Giọng điệu trữ tình da diết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 97 - 101)

Không đặc sắc về cốt truyện và tình tiết, song truyện ngắn của Trần Nhã Thụy lại có khả năng lắng đọng nhờ chất trữ tình, lặng lẽ và sâu kín, “Chất thơ có thể hiểu là tính chất trữ tình được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, của tâm trạng con người thông qua một hình thức nhất định để khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn” (Nguyễn Thị Nhung, 2014). Trần Nhã Thụy chọn viết về những con người bình thường với niềm trắc ẩn mênh mông. Giọng điệu tha thiết biểu hiện một chiều sâu lắng đọng nhất của tâm hồn con người, nó truyền vào tâm khảm người đọc những cảm xúc dịu vợi, nhẹ nhàng, thâm trầm mà ý vị, tạo nên những trang văn dạt dào cảm xúc, giàu giá trị nhân bản. Với giọng trữ tình tha thiết, tác giả đã xây dựng thành công những nhân vật gắn với những cuộc tình mong manh, những khát vọng chân thành. Ngay cái nhan đề của các truyện ngắn cũng đã phần nào gợi lên chất giọng êm đềm, dịu ngọt: Bài thơ Haiku, Huyền thoại phố,

Sông Phố, Lặng lẽ rừng mai, Ngửa cỏ lên trời...

Nhà văn đã tạo ra những trang văn đẹp giản dị tái hiện cuộc sống của con người vốn nhiều vất vả nhưng cũng thật lãng mạn. Việc tái hiện những không gian đậm chất thơ không phải là điều hiếm gặp khi đọc truyện của Trần Nhã Thụy, sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn đã tạo ra những

không gian đẹp và thoáng buồn như một bức tranh thủy mặc mà ở đó con người như trút cả tâm tư vào khung cảnh ấy. Làng quê trong truyện ngắn Sông Phố thật thơ và mộng “chiều xế. Thị trấn buồn bã, ơ hờ. Những con chim sẻ đậu liu thiu trên hàng dây điện thoại. Một quán rượu đang quạt khói mù mịt, sực nức mùi thịt cầy nướng. Một đám cưới vừa tan” (Trần Nhã Thụy, 2000). Vẻ đẹp của thị trấn Đồng Cát trong Chợ chiều được nhà văn miêu tả bằng những hình ảnh như “cuộc sống thanh bình và mênh mang nỗi buồn truyền kiếp. Thị trấn Đồng Cát hẹp như lòng bàn tay. Có những chiều, những mái rêu như bị xô lệch dưới nắng tàn hắt hiu” (Trần Nhã Thụy, 2000). Không gian ấy được nhìn qua những tâm trạng man mác, xao xác của con người.

Với lối văn nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình man mác, giàu xúc cảm, Trần Nhã Thụy diễn tả cảm giác của con người với những cung bậc khác nhau. Đó là tâm trạng trĩu nặng của nhân vật tôi trong truyện ngắn Lặng lẽ rừng mai

được tác giả miêu tả qua những ngôn từ đầy tinh tế “và như có cái gì đang lén vào. Chầm chậm, ráo riết, bóng ngoằng như cánh tay. Rồi nó tóm lấy tôi lay lắt, kinh dị. Tôi đau đớn, căm giận và sợ hãi” (Trần Nhã Thụy, 2000).

Trái tim mẫn cảm của Trần Nhã Thụy đã thấu hiểu được những xúc cảm sâu kín nhất bên trong tâm hồn con người và nhà văn luôn trân trọng những tình cảm ấy. Tâm hồn đa cảm cũng đã đi vào những trang viết của tác giả, tạo thành một văn phong riêng biệt. Cái nhẹ nhàng lặng lẽ từ cuộc sống đã chuyển thành giọng kể nhỏ nhẹ, dịu dàng mà sâu lắng trong văn Trần Nhã Thụy “anh không biết cô gái du lịch biển nghĩ gì khi kéo rộng cổ áo ngắm ngực. Còn anh, đôi khi anh có cảm giác biển đang ở rất gần. Tiếng sóng rì rầm trong tâm trí. Chạy đua những ý nghĩ. Cảm trạng mệt mỏi đè nặng bóng đêm. Sự thật trăn trở chờ buổi sớm. Anh mơ một buổi sớm bên biển nắng ấm, bình yên” (Trần Nhã Thụy, 2000).

Giọng văn trữ tình nhẹ nhàng của Trần Nhã Thụy còn hướng về con người, dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp thanh cao trong cuộc

sống. Giữa muôn vàn khó khăn họ vẫn không ngừng đi tìm lí tưởng của đời mình như cách nhà văn viết về Hồng một người làm thuê ở tiệm than, nhưng Hồng tha thiết yêu những vần thơ Haiku, vì chỉ với thơ Haiku Hồng mới được nghiêng đầu nhìn thế giới theo cách riêng của mình. Hay cô ca sĩ trong quán bia của truyện ngắn Thời tiết, cô thích nhảy múa và ca hát, nhưng cuộc sống không bao giờ chiều ý người, cô phải làm đủ thứ việc để có thể bám trụ ở thành phố này. Nhà văn đã nhìn thấy và trân trọng ước mơ của họ bằng cả trái tim đồng cảm của mình, “ngày mai có khả năng nắng sẽ ấm dần lên” (Trần Nhã Thụy, 2000), và cô ca sĩ kia cũng như những người đang còn phải lo toan với mọi thứ xung quanh “rồi sẽ tốt hơn thôi” (Trần Nhã Thụy, 2000).

