Xung đột bên ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 87 - 93)

Xung đột bên ngoài là sự đụng độ của hai thế giới quan, giữa các yếu tố bên ngoài tác động đến con người. Đó có thể là xung đột của con người với hoàn cảnh. Xung đột giữa con người với hiện thực cuộc sống trong những chịu đựng, những âu lo, trong sự dồn ép bởi đói nghèo. Trước hết, có thể thấy trong các truyện ngắn của Trần Nhã Thụy là xung đột giai cấp, giữa người giàu và người nghèo. Xung đột giàu nghèo xuất hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam, đây là xung đột cơ bản tồn tại từ lâu trong xã hội. Trước những xung đột gay gắt như thế của xã hội không ít nhà văn phản ánh, đề cập thông qua các sáng tác của mình. Trong tác phẩm của Trần Nhã Thụy, xung đột giàu nghèo cũng cũng được nhắc đến tuy nhiên các xung đột này qua giọng kể của Trần Nhã Thụy không quá gay gắt, thường xung đột diễn biến rất nhẹ dưới lớp ngôn từ của nhà văn, nhưng tác động không nhỏ đến các nhân vật.

Nhiều nhân vật trong các truyện ngắn của Trần Nhã Thụy như đã nói ở phần trước đó là những người tha hương, dân nhập cư, từ các vùng quê nghèo đến các thành phố, đô thị lớn để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, chính ở đây sự phân hóa giàu nghèo được thể hiện rõ nhất, từ đây những mâu thuẫn rất cơ bản giữa những tầng lớp trong xã hội giàu nghèo được sản sinh ra. Những bi kịch trong truyện ngắn Lũng Voi bắt nguồn bởi sự khác biệt giàu nghèo, ông

chủ Vĩnh là người lấy tiền làm trọng, ngoài tiền ra ông chẳng để vào mắt bất cứ điều gì kể cả đứa con gái Kim Chi của mình, vì tiền ông phá vỡ hạnh phúc của con mình, không ít lần bày tỏ thái độ “ra mặt khinh bỉ” (Trần Nhã Thụy, 2004), thậm chí mắng nhiếc “anh thợ mộc bị ông chủ Vĩnh chửi cho tan nát. Tủi nhục, anh thợ mộc bỏ lên thành phố, thề rằng sẽ làm giàu” (Trần Nhã Thụy, 2004). Ông Vĩnh bán Kim Chi cho một tay buôn giàu có, cô gái Kim Chi tội nghiệp phải nhảy sông tự vẫn. Bằng một giọng kể chậm rãi, nhưng lại có sức hấp dẫn kì lạ như thôi miên người đọc, Trần Nhã Thụy đã cho người đọc thấy một khía cạnh khác của xã hội, một xã hội bị chi phối bởi sức mạnh đồng tiền, con người bị tha hóa và biến chất bởi cám dỗ.

Hay trong truyện ngắn Câu chuyện tình yêu, chính nhân dạng rách rưới, bẩn thỉu của người chồng làm nghề bốc vác khiến người ta nghĩ rằng anh ta chính là kẻ trộm, khi anh ta đang muốn trèo lên sân thượng một căn nhà để mở vòi nước, vì bỗng nhiên anh thèm được tắm rửa. Không một cuộc điều tra nào được tiến hành, người ta nhìn anh và gọi đích danh đây là kẻ trộm, họ không cho anh nói gì lập tức đã tiến hành “lục soát trong người tên trộm, thấy một chiếc nhẫn năm phân vàng và một ít tiền lẻ. Quyết định sau cùng. Tất cả tang vật này sáng ngày mai sẽ được hoàn trả cho chủ nhân. Còn tên trộm này thả cho đi” (Trần Nhã Thụy, 2000). Đây không phải là việc hiếm gặp trong đời sống hằng ngày, khi không ít người dành cái nhìn dè bỉu, khinh khi, phân biệt đối xử với những thân phận khốn khổ như thế, những kẻ không có chỗ đứng trong xã hội. Giữa nhịp sống đô thị này Trần Nhã Thụy đã thấy được những mâu thuẫn ấy, và bằng tài hoa của mình nhà văn đã gieo vào lòng người đọc chút xốn xang đồng cảm với nhân vật của chính mình.

