đều có một tâm hồn đẹp. Họ là những nghệ sĩ đam mê cái đẹp, không ngừng sáng tạo. Hình tượng người nghệ sĩ có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện triết lý về nghệ thuật, về cuộc sống. Thông qua việc xây dựng hình ảnh về các văn nghệ sĩ trong truyện ngắn của mình, Trần Nhã Thụy đã phần nào khẳng định thái độ của mình đối với văn chương cũng như quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống. Có thể thấy, phần lớn người nghệ sĩ trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy đều là những người có tâm hồn trong sáng, nhân cách cao đẹp, họ hết lòng vì nghệ thuật, coi nghệ thuật là lẽ sống chết của mình. Xây dựng nhân vật nghệ sĩ, Trần Nhã Thụy đi sâu vào từng ngõ nghách nội tâm để biểu đạt những rung cảm nghệ thuật, những đau khổ dằn vặt, những khao khát và cả sự thăng hoa từ tâm hồn của những con người làm nghệ thuật. Viết về những nhân vật như vậy, nhà văn một mặt muốn ngợi ca những vinh quang mà họ được đón nhận, mặt khác thể hiện niềm đồng cảm với cuộc sống mòn mỏi, nỗi khó khăn, sự đau khổ của người nghệ sĩ. Có thể đó cũng là những gì chính người nghệ sĩ có tên Trần Nhã Thụy đã trải qua khi dấn thân vào sự nghiệp văn chương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)