Trần Nhã Thụy trầm lặng giữa đời, nên cái sự yêu của anh cũng trầm lặng, lắng sâu, để rồi khi đọc chúng ta cảm nhận được giọng trữ tình không lẫn vào ai được. Đôi khi câu văn của anh rất lạnh, hầu như không mang tí cảm xúc gì nhưng đọng lại rất lâu nơi người đọc, dù chỉ là những cảm xúc được vun vén rất kín qua lớp ngôn từ rất thô, rất đời “Tôi giật mình và sự thật là tôi đã run rẩy trong nỗi xúc động khi nghe nàng nhắc đến mấy chữ “lương tâm, trách nhiệm”. Và tôi tự hỏi lòng mình, tình yêu là cái gì? Phố có yêu tôi không? Trước kia, bây giờ và mai sau có khi nào tôi là kẻ hạnh phúc?” (Trần Nhã Thụy, 2000).

Những đoạn văn miêu tả tâm lý nhân vật, những đoạn đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm cho thấy khả năng của ngôn ngữ lột tả tâm trạng nhân vật của Trần Nhã Thụy:

Tôi đang tự sỉ vả mình, chê bai mình, đang cố bậm môi đế giữ vững tay lái lao về phía trước, thì bất ngờ một tiếng gọi mơ hồ lại vang lên. Hình như đây là tiếng gọi tiếp theo của tiếng gọi trước. Nó đã kiên nhẫn đi theo tôi một đoạn. Cũng như lần trước, tôi vùng cái đầu nặng trĩu quay lại. Mắt tôi đã nặng trĩu không còn thấy gì nữa. Tôi cố lắc mạnh cái đầu. Đúng lúc ấy. Tôi thấy có một vật gì đó đang lướt qua mình với tốc độ

kinh hoàng, nó đẩy tôi bắn ra khỏi xe, quật mạnh xuống mặt đường rồi trôi đi một đoạn xa nữa. Mọi thứ xung quanh tôi chợt tối tăm và đau đớn chết lịm!..” (Trần Nhã Thụy, 2008).

Hay đoạn tự bạch đầy tâm trạng trong truyện ngắn Những bông lúa chín phạt tôi:

Những bông lúa chín trĩu nặng quệt quất quật cười vào má, mặt, mắt tôi. Tôi nhắm nghiền đôi mắt lại.

Con cá quẫy mơ hồ ao làng.

Mây trắng lang thang mãi phía bờ tre. Tôi nhắm mắt lại.

Một ngày một tuần một tháng một năm.

Mười năm hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm. Sáu bảy chục năm vẫn con cá quẫy. Vẫn mây lang thang Những bông lúa chín phạt tôi.

Tôi trông em, tôi cõng em xấp xểnh đường làng. Đường ngang nhà tôi ngược mãi lên núi.

Lâu lâu tôi thấy một người đàn ông mù gánh cúi đi xuống chợ, bước chân xấp xơ, đòn gánh quạng quơ, ông mù như lúc nào cũng cười. (…)

Tôi cõng em chạy đi, chạy mãi nắng chiều như vàng mãi, bờ ruộng như dài mãi. Rồi tôi cõng em nhào xuống ruộng, những bông lúa chín quệt quất quật quờ vào má mặt mắt tôi.

Trên ngọn đồi đó, em nằm với đất sỏi cỏ cây; mãi mãi ba tuổi rưỡi. (Trần Nhã Thụy, 2008).

Có thể nói, độc thoại nội tâm tràn đầy trong truyện ngắn Trần Nhã Thụy với mọi biểu hiện của nó. Độc thoại theo dòng tâm thức mà nhân vật tự mình bộc bạch trong suy tưởng của mình; độc thoại ngay trong lời đối thoại khi nhân vật “lơ đãng” với hiện tại mà sống với tâm tưởng, với hoài niệm

Bên cạnh lời văn một giọng hướng trực tiếp vào đối tượng trò chuyện và người trước mặt, trong các truyện ngắn Trần Nhã Thụy đã có nhiều câu mang hơi hướng hai giọng, đa thanh “đi câu không phải để tìm kiếm, không thể nào tìm kiếm con cá mà ta muốn, vì ta có rất ít sự am hiểu về lưỡi câu, phao câu. Chúng ta cũng không am hiểu về dòng nước, các loài cá nào sống được ở đây. Chúng ta chỉ là những kẻ giết thời gian. Chúng ta đang trong cơn chán ngán cuộc sống trong một ngôi nhà yên ấm của mình” (Trần Nhã Thụy, 2011), hay “thời buổi bây giờ, buổi sớm đi làm, buổi tối chưa chắc đã về được đến nhà. Nhiều người không chỉ đang chạy trốn cơn mưa mà cố chạy trốn tội ác” (Trần Nhã Thụy, 2011). Thật khó có thể phân biệt đâu là ngôn ngữ tác giả đâu là ngôn ngữ nhân vật. Nhà văn đã thực sự đặt mình vào địa vị nhân vật để nói lên suy nghĩ về số phận và cuộc đời của họ. Giọng của nhân vật, của người kể, của tác giả, không những tồn tại cạnh nhau mà còn đối thoại với nhau, thậm chí là những đoạn chúng còn đan chồng lên nhau. Sự thay đổi giọng điệu trong văn học cho thấy được ý thức làm mới mình của nhà văn, cũng như đó là cách nhà văn đa dạng điểm nhìn để có thể chiếu soi kĩ hơn vào những cửa sổ tâm hồn người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn trần nhã thụy (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)