Cuộc đời của những nhân vật trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy còn có những mâu thuẫn giữa con người và môi trường sống, giữa lý tưởng của đời mình với hoàn cảnh thực tế. Một vài nhân vật trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy là những con người giàu hoài bão, họ vẫn luôn ấp ủ cho mình những

khát khao về cuộc đời ý nghĩa hơn, đáng sống hơn, luôn cố gắng để biến lí tưởng thành sự thật, thế nhưng họ vấp không ít những khó khăn. Những con người đó phải vật lộn với cuộc sống đang vận hành theo cái cách luôn ghì họ xuống. Qua lăng kính của mình, Trần Nhã Thụy đã soi rọi vào những con người như thế bằng cái nhìn cảm thông sâu sắc. Vàng trong truyện ngắn Ghi

chú về những tấm gương hay Phương trong truyện ngắn Huyền thoại phố

chính là những nhân vật tiêu biểu cho kiểu xung đột giữa lí tưởng con người với hoàn cảnh. Vàng mang trong mình ước mơ đổi đời bằng con đường học vấn, điều đó thôi thúc Vàng hành động. Vàng đã bỏ lại gia đình, rời quê hương lên thành phố. Vàng vừa làm thêm cho một tiệm kính vừa nuôi dưỡng giấc mơ của mình. Cho đến một ngày tai nạn bất ngờ xảy ra, một mảnh kính văng vào mắt Vàng, và hắn bị đui một bên mắt, giấc mơ đại học khép lại. Vàng ngậm ngùi trở về quê. Mặc dù câu chuyện của Vàng không phải là tất cả thông điệp nhà văn Trần Nhã Thụy gửi gắm trong tác phẩm, nhưng qua đó nhà văn đã thấy được những xung đột rất cơ bản trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là với người trẻ. Chính điều này đã làm văn Trần Nhã Thụy gần gũi với đời sống hơn bao giờ hết. Phương trong truyện ngắn Huyền thoại phố

cũng là câu chuyện của những người trẻ “những ngày tháng đầu tiên trong đời sinh viên là những tháng ngày sống hết mình. Những ngày tháng sống rạo rực lý tưởng và khát khao muốn chứng tỏ bản thân. Nhưng anh chưa kịp chứng tỏ điều gì thì tai họa đã giáng xuống” (Trần Nhã Thụy, 2000). Phương bị bệnh, bị những người bạn cùng phòng vu khống mình là kẻ lấy cắp tiền, và “anh tối mắt chụp con dao trên bàn lao về phía kẻ vu khống” (Trần Nhã Thụy, 2000). Phương phải thôi học. Hành động của Phương xuất phát từ suy nghĩ của một người trẻ tuổi, ít va chạm với đời, “khi cầm con dao anh nghĩ là sẽ triệt tiêu một phần tử xấu xa của nhà trường và xã hội”. Phương rời giảng đường đại học, làm nghề phụ hồ, anh là người đầu tiên đang thấy được những ngôi nhà đang nghiêng, thành phố đang nghiêng, người giàu đang sống trong những

ngôi nhà nghiêng, trên những “nền móng chông chênh, triền phược...” (Trần Nhã Thụy, 2000). Qua câu chuyện của Phương, tác giả đã đặt ra một vấn đề với những con người đang trên đường thực hiện ước mơ của mình, đó là những chông gai, thử thách trong cuộc sống như là mạch nước ngầm, sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ nếu chúng ta không đủ cố gắng và nỗ lực, nhất là khi chúng ta còn non trẻ, dại khờ.

Cùng với những xung đột của con người trước hoàn cảnh sống, còn là sự xung đột của con người trước môi trường sống từ góc độ văn hóa, những khác biệt trong lối sống. Khi sự giao lưu hội nhập với thế giới mở ra cũng là khi cuộc đối đầu văn hóa giữa con người với hoàn cảnh bắt đầu mở ra và ngày càng quyết liệt. Vấn đề này đã được nhiều nhà văn khai thác khá sâu và kĩ, tiêu biểu như các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như Tướng về hưu,

Không có vua... Mặc dù không đặt nặng vấn đề mô tả xung đột con người với

hoàn cảnh văn hóa, nhưng ít nhiều đều nhà văn Trần Nhã Thụy cho thấy những va chạm nhất định khi đề cập đến môi trường văn hóa thành thị như một “ngõ lỗ thủng”. Thậm chí những va chạm ấy đôi khi vượt ngưỡng để lại những chấn thương sâu sắc. Xinh trong truyện ngắn Cô gái trên tàu là một cô gái đến từ miền Tây, chất phác thật thà, tâm hồn trong sáng, cô luôn tin vào giá trị của phẩm giá “Cuối cùng mọi thứ son phấn phù phiếm đều trôi đi hết. Cái còn lại là sự giản dị và chân thật” (Trần Nhã Thụy, 2008). Xinh làm phục vụ trên một tàu nhà hàng, nơi mà ở đó có rất nhiều người giàu có, những con người có địa vị xã hội... Xinh chán ghét cảnh những người có gia đình lại có những mối quan hệ yêu đương bên ngoài. Xinh nghỉ việc vì không muốn tham gia vào tour dành cho các đôi tình nhân, đúng hơn là dành cho những người “cặp bồ”. Giữa suy nghĩ và lối sống của Xinh có sự khác biệt với những người mà Xinh gặp mỗi ngày, nó như một cú sốc tinh thần, khiến cô choáng và dường như Xinh cũng mất niềm tin vào tình yêu chân thật, bằng chứng là cô đã bỏ đi, mặc kệ người yêu sắp cưới của mình. Những gì Xinh

thấy, Xinh nghe mỗi ngày đã để lại nơi cô những tổn thương lớn. Giống như Xinh, Hy trong truyện ngắn Quán trà cũng là một người trẻ, đến thành phố với nhiều hoài bão lớn, nhưng thực tế đôi khi phũ phàng hơn thế rất nhiều “Hy dự định tiến thân bằng nghề báo. Nhưng khi mà sự ngộ nhận đã diễn ra khắp nơi, sự xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì đối với hắn dường như gió cũng ngừng thổi. Những đám mây trễ nãi mệt mề trôi. Càng lúc hắn càng thấy mệt mỏi và cay đắng. Và khóc.” (Trần Nhã Thụy, 2000). Chính những xung đột giữa con người với môi trường sống càng làm bi đát hơn thân phận của họ, đặc biệt là với những con người tha hương.

Nhân vật không tên được tác giả Trần Nhã Thụy gọi một cách phiếm chỉ là “y” trong truyện ngắn Cửa sau thành phố chính là một kiểu xung đột nữa giữa con người với cuộc sống hiện tại. Y chưa bao giờ thiếu thốn gì cho đến khi một sự cố diễn ra, y bị những người bạn chế nhạo, là kẻ thiếu hiểu biết khi đánh giá một bữa tranh giữa lúc y vật vã với cơn đói vì người mẹ mắc lỗi khi gửi tiền trợ cấp cho y “y choáng váng. Rồi y như rơi vào một cái lỗ đen” (Trần Nhã Thụy, 2008). Y trở về nhà với những dư chấn tâm thần, y luôn nghĩ về cánh cửa phía sau thành phố, cánh cửa “mở để đón những con người thành phố về nơi êm đềm, tuyệt diệu. Nơi này là một miền thương, có một chút khác với đời thường” (Trần Nhã Thụy, 2008), đó là nơi mà y cảm thấy yên bình.

Y mỉm cười với một người vừa gặp. Người này không tỏ ý hài lòng hay phản đối [...] Nhưng chính điều đó làm cho y cảm thấy sướng. Đếch cần ai biết đến mình... Y tỏ ra hài lòng khi thấy có vài người khi đi dạo đã nhảy xuống hồ tắm, gội. Mọi người nên đi tắm rồi hãy dùng bũa tối. Y nghĩ như thế mặc dù bản thân hầu như không nghĩ đến chuyện tắm, giặt cho mình. Bởi y thấy mình luôn sạch. Còn những con người kia, hãy đi

tắm đi. Nếu lười biếng thì cũng rửa cho sạch cái mặt (Trần Nhã Thụy, 2008).

Rõ ràng y luôn có một ước muốn về một cuộc sống khác, một cuộc sống phía sau thanh phố, phía sau những ồn ào, bát nháo của thành phố, y luôn luôn trong thế giới của mình, với mọi người y là một người bệnh và lập dị.

Xung đột giữa con người với gia đình cũng là kiểu xung đột khá phổ biến trong cuộc sống được Trần Nhã Thụy quan tâm khai thác. Nhưng khác với các nhà văn khác, xung đột trong gia đình của các truyện ngắn Trần Nhã Thụy không phải là sự tranh giành quyền lực, địa vị. Trong truyện ngắn Lũng Voi mối quan hệ giữa con người và gia đình lại được khai thác ở một khía cạnh khác, Kim Chi có một tình yêu vừa chớm nở với một người làm nghề mộc, nhưng không đươc lòng cha mình là ông chủ Vĩnh, Kim Chi khóc khi phải chia tay người yêu trước sức ép của cha mình. Cô bị cha mình ép lấy Bích, một gã thương nhân giàu có, Kim Chi muốn trốn đi, nhưng không được, cô chọn cái chết để giái thoát cho cuộc đời của mình. Như vậy xung đột gia đình trong truyện ngắn của Trần Nhã Thụy là xung đột giữa tình cảm cá nhân và lợi ích của gia đình. Trong truyện ngắn Những bông lúa chín phạt tôi

những giằng xé của nhân vật tôi bắt nguồn từ xung đột giữa tôi và gia đình chính mình, đứa em trong nhà qua đời vì căn bệnh tiêu chảy, nỗi đau đó vẫn luôn hiện diện nơi nhân vật tôi, nhưng ngày ấy, tôi không khóc, và lúc nào trong ngôi nhà ấy, ba mẹ luôn nói với tôi “mẹ mày, con cá báu lắm hả? Em mày chết mày không khóc lấy một tiếng còn con cá chết thì mày khóc như chết cha, chết mẹ” (Trần Nhã Thụy, 2008). Những mâu thuẫn cứ âm ỉ diễn ra và rõ ràng xung đột ở đây chính là xung đột xuất phát từ nguyên nhân các thành viên trong gia đình không hiểu nhau, không có sự giao tiếp, “em chết là vì sự thiếu hiểu biết của ba mẹ. Đáng lẽ em không chết nếu được uống nước!” (Trần Nhã Thụy, 2000), một câu nói tàn ác như một nhát dao, còn với người

em đã mất là một lời than “em ơi, anh đã nói gì với em? Không có một lời nào; anh không nhớ một lời nào anh đã nói cùng em” (Trần Nhã Thụy, 2000). Có những xung đột âm thầm trong mối quan hệ vợ chồng nhưng cũng không kém phần bi kịch. Sự khác biệt về suy nghĩ và lối sống khiến Quyên trong truyện ngắn Đường chim bay trở nên cô đơn trong chính gia đình của mình. Chính Hoan, chồng Quyên cũng thừa nhận rằng “tôi cũng yêu Quyên nhưng cô ấy không hiểu tôi, như mọi người đàn bà không bao giờ hiểu chồng” (Trần Nhã Thụy, 2004). Mâu thuẫn ấy khiến Hoan có một quãng thời gian không về nhà “Hoan bỏ đi thành phố đúng một tháng trời, không hiểu sao mình bỏ đi và cũng không hiểu sao không muốn trở về (Trần Nhã Thụy, 2004). Sự bức bối, ngột ngạt, khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên xa cách. Quyên có nhiều tâm sự nhưng không thể nói cùng chồng và ngược lại Hoan cũng thế. Qua cách xây dựng xung đột giữa cá nhân và gia đình, bi kịch của con người trong trang văn của Trần Nhã Thụy được đẩy lên cao nhất, bởi giữa ngay chính gia đình, nơi mà người ta có thể tìm được bình an lại là nơi chứa đựng nhiều sóng gió, con người như bị cô lập và phải không ngừng đấu tranh để được sống là chính mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)